Trồng lúa phát thải âm, không dùng thuốc sâu, bệnh [Bài 3]: Nền nông nghiệp không đánh đổi

Bình luận · 303 Lượt xem

Các vùng lúa - tôm hay lúa - rươi rất thuận lợi sản xuất hữu cơ bởi đỡ áp lực sâu bệnh, nguồn thu chính là tôm, rươi nên chẳng ai dại mà dùng thuốc.
Lợi nhuận hơn 20%/tháng mà người trồng lúa vẫn nghèo

 

Thế nên rất hiếm đơn vị sản xuất lúa 3 vụ mà lại sẵn sàng làm theo hướng hữu cơ với giải pháp phun khoáng bằng dây bay như Công ty Cổ phần Hóa nông AHA. Anh Nguyễn Đăng Khoa phân tích, làm lúa đơn thuần đang cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/vụ, trong đó chi phí công, vật tư khoảng 25 triệu đồng/ha/vụ. Nếu áp dụng giải pháp phun khoáng thì tiền công, vật tư mất tầm 21 triệu đồng/ha/vụ, rẻ được 4 triệu đồng, chưa kể lợi ích về sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích về môi trường, nhất là thủy sản.

 

Anh Khoa phân tích: Tương lai mình phải giải quyết được cỏ, ốc bươu vàng theo hướng hữu cơ mới có được nền nông nghiệp không đánh đổi trên đồng. Làm cái gì được lợi nhuận hơn 20%/tháng? Chỉ có lúa. Nhưng tại sao nông dân vẫn nghèo? Vì diện tích ít và việc trên đồng cũng ít.

 

Nông dân trồng lúa hiện chỉ thu nhập từ lúa. Nếu nuôi được con gì trong ruộng thì thu nhập có thể gấp đôi, gấp ba nhưng làm nhỏ lẻ thì sợ bị trộm, đặc biệt là nạn kích điện vốn nở rộ ở các tỉnh miền Tây. Mình có giải pháp để giải quyết được nạn kích điện là trao thưởng thật cao cho người tố cáo. Nạn kích điện thoạt nhìn tưởng nhỏ như vậy nhưng lại đang lấy mất 80 - 90% cơ hội để tăng 2 - 3 lần thu nhập của người trồng lúa, triệt tiêu sức sáng tạo, giá trị gia tăng trên đồng.

 

Nếu như ông Tư Việt ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) sẵn sàng hi sinh kinh tế để bảo tồn văn hóa lúa mùa, bảo vệ môi trường thì mình có giấc mơ vừa muốn bảo vệ môi trường vừa tạo thêm lợi nhuận cho nông dân. Và mình tìm thấy giải pháp ở khoa học kỹ thuật. Nếu không có an ninh nông thôn và sự hỗ trợ thực thi giải pháp của nhà nước thì không một doanh nghiệp nào có thể làm được trên diện rộng vì diện tích trồng lúa ở ta quá lớn, tới 3,3 triệu ha và trên 3 triệu nông dân. 9/10 con đường còn lại để quảng bá ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thành công hay không phần lớn là do nhà nước, doanh nghiệp chỉ cùng tham gia mà thôi. Nguồn lực quá trình mở rộng này gấp rất nhiều lần nguồn lực tạo ra giải pháp.

 

Giọng của anh Khoa mỗi lúc một hào hứng khi xe chúng tôi lướt qua những thảm lúa đang kết hạt. Anh kể, có lần khu ruộng cấy lúa ST25 của ông Hồ Quang Cua ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang sau khi xịt 2 - 3 lần thuốc BVTV hóa học mà không hết bệnh cháy lá nên đã thử giải pháp phun khoáng. 2 ngày sau ông quay lại ruộng để kiểm chứng, kết quả đạt, cháy lá dừng hẳn, trừ ô đầu tiên mới phun xong thì gặp mưa.

 

Anh Nguyễn Đăng Khoa (Công ty Cổ phần Hóa nông AHA, đứng thứ hai từ trái sang) cùng ông Hồ Quang Cua - tác giả giống lúa ST25 (thứ ba từ trái sang) và các nhà khoa học, quản lý trao đổi về phun khoáng bằng dây bay.

Khi khoáng bám vào bề mặt, thay đổi môi trường sẽ làm cho vi khuẩn gây bệnh không phát triển được. Việc kết hợp khoáng tự nhiên và vi sinh với chi phí khoảng 4 triệu đồng/ha còn giúp cho cây lúa sinh trưởng cân đối. Khác khẳn với những thửa ruộng bên của dân, riêng tiền thuốc BVTV đã hết trên 6 triệu đồng/ha mà bệnh cháy lá vẫn rất nặng.

 

Rời Kiên Giang, chúng tôi sang Sóc Trăng - tỉnh trọng điểm lúa của miền Tây với gần 350.000ha, sản lượng hơn 2 triệu tấn. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng, khảo sát ở các huyện Kế Sách, Mỹ Tú, Trần Đề, Ngã Năm cho thấy vụ đông xuân năm 2021 - 2022 lượng phân hóa học sử dụng trung bình là 418kg/ha, thuốc BVTV 17,8kg/ha và 4,1 lít/ha. Vụ đông xuân năm nay sử dụng 359kg phân hóa học/ha, thuốc BVTV 25,5kg/ha và 4,5 lít thuốc BVTV/ha. Nhiều nhất là Trần Đề với 52 - 53kg thuốc BVTV và 4,5 - 5,1 lít thuốc BVTV/ha, còn thấp nhất là Mỹ Tú với 3,1 - 9kg thuốc BVTV/ha và 2,6 - 4 lít thuốc BVTV/ha.

 

Bên cạnh hướng canh tác hóa học đang phổ biến thì Chi cục Trồng trọt và BVTV Sóc Trăng đã phối hợp với Công ty Cổ phần Hóa nông AHA thực hiện thí điểm giải pháp phun khoáng trên hàng trăm ha lúa để quản lý dịch bệnh. Anh Lê Văn Đến (Tổ hợp tác Hòa Phú, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú) vụ đông xuân 2022 - 2023 đã cùng 11 thành viên khác sản xuất 33ha lúa áp dụng giải pháp phun khoáng.

 

Trước đây theo thói quen, những nông dân ở Tổ hợp tác Hòa Phú mỗi vụ phun xịt 8 - 9 lần thuốc hóa học. "Phun thuốc xong tôi cảm thấy rất nóng, đến nỗi phải ở trần mà vẫn như có lửa ở bên trong người vậy, sau 2 - 3 ngày vẫn bị mất ngủ. Thuốc rầy là độc nhất, thuốc sâu là độc nhì, còn thuốc trừ ốc người rắc đi đằng trước là cá chạch, cá chốt, cá rô phi, cá lóc ở đằng sau chạy zíc zắc như bị khùng vậy, rồi 3 - 4 phút là chết”, anh Đến bảo.

 

Vụ đông xuân 2022 - 2023, anh Đến và các thành viên trong Tổ hợp tác áp dụng tiến bộ kỹ thuật phun khoáng và vi sinh của Công ty Cổ phần Hóa nông AHA.

 

Họ ký hợp đồng sản xuất lúa an toàn với doanh nghiệp của ông Hồ Quang Cua - tác giả của giống lúa ngon nhất thế giới ST25 để có được giá bán cao hơn 200đ/kg so với lúa thông thường. Trước, họ sạ 120kg giống/ha, giờ rút xuống còn 80 - 100kg/ha, tuy nhiên thế vẫn còn dày, lúa rậm rạp nên nhiều khi phun khoáng không xuống được tới nơi. Theo đúng khuyến cáo thì phải phun 6 lần/vụ nhưng người bỏ 1 lần, người bỏ 2 lần rồi thay thế bằng thuốc bệnh lem lép hạt nên hiệu quả chưa như mong muốn. Với 2,5ha, năng suất 7 tấn/ha, giá bán lúa tươi 7.400đ/kg, anh Đến cũng thu lời khá.

 

Anh liệt kê ưu điểm của phun khoáng là chỉ cần đeo kính, khẩu trang, không bị nóng, mệt như thuốc hóa học. Khoáng khi bám dính vào cây lúa giúp quản lý được sâu bệnh, khi rớt xuống đất giúp cân bằng độ pH, hạ phèn, rễ cây phát triển. Vụ sau sạ xuống, lúc chưa bón phân vẫn thấy lúa xanh hơn ruộng bên cạnh. Nếu phun thuốc hóa học phải 8 bình (25 lít/ha) thì phun khoáng chỉ cần 2 bình.

 

Nhược điểm của phun khoáng là vác nặng. Bình thường phun thuốc hóa học nông dân chỉ xách theo chai thuốc rồi múc nước ngay dưới ruộng để phun, còn phun khoáng khi hết bình phải quay lại bờ để lấy. Thêm vào đó, vì phun khoáng kiểu dây bay quá mới, người biết ít nên thuê mướn khó.

 

Những thứ khó phải vượt qua

Anh Nguyễn Văn Đầy - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng là một cán bộ mẫn cán đến mức nhiều năm ăn nghỉ ngay tại nơi làm việc. Nhìn lại quãng thời gian miệt mài đó, anh thấy có đôi chút gợn về trách nhiệm chung của những người làm nghề BVTV và trách nhiệm riêng của cá nhân mình trong việc ngăn nông dân đánh đổi môi trường, sức khỏe lấy năng suất cây trồng.

 

29 năm trước anh về đây, cá, tôm trên đồng, dưới kênh rất phong phú, còn lúa chỉ cần bón 15 - 20kg phân/công là đủ vì đất rất màu mỡ. Sau đó nông dân lệ thuộc dần vào thuốc hóa học, phân hóa học, chúng đã thấm vào máu, vào não họ. Huyện có 23.000ha lúa hầu hết là canh tác 3 vụ, không để cho đất nghỉ. Mấy năm nay, do vật tư tăng, giá lúa hạ nên nông dân đã bỏ 1 vụ, chỉ còn sản xuất 2 vụ ăn chắc.

 

“Trước đây nông dân Mỹ Tú có thói quen phun ngừa thuốc BVTV, mỗi vụ 10 - 12 lần. Vào mùa phun xịt không gì sợ bằng mùi thuốc hóa học. Giờ, thấy sâu bệnh nông dân mới phun, trung bình mỗi vụ 6 lần. Khoảng 70% nông dân phụ thuộc vào đội làm thuê, lội ruộng ngán nên đi chỗ nào cũng thấy drone phun thuốc. Xã Mỹ Phước có tới 15 drone để phun cho diện tích 5.500ha. Làm ruộng bây giờ lời thấp, nếu sản xuất 5 - 10 công (0,5 - 1ha) thì không đủ đi đám, nếu sản xuất 3 - 5ha mới có dư.

 

 

"Theo tập quán canh tác, nông dân đang quen phun ngừa thuốc hóa học nên các kỹ thuật chúng tôi đưa ra như IPM, "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", SRI rất khó áp dụng vào. Chỉ riêng chuyện sạ thưa mà cán bộ giảng trên 10 năm nông dân mới rút từ 200kg/ha giống xuống còn 100kg/ha. Lúc tập huấn nông dân được phát 50.000đ, vở, bút, chai trà xanh hay chai nước suối nên họ đi đông đủ, cũng ra thăm đồng để nhận biết các dấu hiệu của sâu bệnh. Hết vụ đó, không tập huấn nữa thì họ lại nghỉ, không áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, cũng chẳng đi kiểm tra thăm đồng. Bởi thế khi làm mô hình thì phải có doanh nghiệp vào để thu mua sản phẩm với giá cao hơn sản xuất thông thường, chứ bằng giá thì sẽ không ai làm.

 

Tôi giảng giải, ngán nhất chuyện kêu gọi nông dân tiết kiệm nước. Họ bảo miền Tây thiếu gì nước mà phải tiết kiệm? Giờ đâu ai còn tắm sông, đâu ai còn múc nước sông uống, đến rửa rau dưới sông cũng còn không dám nữa vì quá nhiều thuốc BVTV hóa học chảy từ ruộng ra”, anh Đầy than.

 

Nhiều cái khó như vậy nên giải pháp phun khoáng như một tia hy vọng về làm lúa an toàn mà lại tiết kiệm. Nó có ưu điểm là quản lý được dịch hại như rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn. Tuy nhiên, nhược điểm là chưa chế được dưới dạng nước nên cần phải phun kiểu dây bay hay cần phải có drone chuyên dụng, lúc phun cũng phải lựa khi trời đứng gió…

 

Theo kết luận của Viện Lúa ĐBSCL, qua thí nghiệm vụ đông xuân 2020 - 2021, việc phun phân khoáng Calmag, Copper Clino, vi sinh B2000-6 cho thấy: Chưa thấy ảnh hưởng rõ rệt đến số chồi, chiều cao cây, số lượng rễ, chiều dài rễ, tỷ lệ sâu cuốn lá, số bông/m2, trọng lượng 1.000 hạt. Có ảnh hưởng đến số hạt chắc, tỷ lệ hạt lép và năng suất thực tế so với đối chứng.

 

Góp phần làm giảm tỷ lệ bệnh đạo ôn cổ bông trên giống OM18 so với đối chứng. Phun phân khoáng Calmag, Copper Clino, vi sinh B2000-6 có thể thay thế hoàn toàn thuốc BVTV so với đối chứng trong quá trình canh tác và không ảnh hưởng tới năng suất.

 

Về hiệu quả kinh tế: Nghiệm thức T4 (phân Calmag + Copper Clino + Vi sinh B2000-6) cho hiệu quả cao nhất (28.123.000đ/ha), kế đến là nghiệm thức T3 (phân Calmag + Copper Clino) (28.113.000đ/ha), tiếp theo sau đó là nghiệm thức T1 (đối chứng có phun thuốc BVTV) (27.833.000đ/ha) và thấp nhất là nghiệm thức T2 (đối chứng không phun thuốc BVTV) (23.053.000đ/ha).

Bình luận