Truyền thông là 'cú hích' thúc đẩy nông nghiệp phát triển

Bình luận · 217 Lượt xem

Truyền thông ngày càng khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế xã hội và ngành nông nghiệp không ngoại lệ. Tây Ninh đang từng bước phát huy được 'công cụ' này.

Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giàu tiềm năng lợi thế, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Xác định vai trò của truyền thông trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh nổi lên như là địa điểm lý tưởng thu hút đầu tư. Đặc biệt, nhiều dự án nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao chọn Tây Ninh để “bến đỗ”.

Chúng tôi có bài phỏng vấn ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh để hiểu rõ hơn về định hướng cũng như vai trò truyền thông trong việc phát triển nông nghiệp của Tây Ninh.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Bình.

Thưa ông, xin ông cho biết tiềm năng lợi thế của tỉnh trong phát triển nông nghiệp và vai trò của truyền thông đối với việc quảng bá chính sách, nông sản địa phương đến với công chúng? Qua đó, đã đạt được thành tựu, kết quả gì nổi bật?

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam, với đặc điểm địa hình của một cao nguyên, lại mang dáng dấp, sắc thái của đồng bằng, thêm tiềm năng quỹ đất dồi dào, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, tất cả những điều này là điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp Tây Ninh phát triển.

Tây Ninh đã xác định 4 đột phá chiến lược, trong đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị là một trong những đột phá quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị, bền vững.

Mô hình trồng lan công nghệ cao - hướng đi triển vọng tại Tây Ninh.

Mô hình trồng lan công nghệ cao - hướng đi triển vọng tại Tây Ninh.

Truyền thông có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Ngay từ trước đây, truyền thông đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Chúng tạo ra sức mạnh cả về phía người quản lý và đối tượng được quản lý, đó là con đường hai chiều qua phương tiện truyền thông.

Theo đó, qua “công cụ” truyền thông, người dân biết được những chủ trương, chính sách, đường lối của Nhà nước. Và ngược lại qua con đường truyền thông, Nhà nước biết được những khó khăn, những vấn đề mà người dân đang gặp phải và có những giải pháp để xử lý kịp thời.

Chúng ta phải thấu hiểu "công cụ" truyền thông thì sẽ sử dụng hiệu quả công cụ này. Đơn cử, chúng tôi vừa tổ chức thành công Diễn đàn kết nối đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao.

Đây là diễn đàn quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Tây Ninh quy tụ hơn 500 khách mời với sự hiện diện của các nhà đầu tư, chuyên gia đầu ngành trong nước và đại biểu quốc tế. Đặc biệt là các thành viên trong Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Trước, trong và sau diễn đàn, chúng tôi đã kết nối với tất cả các cơ quan truyền thông báo chí từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Bộ NN-PTNT giữ vai trò bảo trợ truyền thông. Mặt khác, chúng tôi phổ biến thông tin diễn đàn rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành và các trang mạng xã hội uy tín do Sở TT&TT quản lý, giám sát.

Nhiều nhà đầu tư băn khoăn không biết đầu tư vào tỉnh này hay tỉnh khác. Từ phát huy hiệu quả “công cụ” truyền thông đã tạo ra được một thương hiệu của tỉnh, nhưng khi họ có thông tin tốt về Tây Ninh, họ sẽ tìm hiểu để đầu tư. Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông, lũy kế đến nay, Tây Ninh đã có 112 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương với tổng vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng. Hiện đã có 51 dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động (chiếm 45,5% tổng số dự án được phê duyệt).

Gần 6.000 tỷ đồng sẽ đầu tư vào Tây Ninh được ghi nhận tại Diễn đàn kết nối đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023.

Gần 6.000 tỷ đồng sẽ đầu tư vào Tây Ninh được ghi nhận tại Diễn đàn kết nối đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023.

Đặc biệt, tại diễn đàn, tỉnh Tây Ninh đã ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trị giá 4.600 tỷ đồng với các tập đoàn lớn. Trong đó, Tập đoàn De Heus Việt Nam (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ thực hiện dự án khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng; ghi nhớ giữa UBND tỉnh Tây Ninh và BaF Việt Nam thực hiện dự án Tổ hợp sản xuất và chế biến thịt với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng; bản ghi nhớ giữa tỉnh Tây Ninh và Tập đoàn sữa Việt Nam Vinamilk về thực hiện dự án Tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa trị giá 1.500 tỷ đồng.

Mỗi một đồng mà doanh nghiệp đầu tư, nó sẽ tạo ra một giá trị GDP lớn. Bên cạnh thuế, chúng còn giải quyết công ăn việc làm, chưa kể rằng họ có thể liên kết được với những người nông dân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng phát triển.

Chúng tôi mong muốn, thông qua truyền thông, ngoài những tiềm năng, lợi thế, chúng tôi sẽ quảng bá được hình ảnh chính quyền thân thiện, con người hiền hòa mến khách. Từ đó, tiếp tục đón được những nhà đầu tư tốt, đây là lợi ích chung của toàn xã hội và mỗi người dân đều được hưởng qua công tác truyền thông.

Vậy xin ông cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, cái khó của truyền thông đối với ngành nông nghiệp của Tây Ninh hiện nay là gì? Từ đó, địa phương đã có kế hoạch, giải pháp ra sao để công tác truyền thông được thông suốt, hiệu quả?

Đặc thù sản xuất nông nghiệp của Tây Ninh nói riêng là tính thời vụ và công tác bảo quản sau thu hoạch. Để truyền thông hiệu quả, chúng ta cần có kế hoạch truyền thông trước, trong và quá trình sản xuất.

Qua đó, tạo sợi dây liên kết giữa chính quyền, người sản xuất, người phân phối, người tiêu dùng. Giúp Nhà nước hoạch định chiến lược, người sản xuất cấu mùa vụ, người phân phối xây dựng thị trường, người tiêu dùng tiếp nhận sản phẩm tốt. Đó cũng là một vấn đề cần quan tâm thực hiện.

Người trồng mãng cầu dưới chân núi Bà Đen (Tây Ninh) bao trái, hạn chế sâu bệnh tấn công.

Người trồng mãng cầu dưới chân núi Bà Đen (Tây Ninh) bao trái, hạn chế sâu bệnh tấn công.

Ví dụ như cây mãng cầu, đặc sản nổi tiếng tại địa phương, từ khi tuốt lá đến thu hoạch mất chừng 3 tháng nhưng sau thu hoạch, mãng cầu giữ được phẩm chất tốt nhất không quá 3 ngày. Tuy sản xuất được quanh năm, nếu mọi người tuốt lá đồng loạt, cây ra trái đồng loạt sẽ dẫn đến thực trạng “thừa hàng, dội chợ”.

Nếu họ bằng cách nào đó, thông qua truyền thông chẳng hạn, họ biết được thị trường và chia nhau ra sản xuất thì chắc chắn là lợi ích sẽ tốt hơn. Nhu cầu truyền thông cũng phải xuất phát từ nhu cầu cuộc sống.

Chúng tôi vừa họp “Ban chỉ đạo chuyển đổi số”, câu chuyện truyền thông cũng được đặt ra để việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số đi vào thực chất. Chúng ta thấy rằng, hiện nay phần lớn người dân đều có điện thoại thông minh, mỗi chiếc điện thoại có rất là nhiều ứng dụng bổ trợ để làm truyền thông, thế nhưng rất nhiều người dùng chưa biết khai thác hết khiến nguồn nguyên này khiến trở nên lãng phí. Cho nên, bên cạnh vai trò Nhà nước, người dân cũng cần phải học cách sử dụng.

Tôi thấy có nhiều người rất sáng tạo, như là tới mùa hoạch dưa chẳng hạn, họ tự livestream tự quảng bá hình ảnh dưa của họ, bán qua hình thức online, và họ đã bán được rất nhiều sản phẩm, đây cũng là một cách truyền thông đơn giản.

Tuy nhiên, đối với một tỉnh thì cách truyền thông phải khác. Chủ tịch tỉnh có thể quảng cáo cho các sản phẩm của tỉnh. Giám đốc Sở có thể quảng cáo cho sản phẩm của Sở. Như vậy, việc quảng bá nông sản địa phương sẽ rất tốt. Chúng ta còn nhiều dư địa, có thể làm được, vấn đề là phải mạnh dạn và phải có sự quan tâm đúng mức.

Mô hình cà chua công nghệ cao kết hợp du lịch - mô hình triển vọng tại Tây Ninh - thu hút du khách.

Mô hình cà chua công nghệ cao kết hợp du lịch - mô hình triển vọng tại Tây Ninh - thu hút du khách.

Vừa qua, có câu chuyện ông Chủ tịch ở một huyện thuộc ĐBSCL tận tay đưa xoài địa phương ra tới nghị trường Quốc hội để truyền thông sản vật địa phương.

Tôi nghĩ rằng đó là một cái phương án tốt. Ngoài xoài, tôi rất ấn tượng với việc Hà Giang tổ chức truyền thông loại vải. Qua đó, người trồng vải đã tính được ngày nào thu hoạch, sản lượng bao nhiêu, theo tiêu chuẩn tiêu chí nào…

Họ chủ động đưa ra mức giá phù hợp với thị trường để thương lái thu mua, khác với kiểu truyền thông “trâu đi tìm cột” mà giá trị của nông sản nâng cao, vai trò người nông dân được khẳng định.

Qua câu chuyện có thể thấy, mặc dù chúng ta có sản phẩm tốt nhưng chúng ta không quảng bá thì người tiêu dùng sẽ không biết đến, không biết đến thì làm sao tìm mua được. Cho nên chúng ta cần phải làm tốt công tác quảng bá, truyền thông.

Mặt khác, truyền thông hiện nay có nhiều kênh hơn, tốc độ nhanh hơn, trực tiếp hơn so với trước đây. Nếu xử lý không tốt thì có thể gây ra những sự cố truyền thông. Cho nên ứng phó với truyền thông và có những giải pháp để thực hiện tốt công tác truyền thông, vừa đảm bảo lợi ích, vừa đảm bảo sự an toàn ở mức độ nhất định là vấn đề khó trong cái thời buổi hiện nay.

Từ đó, để phát huy hiệu quả truyền thông, một mặt là chúng tôi chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông, báo chí, kể cả kênh báo chí nhà nước và kể cả những trang web thậm chí cả những kênh Youtube. Như vậy, chúng tôi cung cấp được thông tin chính thống theo mình muốn để lấn át những thông tin không chính thống. Đó là một cách để chúng ta cạnh tranh với lại những kênh thông tin xấu độc.

Đây là một nghệ thuật và rất khó khăn nhưng xu hướng là vậy, không có lựa chọn khác. Chúng ta phải làm một cách thường xuyên, liên tục, bài bản, khoa học, giống như một cái cây chúng ta trồng và chăm bón cho tốt, tất nhiên chúng sẽ phòng chống được dịch bệnh. Hay các loại cỏ, chúng ta không thể diệt tận gốc được, phải tìm cách sống chung và lấn át chúng.

Có thể khẳng định, ngày nay truyền thông đã trở thành một trong những khu vực trực tiếp tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp. Chính truyền thông tạo nên vai trò kết nối trong các quy trình thúc đẩy đầu tư, sản xuất, trao đổi thị trường, liên kết các quan hệ kinh tế liên kết giữa các vùng miền, thậm chí là quốc tế ...

Để truyền thông thực sự hiệu quả, chúng ta cần tự nhìn nhận, đánh giá hoạt động của mình, không ngừng đổi mới, sáng tạo nội dung, phương thức chuyển tải thông tin.

Để truyền thông thực sự hiệu quả, chúng ta cần tự nhìn nhận, đánh giá hoạt động của mình, không ngừng đổi mới, sáng tạo nội dung, phương thức chuyển tải thông tin.

Để truyền thông thực sự là cầu nối giữa nhà nước với nhân dân, trở thành công cụ tuyên truyền chính sách, đưa chính sách vào thực tiễn hiệu quả… thì chúng ta cần tự nhìn nhận, đánh giá hoạt động của mình, không ngừng đổi mới, sáng tạo nội dung, phương thức chuyển tải thông tin dựa trên nguyên tắc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan và minh bạch của sự kết nối giữa các nhà: Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp, Nông dân và Người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Bình luận