Mở rộng không gian hợp tác nông nghiệp với Trung Quốc, Nhật Bản

Bình luận · 233 Lượt xem

Những không gian mới này có thể là hợp tác về nhân lực nông nghiệp với Nhật Bản hay thành lập hiệp hội doanh nghiệp với Trung Quốc.

Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh báo cáo Bộ trưởng Lê Minh Hoan nội dung công tác tại Nhật Bản. Ảnh: Tùng Đinh.

Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh báo cáo Bộ trưởng Lê Minh Hoan nội dung công tác tại Nhật Bản. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với các đoàn công tác Trung Quốc, Nhật Bản của Bộ NN-PTNT thời gian vừa qua để làm rõ các vấn đề liên quan đến hợp tác nông nghiệp với 2 quốc gia này.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh yêu cầu các đoàn công tác quốc tế của Bộ phải có những báo cáo thực chất, cụ thể để có thể đưa ra những kiến nghị giá trị, hiệu quả hơn.

Tổng quan về hợp tác với 2 quốc gia nói trên, với Trung Quốc Bộ trưởng nhắc tới việc định vị một căn cơ cho thị trường này, còn Nhật Bản thì cần chú trọng công tác hợp tác đào tạo nhân lực.

Định vị và hợp tác

Báo cáo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trưởng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc tại Quảng Tây, Vân Nam vừa qua cho biết, đây là những thị trường rất lớn với kim ngạch thương mại song phương chiếm tỷ trọng cao.

“Đặc biệt, Vân Nam chỉ có nông sản ôn đới và nhu cầu tiêu thụ thủy sản tươi sống, chế biến rất lớn nên có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, hạ tầng thương mại biên giới, thương mại thông minh giữa Việt Nam và Trung Quốc cần cải thiện thêm để nâng cao hiệu quả thông thương trong bối cảnh nông sản nhiều nước cạnh tranh với chúng ta đang có lợi thế về hạ tầng logistics.

Một vấn đề nữa được Thứ trưởng Trần Thanh Nam đưa ra là xem xét thành lập hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp giữa Việt Nam với Quảng Tây và Vân Nam. Thực chất đây sẽ là những chuỗi cung ứng nông sản giữa 2 quốc gia, giảm được rất nhiều giai đoạn trung gian.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nêu ra cơ hội hợp tác với các trường đào tạo liên quan lĩnh vực nông nghiệp giữa Trung Quốc và Việt Nam, trong đó có một số ngành đang có nhu cầu lớn như về giống, chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp.

Chuyến công tác tại Quảng Tây và Vân Nam của đoàn Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Cao Trần.

Chuyến công tác tại Quảng Tây và Vân Nam của đoàn Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Cao Trần.

Về hợp tác với Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần định vị thị trường này một cách căn cơ, chính thức là thị trường lớn và bài bản. Từ đó, sẽ giúp người nông dân lẫn doanh nghiệp yên tâm sản xuất, giao thương với bạn hàng.

“Cần cho bạn thấy chúng ta sẵn sàng hợp tác, phải bỏ được tư duy buôn chuyến, ăn sổi ở thì”, lãnh đạo ngành nông nghiệp phân tích và cho rằng cần tập trung thêm vào cơ sở, vào doanh nghiệp cụ thể.

Theo Bộ trưởng, việc thành lập hiệp hội là cần thiết nhưng cần chọn lọc những doanh nghiệp xứng đáng, bên cạnh đó là chú trọng vào công tác truyền thông. “Điều quan trọng là cần có sự phối hợp, tôn trọng lẫn nhau. Do đó phải chọn những doanh nghiệp thực sự tâm huyết”, ông nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhắc lại vấn đề xem xét tăng cường các phương thức vận chuyển nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc, ngoài đường bộ còn có đường thủy, đường sắt.

Việc hợp tác đào tạo giữa 2 bên cũng được Bộ trưởng lưu ý, trong đó nhấn mạnh việc học tập tiếng Trung Quốc cho nhân sự nông nghiệp Việt Nam để hợp tác được thuận lợi hơn.

Đi làm thuê – Về làm chủ

Với Nhật Bản trong chuyến công tác sau đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói có một số vấn đề chính cần báo cáo Bộ trưởng. Đầu tiên là phía Nhật Bản mong muốn đưa thêm nhiều lao động nông nghiệp có tay nghề của Việt Nam sang làm việc, cả thời vụ lẫn lâu dài.

Trong đó tập trung vào nhân lực trong ngành lâm nghiệp nhưng đi cùng với đó là yêu cầu về quản lý lao động. Tiếp theo là lực lượng thủy thủ đánh bắt xa bờ, vốn được Nhật Bản đánh giá cao hơn nhân lực của một số quốc gia Đông Nam Á khác.

Cũng liên quan đến lĩnh vực thủy sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho trình chiếu clip về một cảng nhỏ ở cấp huyện của Nhật Bản, sức chứa chỉ hơn 10 tàu nuôi trồng nhưng lại là mô hình rất hợp lý.

Theo trưởng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, mô hình nhỏ này có lợi thế là chi phí ít, dễ vận hành, quản lý và địa phương hoàn toàn có thể chủ động được.

Nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói mô hình này có thể áp dụng thêm tư duy tích hợp, như kết hợp đưa du lịch vào cảng cá.

Vấn đề hợp tác đào tạo nhân lực nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản được Bộ trưởng rất quan tâm. Ảnh: Thanh Thanh.

Vấn đề hợp tác đào tạo nhân lực nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản được Bộ trưởng rất quan tâm. Ảnh: Thanh Thanh.

Về hoạt động đào tạo, Bộ trưởng nhấn mạnh vào giá trị của đào tạo nhân lực nông nghiệp với tư duy luôn phải đi học hỏi để có thể về truyền đạt, triển khai tại quê hương.

“Chúng ta cần xác định đi là để học, không nên đặt nặng vấn đề thu nhập. Phải xác định tư tưởng “Đi làm thuê – Về làm chủ””, Bộ trưởng nói. Ông cũng lưu ý các đơn vị phối hợp với đoàn công tác Nhật Bản của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp để có báo cáo chung về lao động nông nghiệp tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức cho thực tập sinh đi nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng cần tổ chức tốt hơn.

Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu tập trung vào đào tạo ở cở sở, cụ thể như lực lượng khuyến nông cơ sở cần được cho đi học để có kiến thức, kinh nghiệm lan tỏa tại địa phương khi trở về.

Về vấn đề này, Bộ trưởng yêu cầu cả hệ thống viện trường của Bộ vào cuộc, nghiên cứu mở rộng đào tạo để phục vụ nhu cầu lao động của thị trường Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, những lao động trở về từ Nhật Bản có ngôn ngữ, hiểu văn hóa, có chuyên môn sẽ là động thực thu hút thêm doanh nghiệp nước này đầu tư vào Việt Nam.

Bình luận