Làm thế nào để tăng sức hút của OCOP với những làng nghề thủ công?

Bình luận · 221 Lượt xem

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này.

Khoảng bao nhiêu phần trăm nhóm sản phẩm các làng nghề của Hà Nội đã tham gia chương trình OCOP rồi thưa ông?

Trong 1.350 làng nghề và làng có nghề của Hà Nội một số đã bị mai một, đến nay còn 860 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động trong đó có 320 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Trong hơn 2.000 sản phẩm OCOP được Thành phố công nhận có 1.870 sản phẩm OCOP còn hiệu lực gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, số còn lại sản phẩm 4 sao, 3 sao.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội bên cạnh sản phẩm cá kho chấm điểm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội bên cạnh sản phẩm cá kho chấm điểm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Với những số liệu nêu trên thì Hà Nội vẫn còn dư địa để phát triển sản phẩm OCOP để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thiết thực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm của các làng nghề tham gia vào chương trình OCOP vẫn chỉ ở một mức độ ít, chưa thấm vào đâu cả. Có nhiều làng nghề chỉ có một hoặc một số ít tham gia OCOP, do đây là những năm đầu tiên triển khai Chương trình nên nhận thức của chủ thể về OCOP chưa sâu, chưa thấy được tầm quan trọng, hiệu quả của chương trình đối với phát triển sản phẩm của đơn vị.

Theo ông vì sao chương trình OCOP vẫn chưa có sức hút với những làng nghề thủ công mỹ nghệ?

Cái khó là nhiều sản phẩm làm theo đơn đặt hàng, sản phẩm được thay đổi mẫu mã thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều sản phẩm làng nghề, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề mây tre đan có tính bền vững không cao nên các chủ thể không muốn đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong khi thời gian công nhận sản phẩm OCOP là 3 năm, có được chứng nhận năm trước nhưng năm sau lại đi theo mẫu mã khác. Đó là cái khó chung.

Vậy phải kiến nghị sao cho chương trình OCOP phù hợp với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề?

Hiện nay đánh giá OCOP theo nhóm sản phẩm hay từng sản phẩm một? Có những địa phương đánh giá theo nhóm sản phẩm, có địa phương đánh giá theo từng sản phẩm, phải tùy hoàn cảnh. Ví dụ sản xuất thú nhồi bông ở huyện Phúc Thọ chẳng hạn. Có rất nhiều kiểu dáng như con lợn, con chó, con mèo, con gà, con vịt…chúng ta có thể công nhận OCOP cho bộ sản phẩm thú nhồi bông của chủ thể A chứ không nên công nhận từng con một sẽ hợp lý hơn. Ví dụ như sản xuất nón của một cơ sở ở làng Chuông huyện Thanh Oai chẳng hạn. Có thể đánh giá nón quai thao còn kích cỡ thế nào thì linh động, hay đánh giá nón lá…

Về bản chất các nguyên liệu không khác nhau nhiều nên khi đánh giá theo từng sản phẩm của một chủ thể là vấn đề cần phải nghiên cứu. Ví dụ như rau Đại Ngàn của huyện Thạch Thất chẳng hạn, có tới 49 sản phẩm như bắp cải, cà rốt, mùi, hành…Nếu cứ đánh giá riêng thì cũng không hợp lý mà nên đánh giá theo nhóm sản phẩm.

Sản phẩm thủ công của Hà Nội tại một buổi chấm điểm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản phẩm thủ công của Hà Nội tại một buổi chấm điểm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để tăng tính hấp dẫn của chương trình OCOP với các chủ hộ, doanh nghiệp theo ông phải làm những gì gì?

Giai đoạn đầu chúng tôi tuyên truyền, vận động để thấy được vai trò của chương trình OCOP. Giai đoạn đánh giá lại sau 3 năm được công nhận OCOP thì phải làm chặt chẽ, rà xem việc tham gia có mở rộng được thị trường không, có tăng doanh số được không hay là chứng nhận OCOP xong chỉ để cất tủ?

Trong năm 2023, tổng số hơn 300 sản phẩm hết hạn chứng nhận OCOP vừa rồi mới đánh giá lại được 27. Những đơn vị đánh giá lại OCOP là đã thấy hiệu quả thực sự của chương trình này. Nói gì thì nói, việc bán hàng được hay không chính là do chất lượng sản phẩm quyết định, sau đó phải gắn với những điểm du lịch của địa phương để bán, rồi tổ chức các sự kiện giao lưu để kết nối.

Trách nhiệm của chúng tôi trong thời gian tới là phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được giá trị đích thực của sản phẩm OCOP so với sản phẩm thông thường. Lúc đó doanh nghiệp và các hộ sẽ tham gia nhiều hơn vào chương trình và nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm. Cuối cùng là người tiêu dùng sẽ quyết định.

Sản phẩm thủ công của Hà Nội tại một buổi chấm điểm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản phẩm thủ công của Hà Nội tại một buổi chấm điểm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Được đi nhiều nước, ông thấy kinh nghiệm làm OCOP của họ ra sao?

Như ở Thái Lan mỗi huyện xây dựng một trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP. Giai đoạn đầu, làm thế thì hiệu quả nhưng về sau lại không thấy phù hợp nên phải đưa sản phẩm OCOP vào những khu chợ đêm, gắn với điểm du lịch. Việt Nam đang đi bước đầu tiên, thành phố đang giao cho Sở Công thương theo kế hoạch năm nay sẽ thực hiện 9 trung tâm thiết kế và giới thiệu sản phẩm OCOP ở các huyện. Vấn đề đang vướng ở chỗ bố trí đất đai, quy mô ra sao, công tác quản lý thế nào...

Nhiều người thắc mắc tại sao các chủ thể OCOP không thường xuyên sử dụng mạng xã hội vào công tác quảng bá, bán hàng, ý kiến của ông thế nào?

Thời điểm dịch Covid 19 mạng xã hội giúp ích nhiều cho các chủ thể OCOP trong việc kết nối bán hàng nhưng bây giờ thì lại không được nhiều. Hơn thế nữa, trên mạng xã hội như tiktok, facebook những sản phẩm tốt cũng đưa lên, những sản phẩm xấu cũng đưa lên bán ở trên đó mà không có chọn lọc nên tâm lý người tiêu dùng sợ bị lừa. Nói đâu xa, chính tôi cũng đã mua phải một số sản phẩm trên mạng không đúng như quảng cáo. Những mạng xã hội khi cho đưa sản phẩm lên bán thì phải chọn lọc, phải quản lý, phải chịu trách nhiệm về chất lượng đến cùng thì mới tạo cho người tiêu dùng niềm tin.

 
Bình luận