Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Càng than thở càng nghèo!

Bình luận · 296 Lượt xem

'Mình càng than thở, thì mình sẽ không lạc quan, không lạc quan thì không nghĩ đến những cái mới tốt đẹp hơn, nên càng nghèo', Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Làm nông nghiệp bằng trái tim

Giữa không gian núi rừng (thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể), Bộ trưởng Lê Minh Hoan mở đầu câu chuyện bằng một ví dụ sống động về khát vọng làm giàu, khơi nguồn cảm xúc. Ông giới thiệu về ngôi làng giàu nhất Nhật Bản nhờ trồng rau xà lách.

Ở đó, từ một ngôi làng nghèo khó, vươn lên thu nhập 200 nghìn USD/hộ/năm. Nơi đó không chỉ trồng rau thông thường mà họ chăm chút từng cây rau, gửi gắm cảm xúc vào từng sản phẩm, ở đó họ bán niềm tin, chứ không phải bán hàng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ cảm hứng về khát vọng làm giàu từ nông nghiệp với bà con thôn Phiêng Phàng và cán bộ địa phương. Ảnh: Ngọc Tú.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ cảm hứng về khát vọng làm giàu từ nông nghiệp với bà con thôn Phiêng Phàng và cán bộ địa phương. Ảnh: Ngọc Tú.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với đồng bào miền núi ở Bắc Kạn dù còn khó khăn nhưng phải có ý chí, nghị lực.

“Mình càng than thở, thì mình sẽ không lạc quan, không lạc quan thì không nghĩ đến những cái mới tốt đẹp hơn, nên càng nghèo. Mảnh đất Bắc Kạn có rất nhiều nét văn hoá đặc sắc, cộng đồng người dân tộc thiểu số rất đa dạng, có cảnh quan rất đẹp, hệ sinh thái rừng phong phú, tất cả đều có thể chuyển hóa thành tiền”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.

Quan trọng nhất là người dân cần có khát vọng, thái độ lạc quan, tích cực, có khát vọng rồi thì phải có phương pháp, đừng bao giờ nghĩ không làm được, làm ra thì bán cho ai.

Bộ trưởng gợi ý, địa phương có rất nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số nhưng phải hợp sức tạo ra những sản phẩm đặc trưng, tạo ra chuỗi giá trị. Khi đưa giá trị văn hoá vào sản phẩm sẽ tạo ra giá trị lớn hơn nhiều. Khi người tiêu dùng mua sản phẩm họ phải thấy được hàm lượng bản sắc riêng biệt ở trong đó.

Trong câu chuyện truyền cảm hứng của mình, Bộ trưởng nhắc nhiều đến giá trị của niềm tin, niềm tin ở đây là những sản phẩm nông sản chất lượng, được chăm chút bằng cả tâm hồn của người nông dân.

Bộ trưởng thăm bà con thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (Ba Bể). Ảnh: Ngọc Tú.

Bộ trưởng thăm bà con thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (Ba Bể). Ảnh: Ngọc Tú.

Sản phẩm sẽ không còn là mặt hàng bình thường khi được tạo ra bởi những người nông dân tâm huyết, biết nghĩ đến sức khoẻ của cộng đồng. Khi đó giá trị của sản phẩm sẽ tăng lên nhiều lần.

Khi đã có sản phẩm tốt, làm sao để khách hàng họ tin, họ vui vẻ đón nhận, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần cải tiến bao bì. Đây là khâu còn yếu của các hợp tác xã ở Bắc Kạn.

Bắc Kạn có bí xanh, có gạo nếp tài, có miến dong, nhưng trên bao bì cần cho khách hàng thấy nó được trồng mở đâu, chế biến như thế nào, bao bì phải thể hiện trực quan, sinh động thì khách hàng họ mới có niềm tin với sản phẩm của mình, Bộ trưởng gợi ý.

Bán hàng bằng niềm tự hào

Trong câu chuyện truyền cảm hứng của mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh đến văn hoá bán hàng.

Chúng ta phải bán hàng bằng niềm tự hào, tự hào vì sản phẩm chúng ta làm ra chất lượng tốt, rất đặc sắc, rất đặc trưng. Bắc Kạn có cộng đồng dân tộc thiểu số rất đa dạng, cộng đồng này chính là cơ sở để tạo ra những sản phẩm đặc hữu có đặc trưng riêng biệt.

Khi mình bán hàng, mình cũng phải truyền tải được cảm xúc, niềm tự hào về sản phẩm mình đến khách hàng, Bộ trưởng truyền tải thông điệp đến với cán bộ, chủ các HTX và cán bộ tại địa phương.

Trong câu chuyện của mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: 'Làm nông nghiệp từ trái tim'. Ảnh: Ngọc Tú.

Trong câu chuyện của mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Làm nông nghiệp từ trái tim". Ảnh: Ngọc Tú.

Bộ trưởng lấy ví dụ, khi sang Nhật Bản, vừa đến khách sạn là người ta đã có ngay người giới thiệu về những cảnh đẹp ở đó dù họ biết mình không có nhiều thời gian đi thăm. Sảnh khách sạn của họ treo hết ảnh về những điểm du lịch hấp dẫn nhất của địa phương, trong khi Bắc Kạn có hồ Ba Bể rất đẹp nhưng có chỗ lại treo tranh ảnh cảnh đẹp nước khác.

Tại Bắc Kạn, tiềm năng cây dược liệu rất lớn nhưng chỉ mới dừng lại ở việc thu hái, sơ chế, giá trị tạo ra cho cộng đồng chưa cao. Do đó, chính quyền địa phương phải thay đổi tư duy từ giảm nghèo từ rừng sang tư duy nó là một ngành kinh tế. Có như vậy mới tạo ra được nhiều sản phẩm chuyên sâu, tạo ra chuỗi giá trị cho cộng đồng.

Khi có nhiều sản phẩm tốt từ cây dược liệu, mình phải có cách bán hàng hiệu quả, mình phải đưa sản phẩm đến với du khách như thông hệ thống khách sạn, điểm dừng chân.

Bộ trưởng thăm HTX Nhung Luỹ (huyện Ba Bể). Ảnh: Ngọc Tú.

Bộ trưởng thăm HTX Nhung Luỹ (huyện Ba Bể). Ảnh: Ngọc Tú.

Bây giờ khách sạn toàn là các sản phẩm nước uống đóng chai, tại sao những loại nước uống từ các sản phẩm nông sản của mình lại không có. Như thế là bản thân mình cũng chưa thấy được niềm tự hào về chính sản phẩm của mình.

Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Bắc Kạn không phát triển sản phẩm OCOP ồ ạt mà cần đi vào chiều sâu, có đo lường mức độ tiêu thụ, xem mức độ tiêu thụ tăng, giảm hay đi theo chiều ngang, từ đó mình mới có giải pháp phù hợp.

Bình luận