Khai thác thủy sản phải giảm, nuôi trồng phải tăng

Bình luận · 368 Lượt xem

'Ngành thủy sản chiếm tỷ trọng 27 - 28% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng', Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói.

Nuôi trồng ổn định, khai thác nhiều thách thức

Chiều 5/7, Cục Thủy sản tổ chức hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết, tình hình thời tiết 6 tháng đầu năm 2023 tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Giá xăng dầu ổn định và có xu hướng giảm tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm, chủ động tham gia bám biển ở tất cả các vùng biển để tổ chức khai thác hải sản. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản đã phục hồi và phát triển tương đối ổn định.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: 'Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm đạt hơn 1,93 triệu tấn, tăng 0,2%; không hoan nghênh tăng nhiều'. Ảnh: Huy Bình.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: "Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm đạt hơn 1,93 triệu tấn, tăng 0,2%; không hoan nghênh tăng nhiều". Ảnh: Huy Bình.

Báo cáo của Cục Thủy sản cho thấy, ước tính đến hết tháng 6/2023tổng sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó sản lượng khai thác đạt 1,934 triệu tấn, tăng 0,2%; sản lượng nuôi trồng đạt hơn 2,33 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,13 tỉ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm nước lợ ước đạt 1,56 tỉ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước; xuất khẩu cá tra ước đạt 885,5 triệu USD, chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đánh giá về kết quả của ngành thủy sản 6 tháng đầu năm 2023, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: Sản lượng nuôi trồng thủy sản nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài, cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19 từ năm trước khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, lạm phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh trong đó có sản phẩm thủy sản dẫn đến những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thủy sản. Do đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm vẫn giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022”.

Báo cáo của Cục Thủy sản cũng cho thấy, công tác quản lý đội tàu đã đi vào nề nếp, thực hiện công bố và quản lý tốt số tàu theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, số lượng tàu cá đã giảm. Tổng số tàu cá tính đến hết năm 2022 là 86.820 tàu, trong đó tàu cá từ 6 - 12 m là 38.500 chiếc; từ 12 - 15 m là 18.300 chiếc; từ 15 - 24 m là 27.500 chiếc; trên 24m là 2.590 chiếc. Chỉ tiêu đặt ra đến cuối năm 2023 giảm còn 86.558 chiếc.

“Với lĩnh vực khai thác thủy sản, trong 2 đoàn kiểm tra gần đây, một đoàn của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và một đoàn của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, chúng ta đã siết chặt nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều thách thức như: Tàu cá chưa có nhà vệ sinh, xả thải trên biển; vấn đề vệ sinh an toàn cảng cá; việc truy xuất nguồn gốc…”, ông Luân nói thêm.

Gỡ khó để đạt mục tiêu

Dựa vào tình hình xuất khẩu và dự báo nhu cầu tiêu dùng toàn cầu các tháng cuối năm, Cục Thủy sản đặt mục tiêu 6 tháng cuối năm tổng sản lượng thủy sản đạt 4,78 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 1,75 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 3,03 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 5,8 tỉ USD.

Theo đó, ngành đặt mục tiêu, tổng sản lượng thủy sản cả năm 2023 đạt 9,05 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác 3,68 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng 5,37 triệu tấn (cá tra 1,62 triệu tấn, tôm nước lợ 1,03 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản: 'Với lĩnh vực khai thác, chúng ta đã siết chặt nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều thách thức'. Ảnh: Huy Bình.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản: "Với lĩnh vực khai thác, chúng ta đã siết chặt nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều thách thức". Ảnh: Huy Bình.

Nhiều đại biểu cho rằng, 6 tháng cuối năm ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Thời tiết biển tiếp tục có những diễn biến bất thường, bắt đầu bước vào mùa mưa bão năm 2023; nguồn lợi hải sản suy giảm cả về số lượng, chất lượng.

Theo dự báo ngành tôm, cá tra có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và nguy cơ bùng phát dịch.

Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biễn phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể. EC tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.

Nhiều giải pháp gỡ khăn đã được đề xuất. Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn Thủy sản cho biết: 6 tháng cuối năm 2023, đề xuất Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản.

Thực hiện kiểm tra duy trì các cơ sở sản xuất giống thủy sản bố mẹ; kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giống, thức ăn tại các địa phương trọng điểm về giống tôm, cá tra, thức ăn. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, thanh tra tại các tỉnh trọng điểm về sản xuất giống và thức ăn thủy sản xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng, các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất.

Theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình và cân đối cung cầu giống cho sản xuất, không để bị động, thiếu nguồn cung về giống, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất

Bình luận