Thúc đẩy nông hộ nhỏ hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu

Bình luận · 229 Lượt xem

Nông hộ nhỏ gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như hạn chế về nguồn lực đất đai, khả năng tiếp cận công nghệ, vốn vay ngân hàng...

Ngày 21 - 22/6, Bộ Công thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức “Hội thảo APEC về thúc đẩy sự hội nhập của nông dân vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Sự kiện có sự tham gia, đóng góp ý kiến và chia sẻ của các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, giảng viên các cơ sở đào tạo của Việt Nam và các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nhằm triển khai các cam kết và ưu tiên của APEC trong thúc đẩy xây dựng năng lực, đổi mới, bền vững và hòa nhập thông qua “chú ý đến việc trao quyền kinh tế cho các nhóm có tiềm năng kinh tế chưa được khai thác” bao gồm cả những nhóm ở nông thôn và vùng sâu vùng xa để “cải thiện khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu”.

Hội thảo xoay quanh nội dung thúc đẩy sự hội nhập của các nhà sản xuất, các nông hộ quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả.

Hội thảo xoay quanh nội dung thúc đẩy sự hội nhập của các nhà sản xuất, các nông hộ quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả.

Hội thảo dẫn một số báo cáo cho biết, sinh kế của khoảng 2,2 tỷ người trên thế giới có liên quan đến nông nghiệp quy mô nhỏ, vì đây là hình thức sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở nhiều nền kinh tế đang phát triển và phát triển. Ở các nền kinh tế có mật độ dân số cao như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, có gần 310 triệu trang trại quy mô nhỏ, chiếm hơn 80% tổng số trang trại ở mỗi nền kinh tế này. Mặc dù nông dân có thể chiếm một tỷ lệ lớn nhưng sự tham gia của họ được cho là không tương xứng với tiềm năng.

Trền thực thế, nông hộ nhỏ gặp nhiều khó khăn và thách thức khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như hạn chế về nguồn lực đất đai, khả năng tiếp cận công nghệ, đổi mới và vốn vay ngân hàng, kỹ năng thấp...

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn dẫn thực tế từ Việt Nam chỉ ra một số thách thức, cho thấy quy mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, kém hiệu quả đang là điểm nghẽn lớn trong tham gia chuỗi nông sản toàn cầu.

Bên cạnh đó, trình độ lao động nông nghiệp, nông thôn nói chung còn thấp, đang có xu hướng già hóa (nhóm tuổi từ 50 trở lên gia tăng từ 10,4% năm 2006 lên 15,2% năm 2011 và 26,9% năm 2020).

Khoảng 2,2 tỷ người trên thế giới có liên quan đến nông nghiệp quy mô nhỏ, vì đây là hình thức sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở nhiều nền kinh tế đang phát triển và phát triển. Ảnh: TL. 

Khoảng 2,2 tỷ người trên thế giới có liên quan đến nông nghiệp quy mô nhỏ, vì đây là hình thức sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở nhiều nền kinh tế đang phát triển và phát triển. Ảnh: TL. 

Trong khi khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển; thu nhập người nông dân còn thấp và vai trò của các hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng ở nông thôn chưa phát huy được hết vai trò.

Để khắc phục hạn chế và tận dụng các cơ hội mới, ông Tiến đề xuất một số giải pháp như đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực chủ thể của nông dân, nâng cao nhận thức, trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để có thể làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ nông nghiệp; hoàn thiện thể chế, chính sách về tổ chức chuỗi giá trị nông sản thực phẩm; chính sách, huy động nguồn lực đầu tư, phát triển nông nghiệp...

Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Cán bộ cấp cao của Việt Nam tại APEC cho biết, hội thảo xoay quanh nội dung thúc đẩy sự hội nhập của các nhà sản xuất, các nông hộ quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả.

Thông qua chia sẻ kiến thức sâu rộng về thực trạng của việc tham gia của nông dân vào các chuỗi giá trị, hội thảo cho thấy các cơ hội, thách thức và những bài học để thúc đẩy sự tham gia của họ vào những chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Mai cho biết, sự tham gia của hộ nông dân quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu mang lại lợi ích cho cả người nông dân và những bên tham gia trong chuỗi giá trị, các nông hộ nhỏ có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để có thể khai thác được những thị trường ngách với nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với những sản phẩm mới, độc đáo. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức mà nông hộ nhỏ cần vượt qua để đảm bảo tham gia tích cực hơn vào chuỗi giá trị này.

“Với những năng lực đổi mới sáng tạo, việc áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu giúp nông hộ nhỏ tiếp cận thị trường khu vực, toàn cầu. Có nhiều biện pháp tiếp cận khác nhau để thúc đẩy sự tham gia của nông hộ nhỏ vào chuỗi giá trị lớn này như thông qua các chương trình, thành lập cụm, nhóm, tổ hợp tác, kế hoạch marketing nhằm vào các hộ quy mô nhỏ. Cùng với đó cần có sự hợp tác gần gũi giữa các bên liên quan như chính phủ, cơ quan chức năng địa phương, các tổ chức phi chính phủ để nâng cao năng lực của người nông dân, giúp họ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, bà Mai chia sẻ.

Bình luận