Mực nước hồ thủy điện Quảng Trị thấp kỷ lục: Lên phương án điều tiết nước vụ hè thu

Bình luận · 245 Lượt xem

Mực nước tại hồ chứa thủy điện Quảng Trị xuống thấp kỷ lục khiến ngành nông nghiệp Quảng Trị lo lắng, xây dựng phương án điều tiết nước sản xuất hè thu và chống hạn.

Công ty Thủy điện Quảng Trị thực hiện nhiệm vụ phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; cấp nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt cho vùng hạ du, đặc biệt là vùng sản xuất lúa thuộc các huyện Triệu Phong, Hải Lăng.

Những tháng đầu năm 2023, hạn hán kéo dài, mưa ít, lưu lượng nước về hồ thấp hơn trung bình nhiều năm.

Hồ chứa Thủy điện Quảng Trị xuống thấp kỷ lục khiến ngành nông nghiệp Quảng Trị lo lắng và lên phương án phối hợp điều tiết nước cho vụ hè thu. Ảnh: Võ Dũng.

Hồ chứa Thủy điện Quảng Trị xuống thấp kỷ lục khiến ngành nông nghiệp Quảng Trị lo lắng và lên phương án phối hợp điều tiết nước cho vụ hè thu. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Quảng Trị cho biết, đến ngày 22/5/2023, mực nước hồ chứa thủy điện Quảng Trị là 464,44m, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 3,52m. Với mực nước chết là 450m, dung tích hữu ích hồ chứa hiện chỉ còn lại khoảng 43 triệu m3, thiếu hụt so với kế hoạch từ đầu năm khoảng 12 triệu m3.

Bài liên quan

Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo ông Hùng là do tổng lượng mưa tại trung tâm lưu vực hồ chứa tính đến ngày 22/5/2023 là 329mm, chỉ đạt một nửa so cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 4 và tháng 5/2023, nắng nóng kéo dài, lượng bốc hơi lưu vực lớn, lưu lượng về hồ rất ít, có thời điểm xấp xỉ bằng không.

Với lượng nước hiện tại, từ nay đến ngày 15/8/2023, Công ty Thủy điện Quảng Trị dự kiến sẽ sản xuất điện 700.000 kWh/ngày tương ứng cấp nước cho dạ du trung bình 700.000 m3 nước/ngày.

Trong trường hợp hạn hán xảy ra nghiêm trọng, mực nước hồ xuống dưới mực nước chết, công ty sẽ tận dụng tối đa lượng nước còn lại dưới mực nước chết, xả qua van thủy lợi để cấp nước tưới với dung tích dự kiến 17 triệu m3.

Ông Hùng cho rằng, với khả năng như vậy kết hợp với việc phía hạ du sử dụng nước tiết kiệm, có giải pháp hiệu quả cho từng thời điểm cụ thể của vụ mùa thì cơ bản sẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất cho nông nghiệp.

“Tuy vậy, để công tác vận hành hồ chứa và sản xuất điện đạt hiệu quả cao nhất có thể, Công ty Thủy điện Quảng Trị sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết trên lưu vực và thủy văn hồ chứa.

Việc khai thác hợp lý nước hồ chứa Thủy điện Quảng Trị vừa đáp ứng được nhu cầu bổ sung nước tưới cho nông nghiệp vùng hạ du ở các thời điểm có nhu cầu sử dụng nước nhiều phục vụ sản xuất vừa đảm bảo phát điện lên hệ thống điện quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” – ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, để đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, trong vụ đông xuân 2022-2023, Công ty Thủy điện Quảng Trị đã thực hiện đúng và vượt so với Biên bản thỏa thuận với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị và Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi về phương án điều tiết nước từ công trình thủy lợi - thủy điện.

Để đảm bảo việc phối hợp điều tiết nước cho sản xuất và chống hạn những tháng cuối mùa kiệt năm 2023, Chi cục Thủy lợi và Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình Quảng Trị đã có buổi làm việc với Công ty Thủy điện Quảng Trị.

Ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Trị cho biết, công trình thủy lợi – thủy điện Quảng Trị có ý nghĩa rất lớn trong việc bổ sung, cung cấp nguồn nước hỗ trợ cho phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng sản xuất lúa các xã của huyện Triệu Phong, Hải Lăng.

Công trình vận hành đúng cam kết sẽ góp phần chủ động trong việc tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Nguồn nước cơ bản đảm bảo sản xuất vụ hè thu nhưng sẽ có nguy cơ 'đuối' vào cuối vụ. Ảnh: Võ Dũng.

Nguồn nước cơ bản đảm bảo sản xuất vụ hè thu nhưng sẽ có nguy cơ "đuối" vào cuối vụ. Ảnh: Võ Dũng.

Những tháng đầu năm 2023, lượng mưa trên lưu vực thủy lợi – thủy điện thấp, dòng nước đến rất ít, dẫn đến lượng nước hiện tại thiếu hụt. Dự báo những tháng giữa và cuối năm 2023, El-nino xuất hiện, nắng nóng, hạn hán kéo dài, xâm ngập mặn ảnh hưởng rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp.

Với thực trạng như hiện nay để đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông Lam đề nghị các ngành, các cơ quan địa phương liên quan bàn bạc, trao đổi các nội dung giải pháp để ứng phó với tình hình hạn hán.

“Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Trị phải xây dựng phương án sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, đặc biệt là trong thời kỳ cao điểm phát triển của cây lúa từ 15/6-15/7/2023. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn theo kế hoạch và sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, thông minh để tiết kiệm nguồn nước” – ông Lam cho hay.

Bình luận