Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
Chuyến thăm rất đặc biệt của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam
Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội, bắt đầu thăm Việt Nam
Triển vọng hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ.
5 thuận lợi, 3 thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: "Một trong những điểm quan trọng cần nhắc đến trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đó là tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế".
Theo Bộ trưởng, từ năm 1994, khi Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, một trang mới về hợp tác kinh tế, thương mại trong tổng thể quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được bắt đầu.
Hai nước đã ký Hiệp định Thương mại song phương năm 2000; Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam năm 2006; Hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư năm 2007… Đặc biệt, Hiệp định Thương mại song phương (BTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 10/12/2001 đã đặt nền móng quan trọng, có tính chất khai mở giúp tạo chuyển biến trong quan hệ kinh tế, thương mại hai nước một cách thực chất và mạnh mẽ.
Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử.
Ngược lại, Hoa Kỳ là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ. Việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm này từ Hoa Kỳ giúp Việt Nam làm “sạch hóa” chuỗi cung ứng bởi nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận.
Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm như hiện nay, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn và quan trọng của Việt Nam trong những năm tới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra 5 thuận lợi và 3 thách thức trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian tới. Về thuận lợi, cơ chế đối thoại chính sách thông qua Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) do Bộ Công thương đồng chủ trì với Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đang được triển khai hiệu quả, giúp xử lý nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ kinh tế kinh tế, thương mại song phương.
Hoa Kỳ ngày càng coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực, luôn đặt trọng tâm hợp tác với Việt Nam trong các sáng kiến hợp tác mới của Hoa Kỳ trong khu vực như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển nền kinh tế số.
Thứ hai, trong bối cảnh Việt Nam - Hoa Kỳ đang tăng cường trao đổi chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao và nâng cấp quan hệ, Bộ Công thương và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có nhiều cuộc làm việc và trao đổi thẳng thắn qua nhiều kênh khác nhau để đề nghị đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường.
"Đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến lợi ích chính đáng của Việt Nam. Nếu được giải quyết thỏa đáng sẽ không chỉ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ việc phòng vệ thương mại, mà còn giúp cho vai trò, vị thế và niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam gia tăng đáng kể trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài", ông Diên chia sẻ.
Thứ ba, Bộ Công thương sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi với Hoa Kỳ đề nghị khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho Việt Nam. Nếu đạt thỏa thuận, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được đối xử công bằng hơn, tương tự như các đối tác chiến lược của Hoa Kỳ đang được hưởng.
Thứ tư, các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm, chính sách chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hiện nay đã trở thành xu thế hợp tác và phát triển chủ đạo. Tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực này sẽ góp phần để Việt Nam xây dựng và đầu tư hệ thống năng lượng quốc gia hiệu quả hơn, đồng thời tạo cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp và công nghệ cao vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Song hành với cơ hội là thách thức. Thứ nhất, Hoa Kỳ là một thị trường nhập khẩu cực lớn với quy mô 3.277 tỷ USD (năm 2022). Là một thị trường siêu cạnh tranh, Hoa Kỳ đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng nỗ lực trong nghiên cứu, phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hóa, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định về phát triển bền vững và chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả.
Thứ hai, Hoa Kỳ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại, để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp trong nước. Các rào cản phi thuế có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, Hoa Kỳ gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Hoa Kỳ cũng là nước áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam với 53 vụ kiện. Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp (Đạo luật Thuế quan 1930 của Hoa Kỳ) để lấy ý kiến các bên liên quan.
Các mặt hàng thế mạnh sẽ hồi phục vào cuối năm
Nhận định những thách thức và cơ hội nêu trên là những vấn đề tất yếu, song hành cùng quá trình phát triển mạnh mẽ của hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai nước, Bộ Công thương cho rằng hai bên cần không ngừng vun đắp lòng tin chiến lược, tăng cường thảo luận, làm sâu sắc hơn những mặt thuận lợi, hợp tác sâu hơn trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược như năng lượng, hàng không, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất xanh...
Do tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ trong 8 tháng đầu năm 2023, kết hợp Cục Dự trữ Liên bang (FED) liên tục tăng lãi suất khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể. Bên cạnh đó, yếu tố chu kỳ, dự trữ hàng tồn kho tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có xu hướng giảm.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, sự sụt giảm này mang tính thời điểm, không phải xu hướng chủ đạo. Nhiều tổ chức đánh giá FED đã đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất nên xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng trở lại những tháng gần đây. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… nhiều khả năng tiếp đà hồi phục với tốc độ tăng trưởng tích cực.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo vị tư lệnh ngành Công thương, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng, yêu cầu, đòi hỏi giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tất cả đặt ra bài toán cho doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng, đồng thời xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các “tiêu chuẩn sản xuất xanh”.
"Doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ. Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, giảm thiểu rủi ro", Bộ trưởng Diên kết luận.
Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.
Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ (US Census), năm 2022 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 138,9 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021. Trong đó: Xuất khẩu của Việt Nam đạt 127,5 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2021; Nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 11,4 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2021; Xuất siêu của Việt Nam đạt 116,1 tỷ USD, tăng 27,7% so với năm 2021.