Tiếp cận công nghệ cải tạo đất SOFIX để thúc đẩy năng suất cây trồng

Bình luận · 205 Lượt xem

Chiều 13/7, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có cuộc gặp gỡ với Giáo sư Kubo Mutoki, Khoa Khoa học đời sống, Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản về giải pháp sinh học SOFIX cho


Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp Giáo sư Kubo Mutoki, Khoa Khoa học đời sống, Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản

Trong bối cảnh nền nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có một phương pháp phân tích vi sinh đất toàn diện, canh tác vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và trực giác nên gặp nhiều khó khăn để đạt được năng suất ổn định. Công nghệ SOFIX (Soil Fertile Index) có nghĩa là chẩn đoán tính chất vi sinh trên cơ sở khoa học kết hợp tính chất hóa học và vật lý của đất. Đây là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới, một công nghệ mang tính đột phá trong “làm đất” để đề xuất phân bón nhằm nâng cao mức sản sinh đất và nâng cao năng suất trong nông nghiệp hữu cơ.

Theo Giáo sư Kubo Mutoki, công nghệ SOFIX có nguyên lý là sử dụng tuần hoàn các hợp chất hữu cơ và sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ để hạn chế sử dụng phân bón và thuốc BVTV. SOFIX là công nghệ hài hòa vật chất hữu cơ và vi sinh vật giúp nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường. SOFIX chẩn đoán độ phì nhiêu của đất dựa trên số lượng vi sinh vật.

Giáo sư Kubo Mutoki tặng Bộ trưởng Lê Minh Hoan sản phẩm gạo sản xuất theo công nghệ SOFIX

Cho đến nay, tổng mẫu phân tích SOFIX được thực nghiệm tại Nhật Bản là khoảng 10.000 mẫu. Việc canh tác hữu cơ SOFIX đạt năng suất tương đương hoặc cao hơn canh tác hóa học. Giảm chi phí sản xuất 20-30% bằng việc giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. ngoài ra, chất lượng nông sản tăng lên như: lượng ion nitrat trong nông sản giảm đi và lượng Lycopene tăng lên…

Để cải tạo đất hiệu quả thì việc đánh giá nguồn nguyên liệu hữu cơ rất quan trọng, công nghệ của SOFIX đã phát hiện ra điều này. Qua đó, SOFIX cũng đã phát triển một nguồn nguyên liệu hữu cơ, phân hữu cơ SOFIX có thể phát triển tại nhiều địa phương khác nhau.

Sofix có xu hướng tái sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương để phát triển nền nông nghiệp an toàn. Đây là mô hình phát triển sofix tại Nhật Bản và Sofix mong muốn phát triển mô hình này tại Việt Nam. Giáo sư Kubo đề xuất Việt Nam nên xây dựng trung tâm phân tích là việc rất cần thiết, để sau khi phát triển mô hình có thể tiến hành sản xuất nông nghiệp tại chỗ để tạo ra sản phẩm, song song với việc đào tạo nhân lực thực hành nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Giống như quy trình phát triển tại Nhật Bản thì việc phát triển công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng.

Đại diện Vụ Khoa học công nghệ cho biết, trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp, lĩnh vực khoa học công nghệ được quan tâm hàng đầu. Bộ NN&PTNT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ KHCNMT, hai Bộ cũng cần có các đầu mối mạng lưới hỗ trợ quá trình thúc đẩy và đồng hành ứng dụng chuyển giao các công nghệ mới, đặc biệt là kết nối các tổ chức khoa học và các chuyên gia nước ngoài và các doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Thời gian tới, hai bên sẽ cùng nhau thử nghiệm và đánh giá công nghệ SOFIX, sự thành công trong ứng dụng của Công ty Thành Phát đóng vai quan trọng quyết định sự phát triển công nghệ này.

Nhân dịp này, đại diện Vụ KHCN đề nghị Bộ trưởng tạo điều kiện cho các Viện của 2 Bộ phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng với doanh nghiệp, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài để phát triển các công nghệ mới và thúc đẩy hơn nữa hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.

Trong tương lai, hợp tác giữa hai Chính phủ Nhật Bản - Việt Nam về vấn đề nông nghiệp hướng đến chuyển giao giấy phép công nghệ SOFIX cùng việc hỗ trợ kỹ thuật tối ưu trong vấn đề cải thiện đất trồng sẽ giúp nền nông nghiệp Việt Nam giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản, từ đó tăng tính cạnh tranh quốc tế./.

 

NLA (Mard.gov.vn)

Bình luận