Giới văn chương lắng nghe nhịp sống nông thôn phương Nam

Bình luận · 237 Lượt xem

Giới văn chương đã phát hiện nhiều câu chuyện thú vị qua cuộc vận động sáng tác bút ký văn học do Hội Nông dân TP.HCM phối hợp Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức.

 

Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn suy tư về văn hóa hội nhập

Vùng đất văn học góp phần nhận diện thương hiệu địa phương

Các tác giả đoạt giải bút ký 'Những câu chuyện hay về nông nghiệp, nông dân, nông thôn TP.HCM'

Giới văn chương đã có cái nhìn mới mẻ và cảm xúc tích cực, khi tham gia cuộc vận động sáng tác bút ký văn học “Những câu chuyện hay về nông nghiệp, nông dân, nông thôn TP.HCM”. Giới cầm bút đô thị phương Nam và cuộc sống nông dân phương Nam có được nhiều sự đồng điệu thông qua trang viết.

 

Như một hoạt động tích cực chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP.HCM nhiệm kỳ 2023-2028, cuộc vận động sáng tác bút ký văn học “Những câu chuyện hay về nông nghiệp, nông dân, nông thôn TP.HCM” đã được Hội Nông dân TP.HCM và Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức. Giới văn chương có những chuyến đi thực tế tại Củ Chi và Thủ Đức để tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại cũng như khám phá con đường vươn lên của nông dân trong kỷ nguyên hội nhập.

 

Dù cuộc vận động sáng tác bút ký văn học chỉ diễn ra hai tháng, nhưng vẫn thu hút được nhiều tên tuổi của giới văn chương hưởng ứng. 24 tác phẩm phản ánh những góc độ khác nhau, trực tiếp chứng minh nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho các tác giả muốn tìm kiếm vẻ đẹp cuộc sống đích thực.

 

Ban giám khảo gồm các nhà văn Trầm Hương, Lê Thiếu Nhơn, Bùi Phan Thảo đã chọn ra 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 3 giải khuyến khích. Chiều 11/9, cuộc vận động sáng tác bút ký văn học “Những câu chuyện hay về nông nghiệp, nông dân, nông thôn TP.HCM” đã tổng kết và trao giải tại Trung tâm báo chí TP.HCM.

 

Tác phẩm “Thiềng Liềng một điểm sáng” của nhà văn Nguyễn Minh Ngọc mang đậm chất trữ tình. Một ấp đảo nổi danh, qua bút ký đã hiện lên thật ấn tượng, từ những nguồn sử liệu đến trải nghiệm của tác giả về tình đất và tình người.

 

Tác phẩm “Tôi đi dưới nắng Long Trường” của nhà văn Xuân Trường viết về Hợp tác xã rau Tuấn Ngọc ở Thủ Đức. Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ cao, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế vượt trội mà còn chứng minh sức mạnh của quá trình tri thức hóa nông dân.

 

Nhà văn Hoài Hương dựng lại chân dung đáng khâm phục của nông dân Lê Thị Liên 74 tuổi đời, 55 tuổi Đảng qua bút ký “Bông sen vẫn ngát hương”. Gian nan thời chiến tranh càng hun đúc ý chí cống hiến thời hòa bình của người phụ nữ đảm đang luôn gắn bó với đất đai quê nhà.  

 

Tác phẩm “Về Cần Giờ với nông dân sản xuất giỏi, xem diêm dân làm muối tinh khiết, đờn ca tài tử ở homestay” của nhà văn Nguyễn Vũ Quỳnh cho thấy bức tranh khá toàn cảnh về sức bật nông thôn mới ở Cần Giờ. Đặc sản nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, đang từng ngày làm thay da đổi thịt vùng rừng Sác trứ danh.

 

Bên cạnh những tác giả chuyên nghiệp, các cây bút nghiệp dư cũng thể hiện được ưu điểm riêng khi viết về chính mảnh đất cưu mang và nuôi dưỡng mình. Tác giả Trương Thị Phương Uyên có bút ký “Hợp tác xã nông nghiệp - Một mô hình kinh tế tập thể đồng hành cùng cuộc sống nông dân Tân Quý Tây”, còn tác giả Phạm Thị Thanh Tuyền có bút ký “Nghề nông nơi bán đảo đô thị Sài Gòn”.

 

Đặc biệt, nhiều gương mặt nông dân cần cù và sáng tạo đã bước vào văn chương một cách gần gũi và thuyết phục, như nhân vật Nguyễn Thị Thoan trong bút ký “Nương mình vào đất” hoặc nhân vật Nguyễn Thị Thùy Trang trong bút ký “Lòng như hoa trái”.

Bình luận