Cù lao xanh giữa ‘thủ phủ’ công nghiệp

Bình luận · 206 Lượt xem

Vùng đất này như một thế giới khác, không bị ảnh hưởng bởi đô thị náo nhiệt, khói bụi khu công nghiệp, vẫn còn nguyên sắc thái thôn quê yên bình vốn có xưa nay.

Đó là xã Bạch Đằng, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Vùng đất rộng hơn 10km2 này được con sông Đồng Nai bao bọc, chỉ nối với đất liền bằng 1 cây cầu, nên vẫn được gọi là cù lao Bạch Đằng, nơi được thiên nhiên ưu ái ban cho sự trù phú, những vườn cây trái xanh tươi, không khí trong lành. Nơi đây đang trên đường trở thành một miền quê đáng sống.

Hương bưởi bay xa

Tôi về cù lao Bạch Đằng một ngày giữa tháng năm, dưới thời tiết nắng nóng, oi bức. Nhưng khi xe vừa qua cây cầu Bạch Đằng bắc qua sông Đồng Nai, bất chợt thấy không khí dịu mát hẳn, làn gió nhẹ từ sông thổi lên mát rượi, thật dễ chịu.

Cầu Bạch Đằng bắc qua sông Đồng Nai, con sông đã giúp mảnh đất cù lao này bao đời màu mỡ, cây cối xanh tươi. Ảnh: Hồng Thủy.
Cầu Bạch Đằng bắc qua sông Đồng Nai, con sông đã giúp mảnh đất cù lao này bao đời màu mỡ, cây cối xanh tươi. Ảnh: Hồng Thủy.

Cầu Bạch Đằng bắc qua sông Đồng Nai, con sông đã giúp mảnh đất cù lao này bao đời màu mỡ, cây cối xanh tươi. Ảnh: Hồng Thủy.

Cù lao Bạch Đằng nay đã được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, tất cả các tuyến đường đều đã trải nhựa sạch bong, hai bên đường là những vườn cây trái xanh tươi. Đây là vùng đất hiếm hoi của tỉnh Bình Dương không phát triển công nghiệp, không nhà máy, không có nước thải công nghiệp, và không bị ô nhiễm môi trường. Nhờ có dòng sông Đồng Nai bao quanh mà cù lao nhỏ này có khí hậu mát mẻ, ôn hòa, đất đai màu mỡ nhờ được bồi đắp phù sa hàng năm, tạo thành một bức tranh tổng thể xanh mướt mắt từ những vườn cây. Nhờ được thiên nhiên ưu ái mà các loại cây trái nơi đây nổi tiếng ngon, trong đó có trái bưởi nức tiếng bao đời.

Ở cù lao Bạch Đằng, ông Dương Văn Minh, năm nay 67 tuổi, là một trong những người trồng bưởi có tiếng, được nhiều người tìm đến học hỏi. Ông Minh không phải là người trồng bưởi lâu nhất ở Bạch Đằng, diện tích vườn bưởi của ông cũng không lớn, chỉ 2.300m2, nhưng vườn bưởi của ông là một trong 3 vườn bưởi mẫu ở xã Bạch Đằng.

Lão nông Dương Văn Minh nổi tiếng ở cù lao Bạch Đằng vì không chỉ có kiến thức, tạo ra vườn bưởi đẹp nhất cù lao, mà còn là người nâng tầm giá trị trái bưởi, tăng thu nhập. Ảnh: Hồng Thủy.

Lão nông Dương Văn Minh nổi tiếng ở cù lao Bạch Đằng vì không chỉ có kiến thức, tạo ra vườn bưởi đẹp nhất cù lao, mà còn là người nâng tầm giá trị trái bưởi, tăng thu nhập. Ảnh: Hồng Thủy.

Tận mắt nhìn vườn bưởi của ông Minh, tôi thực sự thích thú. Bởi tôi từng thấy nhiều vườn bưởi có tuổi đời hơn chục năm bắt đầu già cỗi, ít trái, còn vườn bưởi của ông Minh, dù đã 23 năm, nhưng nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây không chỉ to mà còn rất khỏe, từ thân đến lá bóng láng. Đặc biệt là trên cây có nhiều trái đủ kích cỡ. Đây là điều không nhiều nhà vườn làm được. Bởi theo ông Minh thì kỹ thuật xử lý ra nhiều đợt trái cùng lúc trên cây để thu hoạch liên tục rất khó. “Nếu không có kiến thức, kinh nghiệm mà xử lý nhiều đợt trái cùng lúc thì sẽ có trái chua, trái ngọt, trái khô, trái kém phát triển, không đạt về hình thức”, ông Minh nói.

Ông Minh vốn có bằng cử nhân chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, có kiến thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc, hiểu biết về thổ nhưỡng, thời tiết, giống cây trồng, môi trường… Đó là lý do vườn bưởi của ông đẹp nhất nhì cù lao Bạch Đằng này, cây rất khỏe, da thân cây láng bóng, cây nhiều nhánh to đều.

“Ở đây có 2 kiểu nông dân, nông dân cổ cồn trắng và nông dân cổ cồn nâu. Chú là kiểu thứ nhất, nông dân nói hay, nói nhiều, còn làm thì không bằng nói nhưng cũng tạm được”, ông Minh tếu táo.

Ông có kinh nghiệm nuôi nhiều đợt trái ra cùng lúc trên cùng 1 cây. Đây là kỹ thuật rất khó để các đợt trái có cùng chất lượng, vì mỗi giai đoạn trái trưởng thành có quy trình chăm sóc khác nhau. Ảnh: Tuy Hòa.

Ông có kinh nghiệm nuôi nhiều đợt trái ra cùng lúc trên cùng 1 cây. Đây là kỹ thuật rất khó để các đợt trái có cùng chất lượng, vì mỗi giai đoạn trái trưởng thành có quy trình chăm sóc khác nhau. Ảnh: Tuy Hòa.

Không chỉ giỏi chăm cây bưởi, ông Minh còn làm nhiều sản phẩm từ trái bưởi như rượu, mứt, sinh tố từ bưởi, đặc biệt, ông Minh là người duy nhất ở Bạch Đằng có dây chuyền chiết xuất tinh dầu từ vỏ bưởi.

“Bưởi là một trong những cây lâu đời và nổi tiếng nhất ở cù lao này. Tổng diện tích cù lao Bạch Đằng có hơn 1.000ha, thì diện tích bưởi chiếm 450ha. Trong đó, bưởi đường lá cam và bưởi ổi là giống đặc trưng của Bạch Đằng. Nhưng bưởi ổi năng suất thấp nên người ta ít trồng. Do đặc thù về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên trái bưởi ở đây có vị ngọt thanh rất đặc trưng. Do vỏ trái bưởi Bạch Đằng mỏng, trái không lớn, nhưng so với nhiều loại bưởi trồng ở nơi khác thì lượng cùi trái bưởi ở đây vẫn nhiều hơn”, ông Minh nói.

Từ trái bưởi, ông Minh cho ra các sản phẩm như mứt, rượu, nước ép bưởi, đặc biệt là tinh dầu bưởi, giúp tăng giá trị bưởi lên nhiều lần. Trong ảnh là sản phẩm rượu bưởi và phòng chiết xuất tinh dầu bưởi của ông Minh. Ảnh: Hồng Thủy.
Từ trái bưởi, ông Minh cho ra các sản phẩm như mứt, rượu, nước ép bưởi, đặc biệt là tinh dầu bưởi, giúp tăng giá trị bưởi lên nhiều lần. Trong ảnh là sản phẩm rượu bưởi và phòng chiết xuất tinh dầu bưởi của ông Minh. Ảnh: Hồng Thủy.

Từ trái bưởi, ông Minh cho ra các sản phẩm như mứt, rượu, nước ép bưởi, đặc biệt là tinh dầu bưởi, giúp tăng giá trị bưởi lên nhiều lần. Trong ảnh là sản phẩm rượu bưởi và phòng chiết xuất tinh dầu bưởi của ông Minh. Ảnh: Hồng Thủy.

Vườn bưởi của ông Minh đã đạt chứng nhận VietGAP, chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và từ nhiều năm nay, ông Minh vẫn canh tác theo quy trình hữu cơ. “Mục đích tôi làm theo quy trình là đam mê, góp phần xây dựng thói quen canh tác sạch, an toàn và bền vững cho bà con chứ không phải vì tiền. Tôi hơn mọi người ở chỗ có chút kiến thức, đúng hơn là nói hay hơn người ta, nên thường tư vấn cho bà con. Nhưng nói hay đến đâu thì cũng phải có bằng chứng chứ không phải lý thuyết suông. Mà vườn của tôi ai đến cũng thích. Đó là nói được làm được”, ông Minh cười.

Gìn giữ những giá trị cốt lõi

Không chỉ ông Dương Văn Minh, những nông dân khác ở cù lao Bạch Đằng tôi gặp đều ý thức rõ việc gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa, đặc sản mà cù lao này được thiên nhiên ưu ái ban cho.

Vườn bưởi của ông Dương Văn Hoàng ở ấp Bình Hưng, xã Bạch Đằng, canh tác theo quy trình VietGAP. Ảnh: Tuy Hòa.

Vườn bưởi của ông Dương Văn Hoàng ở ấp Bình Hưng, xã Bạch Đằng, canh tác theo quy trình VietGAP. Ảnh: Tuy Hòa.

Sinh ra và lớn lên ở cù lao Bạch Đằng, ông Dương Văn Hoàng, 66 tuổi, ở ấp Bình Hưng, tâm sự: “Mặc dù thuộc miền Đông, nhưng trước năm 2010, khi chưa có cây cầu Bạch Đằng, ở cù lao cả ngày không nghe tiếng xe máy chạy, chúng tôi đi lại bằng ghe xuồng, từ buôn bán, chuyên chở nông sản hay qua Tân Uyên đi chợ, mua đồ. Mặc dù cũng bất tiện nhưng lại rất bình yên. Đến khi có cầu, kinh tế khá dần lên, người ta bắt đầu thay ghe xuồng bằng xe máy, ô tô. Giờ cuộc sống không khác gì đất liền.

Điều chúng tôi mừng nhất là ở đây không có khu công nghiệp, nhà máy, nên không bị cuốn vào vòng ô nhiễm khói bụi, nước thải. Giờ chúng tôi đang cố gắng gìn giữ những gì cù lao đang có, cả về văn hóa lẫn kinh tế, ví dụ như những di tích đình chùa, nhà cổ. Toàn xã có 6 ấp thì có đến 6 ngôi đình, 5 ngôi chùa, một tịnh xá và 2 nhà cổ có tuổi đời trên dưới 200 năm.

Còn trong nông nghiệp thì có trái bưởi đặc sản, bao đời nay là niềm tự hào của người dân cù lao. Bạch Đằng bây giờ là xã nông thôn mới nâng cao, lại được tỉnh chọn làm điểm đề án làng thông minh, lại càng tự hào hơn. Cho nên, phải làm sao để nâng cao những giá trị cả văn hoá lẫn kinh tế mà cù lao đang có”.

Bà Phan Kim Vàng (vợ ông Hoàng): 'Dù năng suất không cao, nhưng bưởi rất ngon. Quan trọng hơn là cây bưởi có thể lên 'lão' chứ không phải 15 năm là cây tàn'. Ảnh: Hồng Thủy.

Bà Phan Kim Vàng (vợ ông Hoàng): "Dù năng suất không cao, nhưng bưởi rất ngon. Quan trọng hơn là cây bưởi có thể lên "lão" chứ không phải 15 năm là cây tàn". Ảnh: Hồng Thủy.

Gia đình ông Hoàng xưa có 4ha đất trồng bưởi, lúa và vài loại cây ăn trái khác, nhưng nay vợ chồng ông chỉ còn 5 sào, ấy là do ông bà chia cho các con làm vốn khi lập gia đình. Vườn bưởi “dưỡng già” của vợ chồng ông Hoàng là giống bưởi đường lá cam, nhiều cây đã hơn 20 năm tuổi vẫn đang cho trái.

“Mấy cây bưởi của tôi trái không sai, nhưng trái ngon lắm. Khi lột lớp vỏ múi, thấy không nhiều nước, lột khéo không ướt tay, nhưng cảm nhận múi mềm, mát, khi ăn cảm nhận nó thơm, ngọt thanh và có chút the giống như dính chất dầu của vỏ. Sống ở đây hơn nửa đời người, tôi thấy bưởi chất lượng như vầy không nhiều. Cũng vì thế mà tôi không tác động tăng trái bằng cách tăng dinh dưỡng cho cây, hay cải tạo đất, vì sợ chất lượng múi thay đổi, không còn ngon”, ông Hoàng nói.

Vườn bưởi của vợ chồng ông Hoàng bình quân mỗi năm đạt doanh thu khoảng 150 triệu, sau khi trừ chi phí, còn lời khoảng 100 triệu. Ngoài vườn bưởi cho trái chất lượng cao, vợ ông Hoàng là bà Phan Kim Vàng còn là người đầu tiên ở cù lao Bạch Đằng ủ rượu từ bưởi. Hiện nay, rượu bưởi của gia đình ông Hoàng được nhiều người biết tiếng vì thơm ngon. Tại nhà ông Hoàng, tôi cũng mua 1 lít rượu ủ 2 năm và rót uống thử tại chỗ. Rượu có màu vàng sánh như rượu ngoại, ngoài vị chua chua, ngọt ngọt, rượu còn có mùi thơm của bưởi. Bà Kim Vàng cho biết, mỗi năm ông bà ủ hàng trăm lít rượu bưởi, nhưng không đủ bán.

Bà Phan Kim Vàng: 'Ủ rượu bưởi cực lắm, lại không lời bao nhiêu, nhưng vì nhiều người thích, cứ gọi đặt hàng hoài nên tôi không nỡ bỏ làm'. Ảnh: Tuy Hòa.

Bà Phan Kim Vàng: "Ủ rượu bưởi cực lắm, lại không lời bao nhiêu, nhưng vì nhiều người thích, cứ gọi đặt hàng hoài nên tôi không nỡ bỏ làm". Ảnh: Tuy Hòa.

“Làm rượu bưởi không có lời mà vất vả lắm, công đoạn gọt vỏ, tách múi đã mất bao nhiêu thời gian. Chưa kể lúc trộn, ướp tỷ lệ đường, rượu, men phải chuẩn, nếu không là hư ngay. Hồi xưa lúc tôi mới bắt đầu làm, cũng hư hoài chứ đâu phải thành công ngay. Cũng có khi không hư nhưng rượu không ngon. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm mới được như vầy. Đến khi làm vất quá, định không làm nữa thì người ta lại hỏi hoài, mình không nỡ nên lại cứ lọ mọ làm tiếp”, bà Kim Vàng kể.

Bình luận