Xây dựng chuỗi giá trị bò Ba Tri

Bình luận · 348 Lượt xem

Huyện Ba Tri đang xây dựng thí điểm vùng chăn nuôi tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị bò tại các xã.

 

Nâng tầm thương hiệu Bò Ba Tri

Giá bò giảm, tiền thức ăn tăng

Gần đây, chăn nuôi bò không còn thuận lợi khi phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trước việc giá bò thịt giảm mạnh suốt mấy tháng liền. Tại ĐBSCL, hiện giá bò hơi dao động 70.000 - 80.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá thức ăn hỗn hợp không ngừng tăng cao, từ 170.000 đồng lên 250.000 đồng/bao, giá rơm cuộn từ 25.000 đồng/cuộn tăng lên khoảng 35.000 đồng/cuộn đẩy chi phí chăn nuôi tăng lên đáng kể.

Với tình hình hiện nay, ông Trà Tấn Thanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Chánh (xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho hay: Nuôi bò sinh sản có lời khá, nhưng nuôi bò thịt bò thịt vỗ béo lời rất mỏng, thậm chí nếu tính kỹ công cán có thể lỗ.

Hiện, chi phí nuôi bò thịt vỗ béo khoảng 35 triệu đồng/con. Trong đó, tiền mua bò giống 1 năm tuổi, trọng lượng từ 180-200kg là 20 triệu đồng, chi phí thức ăn 12-15 tháng khoảng 15 triệu đồng. Hiện giá bán bò dao động 40-45 triệu đồng/con. Mức lãi rất thấp nên người nuôi không mấy mặn mà, bán bớt bò để giảm đàn nên giá bò càng giảm.

Đối với bò sinh sản, giá bò đang tăng đối với các dòng Lai Sind, Brahman. Bò cái sinh sản khoảng 1 năm tuổi, trọng lượng từ 140kg trở lên, có giá từ 18-20 triệu đồng/con, tăng khoảng 3-5%. Sau khoảng 1 năm, bò cái sinh 1 lứa được 1 bê con. Chi phí thức ăn công nghiệp cho bò cái sinh sản tốn ít hơn so với bò thịt, khoảng 5 triệu đồng nên có lãi nhỉnh hơn chút đỉnh so với nuôi bò thịt vỗ béo.

Theo phân tích của ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, chi phí thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi bò chiếm khoảng 30% giá thành nên việc giá thức ăn cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của người chăn nuôi. Bên cạnh đó, thị trường đang ưa chuộng các loại thịt bò nhập khẩu do rẻ hơn thịt nội địa nên thị phần giảm. Từ đó, đầu ra của sản phẩm thịt bò bị chững lại.

Tình hình chăn nuôi bò ở Bến Tre đang dần ổn định trở lại. Nhìn chung, vật nuôi này đã gắn bó nhiều năm với người nông dân. Do đó, tuy thời gian qua việc chăn nuôi không còn thuận lợi như trước nhưng tổng đàn vẫn được duy trì.

Tổng đàn bò toàn tỉnh ước đạt khoảng 241.000 con, tăng trên 1%. Đàn bò sữa ước là 1.950 con, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do ở huyện Ba Tri có thực hiện dự án phát triển đàn bò sữa. Dịch bệnh trên đàn bò có xảy ra một số bệnh thông thường rải rác vài nơi nhưng chưa phức tạp, đa số con bệnh được thú y viên trị khỏi.

Về giải pháp thích ứng trong tình hình này, bà con chăn nuôi ở Bến Tre chuyển sang nuôi các dòng như Lai Sind, Brahman… bởi bò thích nghi tốt với điều kiện khí hậu địa phương. Bò ăn cỏ, rơm nhưng vẫn béo tốt, không cần nhiều thức ăn công nghiệp do đó giảm chi phí chăn nuôi.

Xây dựng vùng chăn nuôi bò tập trung

Huyện Ba Tri là địa phương có nghề chăn nuôi bò lớn tại Bến Tre cũng như ĐBSCL với tổng đàn trên 105.000 con, trong đó bò sữa trên 1.370 con. Để xây dựng chuỗi giá trị con bò, huyện Ba Tri sẽ duy trì và phát triển đàn bò trên 100.000 con theo hướng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản gắn với nuôi vỗ béo đồng thời chủ động nguồn con giống và nguồn thức ăn. Cùng với đó, phát triển đàn bò sữa trên 3.000 con đáp ứng vận hành ổn định trạm thu mua sữa tại xã An Bình Tây theo hướng bền vững.

Để làm được điều này, các địa phương tiếp tục khuyến khích nông dân chủ động trồng cỏ kết hợp chế biến dự trữ thức ăn cho bò thịt, bò sữa. Song song đó, cải tiến chuồng trại thông thoáng phù hợp gắn với xây dựng hầm biogas bảo vệ môi trường và thực hiện liên kết chuỗi cung ứng đầu vào đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ hoạt động cho các HTX, tổ hợp tác và đẩy mạnh quảng bá phát triển nhãn hiệu chứng nhận bò Ba Tri gắn với khâu giết mổ chế biến sản phẩm bò mang nhãn hiệu chứng nhận.

Ngoài ra tăng cường ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ trong chăn nuôi. Chế biến dự trữ thức ăn kỹ thuật chăm sóc điều trị bệnh và thực hiện tốt công tác phòng ngừa giám sát dịch bệnh trên đàn bò.

Mặc khác, khuyến cáo người chăn nuôi chuyển đổi mô hinh nuôi bò sinh sản bán giống hiệu quả thấp sang mô hình nuôi bò sinh sản chủ động nguồn giống nuôi bò vỗ béo, bò thịt với các giống bò lai như BBB… và trồng các loại cỏ cao sản chất lượng dinh dưỡng cao như cỏ voi, cỏ sả …

HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh với 50 thành viên đã liên kết với 14 tổ hợp tác đang có tổng đàn hơn 1.000 bò nái sinh sản và khoảng 1.000 con bò vỗ béo. Theo ông Trà Tấn Thanh, HTX đang hướng xã viên sản xuất theo chuỗi giá trị bò Ba Tri.

Trước hết, HTX liên kết với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre tập huấn thường xuyên về phòng bệnh và tiêm ngừa hàng kỳ. Khuyến cáo bà con thành viên không cho bò ăn thức ăn chứa chất tăng trưởng, chất cấm…

Đối với bò sữa, huyện Ba Tri sẽ tiếp tục khuyến khích nhân rộng mô hình, trong đó tập trung tuyên truyền về hiệu quả nuôi bò sữa theo hướng tham quan học tập kinh nghiệm các hộ nuôi bò sữa hiệu quả tại địa phương cũng như các tỉnh trong khu vực.

Cùng với đó, UBND huyện Ba Tri phối hợp với HTX bò sữa Bến Tre hướng dẫn hỗ trợ người chăn nuôi về kỹ thuật chăm sóc phòng trị bệnh, vệ sinh, vắt sữa giúp người dân quen dân với nghề nuôi bò sữa.

Ông Nguyễn Hữu Học, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ba Tri thông tin: Thời gian qua phòng NN-PTNT đã tham mưu với UBND huyện xét và cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu bò Ba Tri cho 7 cơ sở đây là một trong những điều kiện để góp phần gia tăng sản lượng tiêu thụ bò Ba Tri.

Hiện tại, Phòng NN-PTNT phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre xây dựng vùng sản xuất tập trung về lĩnh vực chăn nuôi bò tại 4 xã: Mỹ Chánh, Mỹ Nhơn, Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi, đầu tư lò giết mổ tập trung để phát triển sản phẩm thịt bò đưa lên thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Giúp cho người chăn nuôi có thu nhập ổn định.

Đồng thời đa dạng hóa cây trồng vật nuôi thúc đẩy nông dân thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương để huyện Ba Tri gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Toàn huyện Ba Tri hiện có 57 tổ hợp tác chăn nuôi bò (bò thịt, bò sữa, bò sinh sản). Huyện đã hỗ trợ nhà đầu tư lập dự án đầu tư trại bò sinh sản xã An Đức, An Hiệp và chợ đầu mối gia súc xã An Bình Tây. Ngoài ra, huyện còn có 1 HTX Bò sữa Ba Tri hoạt động hiệu quả, với 96 thành viên, đã liên kết tiêu thụ với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Bình luận