Gỡ bỏ rào cản, kích hoạt kết nối kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - Ấn Độ

Bình luận · 107 Lượt xem

ẤN ĐỘ Từ ngày 14-17/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác thăm song phương Ấn Độ kết hợp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao quà lưu niệm cho Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal. Ảnh: HTQT.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao quà lưu niệm cho Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal. Ảnh: HTQT.

Mục tiêu của chuyến công tác nhằm nỗ lực duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) và đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh thị trường thế giới có dấu hiệu chững lại.

Ấn Độ có quy mô dân số lớn nhất thế giới (trên 1,4 tỷ người), đồng thời là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới. Kinh tế Ấn Độ có nhiều khởi sắc trong thời gian gần đây. Ấn Độ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong 10 năm trở lại đây với tốc độ tăng trường GDP bình quân năm đạt 5,6%.

GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 2379 USD. Nếu đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, Ấn Độ sẽ vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2026 và vượt Nhật Bản để đứng vị trí thứ 3 vào năm 2032. Ấn Độ được hưởng lợi khi các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. 

Với quy mô dân số trên 1,4 tỷ người và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, Ấn Độ là một trong những thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới và đầy tiềm năng. Tuy nhiên, thương mại song phương nói chung và thương mại NLTS nói riêng còn hết sức khiêm tốn.

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ, mặc dù đạt giá trị kỷ lục 15 tỷ USD vào 2022, chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Ấn Độ. Riêng về thương mại NLTS, kim ngạch thương mại giữa hai bên cũng rất khiêm tốn chỉ đạt 1,87 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam nhập khẩu NLTS từ Ấn Độ 1,42 tỷ USD và xuất khẩu chỉ đạt 465 triệu USD, nhập siêu lên tới 953 triệu USD.

Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời. Đặc biệt, Ấn Độ là 1 trong 4 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Tuy nhiên, trong thương mại NLTS giữa hai nước còn nhiều thách thức.

Một trong những thách thức cản trở thương mại NTLTS là rào cản thương mại, đặc biệt là hàng rào thuế quan và phi thuế của Ấn Độ đối với NLTS Việt Nam còn tương đối cao, như áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng hồ tiêu và hạt điều nhập khẩu từ Việt Nam.

Các doanh nghiệp hai bên còn thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, quy định nhập khẩu, kênh phân phối, các đầu mối nhập khẩu…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Diễn đàn kết nối kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: HTQT.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Diễn đàn kết nối kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: HTQT.

Trong bối cảnh đó, Đoàn công tác do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn đã thăm song phương Ấn Độ kết hợp với họp hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Đây là chuyến thăm Ấn Độ cấp Bộ trưởng Nông nghiệp của Việt Nam lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên (14/6/2023), Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Đoàn công tác đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal, hai bên đã thẳng thắn trao đổi về các thách thức và rào cản trong quan hệ thương mại NLTS song phương, quan hệ thương mại Ấn Độ - ASEAN, vấn đề mở cửa thị trường NLTS, vận động ủng hộ Việt Nam đăng cai chuyển trụ sở Ban Thư ký tổ chức Hồ tiêu thế giới (IPC) hiện đang đặt tại Jakarta, Indonesia về TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Những trao đổi rất thẳng thắn là cần thiết để hai bên hiểu nhau hơn và tiếp theo các cơ quan chuyên môn của hai bên sẽ làm việc để tạo thuận lợi thương mại NLTS. Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, hai bên sẽ cùng tạo thuận lợi thương mại và mở ra một khởi đầu mới tươi sáng hơn cho quan hệ thương mại NLTS vốn trầm lắng trong thời gian qua.

Tiếp đó, Đoàn công tác phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) tổ chức Diễn đàn kết nối kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Tham dự diễn đàn gồm 50 doanh nghiệp Ấn Độ và lãnh đạo 4 hiệp hội của Việt Nam gồm Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ. Ảnh: HTQT.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ. Ảnh: HTQT.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn doanh nghiệp hai nước kết nối, thúc đẩy thương mại, đầu tư trong lĩnh vực NLTS vốn còn rất nhiều dư địa giữa hai nước nhằm hiện thực hóa quan hệ hữu nghị truyền thống và khẳng định kinh tế thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Việt Nam - Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp gần đây vào ngày 20/5/2023 tại Hiroshima Nhật Bản.

Tại Diễn đàn, đại diện FICCI đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của ngành nông nghiệp Việt Nam và mong muốn học hỏi sự kết nối của các chuỗi giá trị nông sản với toàn cầu của Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định Việt Nam mong muốn kết nối và học hỏi các doanh nghiệp Ấn Độ về ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ số để phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững của Việt Nam. Qua đó, đóng góp vào an ninh lượng thực và phát triển bền vững toàn cầu.

Đồng thời, trong bối cảnh quan hệ thương mại NLTS hai bên còn trầm lắng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đại diện FICCI khẳng định, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác vì một tương lai tương sáng trong quan hệ thương mại - đầu tư NLTS Việt Nam - Ấn Độ. Sau phát biểu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các hiệp hội và doanh nghiệp hai bên tiến hành trao đổi, kết nối kinh doanh.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn kết nối kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: HTQT.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn kết nối kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Ảnh: HTQT.

Trong chương trình công tác, Đoàn công tác sẽ tiếp tục gặp Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân Ấn Độ, Câu lạc bộ Giám đốc điều hành các doanh nghiệp Ấn Độ, cũng như các phiên làm việc song phương với Bộ trưởng Nông nghiệp các nước G20 nhằm tạo thuận lợi thương mại, kết nối thương mại - đầu tư trong lĩnh vực NLTS.

Bình luận