Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong mọi tình huống, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, nhằm minh bạch thông tin đối với nhà phân phối, người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia ứng dụng sử dụng mã QR đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường. Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất không có truy xuất nguồn gốc ít nhất 20%. Mặt khác, hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi từng bước nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng ngày nay có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nên yên tâm hơn về chất lượng.
Truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã và đang là yêu cầu bắt buộc khi chúng ta cung cấp hàng hóa ra những thị trường thế giới, đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe phù hợp với từng quốc gia nhập khẩu. Đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất và thương mại.
Tại Hậu Giang, các mô hình sản xuất như cánh đồng mẫu lớn, các hợp tác xã, tổ nông nghiệp hình thành và ngày càng lớn mạnh. Sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa doanh nghiệp - người sản xuất - cơ quan quản lý và nhà khoa học là cơ sở, tiền đề để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng tầm nông sản Hậu Giang lên một bước và là cơ hội lớn để nâng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Các báo cáo tham luận tại Diễn đàn như: Thực trạng và giải pháp thúc đẩy mối liên kết và tiêu thụ nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc; Ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc dựa trên nền tảng công nghệ blockchain; Một số mô hình ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, chứng nhận hiệu quả kinh tế cao tại Hậu Giang; Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; Truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sản phẩm – yêu cầu tất yếu cho sự phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Long An; Thực trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực tại Bến Tre…
Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để hướng tới nền sản xuất thực sự minh bạch, thì cần minh bạch từ khâu sản xuất. Muốn vậy, phải thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thị trường./ T.H
T.H