Nơi bốn bề sông nhưng có gần 60% hộ dân 'khát' nước sạch

Bình luận · 264 Lượt xem

CÀ MAU Mặc dù bốn bề sông rạch, nhưng nhiều người dân ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau lại đang thiếu nước sạch sử dụng hàng ngày.

Vừa qua, chúng tôi có dịp đến xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, thực hiện chương trình trao bồn chứa nước cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Qua lời chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã, ông Nguyễn Hồng Duy, thì Khánh Thuận có 15 ấp với hơn 2.900 hộ dân, trong đó có tới 300 hộ nghèo và 38 hộ cận nghèo.
Nguồn nước sinh hoạt sử dụng hàng ngày của người dân nơi đây chủ yếu lấy từ giếng khoan. Thế nhưng không phải vị trí nào cũng khoan được giếng nước. Hiện tại, trên nhiều tuyến kênh của xã Khánh Thuận nguồn nước bị nhiễm mặn, vào mùa mưa bà con phải tận dụng lu, kiệu để chứa nước mưa. So với nhu cầu sử dụng, khối lượng tích trữ được cũng chẳng thấm vào đâu.

Ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện U Minh, tỉnh Cà Mau trao bình giữ nhiệt cho 30 hộ dân xã Khánh Thuận. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện U Minh, tỉnh Cà Mau trao bình giữ nhiệt cho 30 hộ dân xã Khánh Thuận. Ảnh: Trọng Linh.

Đến nay, tổng số hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn xã mới đạt 1.200, chiếm tỷ lệ 40.8%. Trong đó, số hộ sử dụng nước do nhà máy cấp nước tập trung chỉ hơn 590 hộ, tương đương khoảng 20%.

Thời gian qua mặc dù xã Khánh Thuận đã được đầu tư 7 hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 6 ấp, gồm ấp 1, 12, 17, 18, 19, 20. Tuy nhiên, đến nay nhiều hệ thống cấp nước sạch tập trung đã bị hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa.

Các ấp còn lại chưa có hệ thống xử lý nước tập trung, nguồn nước người dân sử dụng chủ yếu là nước giếng khoan. Nơi không khoan giếng được bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Điển hình như tại ấp 18, xã Khánh Thuận qua kiểm tra 10 hộ liền kề không có nước sử dụng, bà con phải đi mua nước từ các hộ gia đình hoặc hệ thống cấp nước từ các ấp khác.

Anh Phan Hoàng Anh (ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) chia sẻ: Gia đình chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng tràm. Mấy năm nay thời tiết thất thường, giá tràm lại rớt nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Quanh năm ai thuê gì hai vợ chồng cũng làm nhưng vẫn chưa thoát nghèo được.

Ông Lư Phạm Minh Tuấn, đại diện Tập đoàn Tân Á Đại Thành trao bồn nước cho bà con xã Khánh Thuận. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lư Phạm Minh Tuấn, đại diện Tập đoàn Tân Á Đại Thành trao bồn nước cho bà con xã Khánh Thuận. Ảnh: Trọng Linh.

Chia sẻ về nguồn nước uống hàng ngày, anh Hoàng Anh nói: Lâu nay nguồn nước gia đình sử dụng cho sinh hoạt phải mua của các hộ dân ở ấp 25 với giá 4.000 – 5.000 đồng/60 lít. Nước dùng cho sinh hoạt khác như giặt đồ, rửa chén đều sử dụng nguồn nước sông. Hôm rồi được chính quyền xã Khánh Thuận thông báo có đoàn thiện nguyện về địa phương tặng bồn nước cả đêm trông cho trời mau sáng để đi nhận.

Ông Danh Nguyệt (ấp 15, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) bộc bạch: Gia đình có khoan giếng nước để sinh hoạt, tuy nhiên nguồn nước bị nhiễm phèn và mặn không xài được. Mùa mưa đến gia đình tận dụng hết mấy cái lu, cái kiệu to nhỏ trong nhà mang ra hứng nước.

Ngày 8/6, chia sẻ tại buổi trao bồn nước cho bà con xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, ông Lư Phạm Minh Tuấn, đại diện Tập đoàn Tân Á Đại Thành chia sẻ: Từ ngày 10/5/2023 đến ngày 8/6/2023, Chương trình “Phủ xanh miền Tây cùng Tân Á Đại Thành” do Báo Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Tân Á Đại Thành phối hợp thực hiện đã được triển khai tại 8 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau.

Bà con nhận bồn chức nước phải dùng xuồng máy để chở về nhà. Ảnh: Trọng Linh.

Bà con nhận bồn chức nước phải dùng xuồng máy để chở về nhà. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nguyễn Hồng Duy, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thuận cho biết, khi nhận được thông báo có đoàn thiện nguyện do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Tân Á Đại Thành tổ chức về vùng nông thôn tặng 30 bồn nước, bà con trong xã rất xúc động.

Chương trình đã trao tổng cộng 240 bồn nhựa Plasman Đại Thành tổng trị giá 600.000.000 đồng và quà tặng là hàng trăm bình giữ nhiệt. Chương trình “Trao bồn nước cho bà con vùng hạn mặn ĐBSCL” nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và đánh giá rất cao của Sở NN-PTNT, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh và lãnh đạo địa phương các cấp nơi đến trao bồn nước.
Đặc biệt là sự cảm động của bà con có hoàn cảnh khó khăn được địa phương chọn để trao tặng bồn nước. Mong muốn của những người thực hiện chương trình này là được giúp đỡ nhiều hơn nữa bà con nhằm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Bình luận