Nghiên cứu mở rộng mô hình lúa - cá - vịt

Bình luận · 333 Lượt xem

ĐỒNG THÁP Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị địa phương và nông dân tiếp tục nghiên cứu, phát triển và mở rộng mô hình này theo đúng quy trình hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ 2 từ trái sang) đến thăm mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái lúa - cá - vịt ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (thứ 2 từ trái sang) đến thăm mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái lúa - cá - vịt ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong chuyến công tác mới đây tại các tỉnh ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã đến thăm mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái lúa - cá - vịt ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông (Đồng Tháp).

Bộ trưởng đánh giá cao hiệu quả của mô hình, đồng thời đề nghị nông dân mở rộng, nuôi vịt nhiều hơn trong mô hình để liên kết tiêu thụ vịt với doanh nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp tại mô hình.

Mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái lúa - cá - vịt ở huyện Tam Nông được triển khai từ vụ đông xuân 2022, ban đầu chỉ có 8 hộ dân tham gia với diện tích 20ha sản xuất theo hướng hữu cơ, được ngành nông nghiệp huyện Tam Nông hỗ trợ chi phí sạ cụm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật…

Ông Nguyễn Minh Tuấn là một trong 8 hộ dân tham gia sản xuất theo mô hình lúa - cá - vịt ở xã Phú Thành A (huyện Tam Nông) cho biết: Với việc trữ cá đồng mùa lũ trên ruộng một năm một lần vào những tháng mùa lũ (từ tháng 8 - 11), đến nay, toàn bộ 20ha trong mô hình đã thu hoạch cá trong ruộng, cho thu nhập hơn 120 triệu đồng/8hộ. Lúa trong mô hình là giống lúa ST25 được gieo sạ bằng máy sạ cụm (lượng giống 50kg/ha), bón vùi phân hữu cơ trước khi gieo sạ (350kg/ha), khi lúa được 25 ngày tuổi cho tiến hành thả 600 con vịt đẻ vào ruộng để ăn sâu rầy, hạn chế cỏ dại.

Trong quá trình canh tác, nông dân sử dụng thiết bị bay không người lái để bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Nhờ áp dụng mô hình lúa - cá - vịt, nông dân nơi đây đã giảm được khoảng 30% chi phí sản xuất lúa so với cách làm thông thường.

Mô hình sản xuất lúa - cá - vịt ở vụ đông xuân vừa qua của 8 hộ dân ở xã Phú Thành A cho thấy nhiều lợi ích, tăng lợi nhuận cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình sản xuất lúa - cá - vịt ở vụ đông xuân vừa qua của 8 hộ dân ở xã Phú Thành A cho thấy nhiều lợi ích, tăng lợi nhuận cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình sản xuất lúa - cá - vịt ở vụ đông xuân vừa qua của 8 hộ dân ở xã Phú Thành A cho năng suất từ 6,5 - 7 tấn lúa/ha và được Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Green Food bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg trở lên.

Nhờ phát huy hiệu quả sản xuất, trong vụ hè thu 2023, đã có 13 hộ xin vào tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái lúa - cá - vịt với tổng diện tích trên 40ha. Hiện lúa đang trong giai đoạn làm đòng và phát triển tốt. Hiện các hộ dân tham gia mô hình này còn đứng ra thành lập Tổ hợp tác số 10 chuyên canh sản xuất mô hình lúa - cá - vịt, chỉ làm 2 vụ lúa/năm để cung cấp theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp về lúa hữu cơ.

Tới thăm mô hình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao hiệu quả bước đầu của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi vịt và cá trên ruộng của nông dân. Ông đề nghị địa phương và nông dân tiếp tục phát triển và mở rộng mô hình này theo đúng quy trình hữu cơ tuần hoàn, giảm phát thải, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Theo Bộ trưởng, nếu thích hợp, nông dân nên nuôi vịt nhiều hơn để thả vào ruộng lúa và liên kết với doanh nghiệp để vừa tiêu thụ sản phẩm lúa, vừa tiêu thụ được vịt thương phẩm, góp phần nâng cao hơn nữa lợi nhuận.                                                                          

Bình luận