Hội nghị tìm giải pháp chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Bình luận · 335 Lượt xem

Ngày 6/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp n?


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đồng chủ trì hội nghị (Ảnh: Mard.gov.vn)

Phát biểu khai mạc hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục triển khai việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn gắn với việc xử lý chất thải trong sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nông thôn. Đồng thời vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai thực hiện trong xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục triển khai qua đó hỗ trợ tích cực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, xây dựng chính quyền điện tử...
Hai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt nhằm hướng đến giải quyết 02 vấn đề rất quan trọng đó là: Vấn đề môi trường, nước sạch và an toàn thực phẩm; vấn đề chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm và dần có chuyển biến tích cực. Công tác thu gom chất thải được đẩy mạnh, hầu hết các thôn, xã đã hình thành đội thu gom chất thải sinh hoạt (tỷ lệ thu gom rác tại khu vực nông thôn đạt khoảng 66%); tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tăng đáng kể qua các năm; nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế; đã có hàng vạn km đường hoa, hàng rào xanh đã được hình thành.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, bảo vệ môi trường nông thôn, quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong quá trình thực hiện; công tác quản lý an toàn thực phẩm đôi lúc còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tham gia chủ động và tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và truyền thông ở nhiều địa phương đã phát triển nhanh chóng, cả về chiều rộng và chiều sâu. Việc xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến được nhiều địa phương đẩy mạnh, một số địa phương đã xây dựng được hệ thống liên thông từ cấp tỉnh, huyện xã.
Sản xuất nông nghiệp đã từng bước áp dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử; các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và an ninh trật tự ở khu vực nông thôn cũng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số ở một số công đoạn.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới không chỉ bao hàm trong tổng thể chung trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, mà còn đặt ra yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý chương trình, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, thương mại nông sản, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới,…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã bàn thảo các giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả 02 Chương trình nêu trên trong giai đoạn tới. Theo đó, đối với Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, các giải pháp thực hiện cần cụ thể, bám sát vào 03 nội dung chính của Chương trình gồm Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao. Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn nâng cao. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số...
Đối với Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, các giái pháp thực hiện cần cụ thể, bám sát vào 3 nội dung chính gồm: Cấp nước sạch nông thôn; nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiêp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ở khu vực nông thôn. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.../.

NLA (Tổng hợp)

Bình luận