Giải bài toán cơ giới hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

Bình luận · 381 Lượt xem

Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) một số khâu còn thấp như cấy lúa bằng máy (khoảng 12%), sấy (khoảng 20%)...

Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp 'Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng' tại Hà Nam. Ảnh: Trung Quân.

Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng” tại Hà Nam. Ảnh: Trung Quân.

Tại Hà Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) phối hợp cùng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT Hà Nam vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh ĐBSH”.

Diễn đàn nhằm giúp các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nắm vững chủ trương, chính sách và giải pháp khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa, tiến tới nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, bền vững.

Cơ giới hóa khâu cấy, sấy lúa còn rất thấp

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung liên quan tới cơ chế, chính sách về đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất; công tác dồn điền đổi thửa; hỗ trợ, phát triển tổ dịch vụ, HTX dịch vụ nông nghiệp; những kinh nghiệm, cách làm hay trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa; các tiến bộ kỹ thuật về cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa vùng ĐBSH; thảo luận áp dụng phương châm “một vùng, một giống, một thời gian” để tăng tối đa diện tích ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa...

Theo Trung tâm KNQG, hiện nay, mức độ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa vùng ĐBSH mới chỉ tập trung ở một số khâu như làm đất, tưới tiêu (đạt trên 90%), phun thuốc BVTV 80%; thu hoạch 80%; vận chuyển đạt trên 75%. Một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như cấy lúa bằng máy (khoảng 12%), sấy (khoảng 20%).

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSH. Ảnh: Trung Quân.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh ĐBSH. Ảnh: Trung Quân.

Trong vùng ĐBSH hiện có tới 98% hộ có diện tích dưới 0,5ha/hộ. Tỷ lệ thửa ruộng có diện tích < 500m2 là phổ biến (chiếm gần 47%); thửa ruộng có diện tích > 2.000 m2 chiếm khoảng 5%. Tỷ lệ tổn thất trong khâu thu hoạch còn cao (gấp 2 lần so với khuyến cáo của nhà cung cấp máy); bảo quản quy mô còn nhỏ lẻ và phân tán, tỷ lệ hao hụt cao.

Theo Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT), khâu bảo quản lúa hiện nay quy mô còn nhỏ lẻ và phân tán do phần lớn được thực hiện bởi các hộ gia đình làm dịch vụ, thương lái, HTX và tổ hợp tác. Do năng lực có hạn nên lúa được bảo quản chủ yếu trong các kho không đủ tiêu chuẩn, dẫn tới chất lượng không đảm bảo và tỷ lệ hao hụt còn cao.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lúa được sấy bằng máy còn rất thấp, mới đạt khoảng 20%. Về công nghệ và thiết bi sấy, ngoại trừ một số doanh nhiệp xay xát, đánh bóng gạo quy mô công nghiệp sử dụng máy sấy tháp, còn lại được sấy bằng máy sấy tĩnh vỉ ngang và sấy trực tiếp. Việc cấp và xả lúc khỏi máy sấy thực hiện thủ công nên ngoài việc chất lượng sấy thấp còn tốn nhiều nhân công...

Cơ khí trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng (mới đạt khoảng 33% nhu cầu sản phẩm cơ khí).

Cơ chế chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ nhưng tính thực thi còn hạn chế, thiếu sự nhất quán, đặc biệt về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế...

Việc áp dụng cơ giới hóa giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất lao động, đáp ứng được tiến độ thời vụ, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch. Ảnh: Trung Quân.

Việc áp dụng cơ giới hóa giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất lao động, đáp ứng được tiến độ thời vụ, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất ở các tỉnh ĐBSH vẫn gặp khó khăn do quy hoạch kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp chưa đảm bảo cho nhu cầu phát triển cơ giới hoá, hiện đại hoá. Quy mô mảnh thửa, độ phẳng, độ dốc; hệ thống tưới tiêu, mương máng; đường giao thông nội đồng phân tán, manh mún, chưa phù hợp với cơ giới hóa.

Khả năng tiếp cận vốn vay của người dân còn hạn chế do không có tài sản thế chấp. Cơ chế hỗ trợ tín đụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp không hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí…

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện nay trong sản xuất lúa, diện tích làm đất bằng máy bình quân cả nước đạt gần 91%; gieo trồng đạt 21%; bơm tưới hơn 80%; phun thuốc hơn 53%; thu hoạch bằng máy gần 59%; sản lượng lúa được sấy và bảo quản đúng kỹ thuật thấp (đạt hơn 29%); vận chuyển hơn 78%.

Theo thống kê, hiện thất thoát lúa trong công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch gần 3,2 triệu tấn lúa/năm (tương đương 760 triệu USD). Riêng tổn thất ở khâu sấy mất khoảng 970.000 tấn (tương đương 233 triệu USD).

Cơ giới hóa đồng bộ giúp tăng lợi nhuận 15 - 20%

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc TTKNQG chia sẻ, việc áp dụng cơ giới hóa giúp tăng năng suất, giải phóng sức lao động, đáp ứng được tiến độ thời vụ, khắc phục tình trạng thiếu lao động lúc mùa vụ cao điểm và thời tiết bất thuận. Bên cạnh đó, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch.

Các đại biểu tham quan mô hình tổ dịch vụ sản xuất mạ khay, cấy máy Tiến Tài tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ảnh: Trung Quân.

Các đại biểu tham quan mô hình tổ dịch vụ sản xuất mạ khay, cấy máy Tiến Tài tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ảnh: Trung Quân.

Cơ giới hóa thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, hình thành các cánh đồng lớn và khuyến khích hình thành quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất hàng hóa. Việc sử dụng rộng rãi máy móc cơ khí sẽ là tiền đề để thu hút lao động trẻ có tay nghề ở nông thôn.

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam phân tích, thực tế sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Hà Nam cho thấy, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đang trở thành chìa khóa để nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng. Việc đưa máy móc vào sản xuất giúp hình thành cánh đồng lớn, thuận lợi trong việc thống nhất cơ cấu giống, thời vụ, giảm chi phí sản xuất, công lao động, thu hút được các doanh nghiệp thu mua sản phẩm hình thành các chuỗi liên kết. Từ đó, góp phần nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất lên 15 - 20% so với cách làm truyền thống trước đây.

Ví dụ, nếu sử dụng mạ khay, cấy máy, các hộ chỉ tiêu tốn khoảng 300.000 đồng/sào (bao gồm cả tiền giống), giảm công làm đất, gieo mạ, nhổ mạ…, trong khi nếu cấy theo phương pháp truyền thống chỉ tính riêng tiền thuê lao động đang ở mức bình quân 350.000 đồng/ngày công, nơi cao lên đến 400.000 - 450.000 đồng/ngày công, thậm chí nhiều nơi còn không thuê được lao động.

Hay như việc sử dụng máy bay không người lái phun thuốc BVTV chi phí dao động từ 25.000 - 28.000 đồng/sào/lần phun (phun thủ công 35.000 đồng/sào). Bên cạnh dó, phun thuốc BVTV bằng máy có sự đồng đều, từ đó giúp tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí; hạn chế lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững.

Việc áp dụng cơ giới hóa không chỉ thực hiện riêng lẻ ở từng khâu mà phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Việc áp dụng cơ giới hóa không chỉ thực hiện riêng lẻ ở từng khâu mà phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Tại diễn đàn, nhiều hộ sản xuất, HTX nêu kiến nghị, để việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa hiệu quả, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể sản xuất mạ khay - cấy máy về địa điểm để đặt khay, sản xuất giá thể làm mạ khay cũng như thúc đẩy triển khai công tác dồn điền đổi thửa để hình thành các cánh đồng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp, tập huấn đào tạo nâng cao kỹ năng vận hành máy móc, thiết bị hiện đại...

Bình luận