'Thủ phủ hoa hồng' tìm kiếm hướng đi mới từ du lịch nông nghiệp

Bình luận · 5 Lượt xem

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, huyện Mê Linh (Hà Nội) đang tìm kiếm hướng đi mới, vừa để phát triển làng nghề hoa, vừa nâng cao thu nhập cho người dân.

Gắn du lịch làng hoa với du lịch tâm linh

Huyện Mê Linh trứ danh là vùng đất đế đô thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, với nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc… cũng “hữu xạ tự nhiên hương” với hàng trăm mẫu hoa đủ loại khoe sắc. Đặc biệt vào những độ Tết đến xuân về, không khí tại huyện Mê Linh lại tất bật náo nhiệt từ sáng sớm đến tối mịt. Dọc con đường ven huyện là nườm nượp người mua kẻ bán, những chậu hoa đủ loại xếp hàng ngay ngắn đợi khách thập phương qua thưởng thức, lựa chọn.

Dọc các con đường quanh huyện Mê Linh, đủ các loại hoa khoe sắc được bày bán. Ảnh: Bảo Thắng.

Dọc các con đường quanh huyện Mê Linh, đủ các loại hoa khoe sắc được bày bán. Ảnh: Bảo Thắng.

Nằm ở phía Tây Bắc của TP Hà Nội, huyện Mê Linh có tổng diện tích đất tự nhiên đạt hơn 14.000ha, trong đó diện tích trồng hoa là chủ yếu. Việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hoa, cây cảnh cũng luôn dân đầu cả nước. Chính vì điều kiện tự nhiên như vậy, huyện Mê Linh có tới 3 làng nghề về hoa được công nhận, vinh danh như Làng hoa, cây cảnh Liễu Trì (xã Mê Linh); Làng hoa, cây cảnh Hạ Lôi (xã Mê Linh); Làng hoa Đại Bái (xã Đại Thịnh). Ngoài ra, cũng không khó bắt gặp các vùng trồng hiện hữu rải rác trên nhiều xã, thị trấn của huyện, đóng góp vào tên tuổi và duy trì danh tiếng vùng đất hoa nổi tiếng đất kinh kỳ.

Trong số này, xã Mê Linh được xem là thủ phủ hoa của toàn huyện, với gần 250ha trồng đa dạng chủng loại như hoa hồng, cúc, loa kèn, hồng thế… Trước đây, người dân chủ yếu trồng hoa cắt cành, nhưng do hiệu quả kinh tế không cao và nhu cầu thị trường thay đổi, họ đã chuyển đổi sang trồng hoa chậu và cây cảnh. Đặc biệt, những cây hoa tán thế được chăm sóc kỹ lưỡng có giá trị kinh tế cao, lên tới 10 - 20 triệu đồng, mang lại thu nhập ổn định và cải thiện đời sống.

Hoa hồng là một trong những loại hoa thế mạnh của huyện Mê Linh. Ảnh: Linh Linh.

Hoa hồng là một trong những loại hoa thế mạnh của huyện Mê Linh. Ảnh: Linh Linh.

Tuy nhiên, xã Mê Linh cũng đối mặt với những thách thức trong việc cân đối giữa phát triển nông nghiệp và đô thị hóa. Trong bối cảnh này, định hướng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với du lịch tâm linh mở ra một hướng đi mới, không chỉ giúp duy trì làng nghề lâu đời của địa phương mà còn giúp người dân trồng hoa có thu nhập ổn định, bền vững hơn.

Ông Nguyễn Viết Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh phấn khởi chia sẻ, xã vừa tham gia Festival hoa do UBND huyện tổ chức vào tháng 12/2024. Đây là lần thứ hai Mê Linh tổ chức lễ hội này, trên quy mô gần 10.000m2 với loại hoa đặc trưng của địa phương. Hoa được trang trí cầu kỳ, kết hợp với công nghệ ánh sáng tạo nên một không gian vừa hiện đại vừa nên thơ và rực rỡ sắc màu thu hút đông đảo khách tham quan.

“Những festival như vậy là cơ hội rất tốt để quảng bá hình ảnh cho hoa Mê Linh, vốn là sản phẩm chủ lực của địa bàn. Và nhìn chung đây cũng là định hướng của địa phương trong thời gian tới”, ông Minh cho biết.

Định hướng này cũng được ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh nhấn mạnh. Theo đó, làng nghề trồng hoa Mê Linh được định hướng là điểm đến trải nghiệm, kết hợp với các di tích lịch sử như đền thờ Hai Bà Trưng, nhằm thu hút du khách và phát huy giá trị văn hóa, kinh tế của vùng. Mục tiêu là xây dựng các khu trải nghiệm hoa, cánh đồng hoa liên kết với các khu vực tâm linh, tạo cơ hội vừa bảo tồn làng nghề vừa phát triển bền vững.

“Để hiện thực hóa kế hoạch, người dân mong mỏi sự hỗ trợ từ các cơ quan trung ương trong việc cải thiện quỹ đất và đầu tư hạ tầng phù hợp, nhằm thúc đẩy ngành du lịch và làng nghề phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, ông Phương chia sẻ với những trăn trở về phát triển làng nghề.

Chuyển đổi tư duy để duy trì thương hiệu hoa Mê Linh

Vốn nổi tiếng là “thủ phủ hoa hồng”, hồng Mê Linh được chăm sóc với kỹ thuật tốt, có thể duy trì độ tươi tương đối lâu, búp hoa mẩy, cành hoa khỏe khoắn với bầu lá đều, có độ bóng vừa đẹp. Từ một vài hộ dân ban đầu, người dân Mê Linh giờ hầu như phát triển kinh tế nhờ vào trồng hoa. Cũng nhờ vị trí địa lý thuận tiện, giao thông dễ dàng tới các tỉnh lớn như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…, những hộ dân trồng hoa có tay nghề cao có thể nhận mối bán buôn đến nhiều địa phương. 

"Nhiều thương lái đã đến tận ruộng đặt cọc", anh Nguyễn Duy Thắng, người dân tại xã Mê Linh cho biết. Theo lời anh, hàng bonsai - hoa trồng trong chậu, được uốn, tỉa cầu kỳ - năm nay hút khách. Một số chậu đẹp có thể được bán với giá chục triệu đồng.

Chủ vườn cũng nhẩm tính, rằng với một số hộ dân chăm bón tốt, 1 sào (Bắc bộ) trồng hoa hồng có thể thu về 30 triệu đồng hoặc hơn nữa.

Anh Nguyễn Duy Thắng (đứng giữa), một chủ vườn tại xã Mê Linh giới thiệu tới khách mua về giá các loại hồng tại vườn. Ảnh: Bảo Thắng.

Anh Nguyễn Duy Thắng (đứng giữa), một chủ vườn tại xã Mê Linh giới thiệu tới khách mua về giá các loại hồng tại vườn. Ảnh: Bảo Thắng.

Trước đây, nghề trồng hoa ở Mê Linh phát triển thuận lợi năng suất hoa cắt cành đạt từ 8.000 - 10.000 bông/sào/vụ, mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng suy thoái đất khiến năng suất giảm chỉ còn 3.000 - 4.000 bông/sào/vụ. Người dân chuyển hướng sang trồng hoa trong chậu, với diện tích chiếm khoảng 80% tổng diện tích trồng hoa toàn xã. Những người trồng hoa cắt cành phải thuê đất ở các xã lân cận với tổng diện tích 30 - 40ha.

Mê Linh từng nổi tiếng với sự khéo léo trong nông nghiệp, như xuất khẩu hành tây sang Liên Xô những năm 90 đến trồng các loại rau màu và hoa cắt cành. Giai đoạn nở rộ là đầu những năm 2000, khi người người trồng hoa, nhà nhà trồng hoa, với nhiều chủng loại nhập từ Pháp, Italia. Hiện nay, hầu hết các loại hoa bầu chậu đều là hoa ngoại, với quy trình ghép và nhân giống hiện đại.

Đến năm 2018, làng nghề hoa Mê Linh được Hà Nội công nhận. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, chính quyền địa phương đề xuất giữ lại một phần diện tích đất, cải tạo đất và hệ thống thủy lợi, giúp người dân yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất.

Việc diện tích đất trồng hoa bị co hẹp do tốc độ đô thị hóa là nguyên nhân và cũng là “cú hích” để người dân trồng hoa Mê Linh tìm kiếm hướng đi khác, chuyển đổi tư duy sản xuất để duy trì tiếp cận thị trường.

Theo Phó Chủ tịch xã Nguyễn Viết Minh, trong nhiều năm, nguồn cung hoa lay ơn (hoa dơn) từ địa phương cho dịp Tết còn hạn chế. Cứ mỗi độ ông Công ông Táo, huyện đón từ 100 - 200 container chở khoảng hơn hàng trăm nghìn cành dơn từ Lâm Đồng ra. Nhưng từ năm ngoái, khi Mê Linh phát triển toàn diện kỹ thuật trồng dơn, hoa địa phương bán luôn đắt hàng. Hàng từ Đà Lạt về ít dần do khó cạnh tranh về giá và độ tươi của hoa.

Với kỹ thuật trồng hoa, chiết ghép cành đỉnh cao, người dân Mê Linh đang thử nghiệm chuyển giao kỹ thuật và thuê đất ở các vùng lân cận để phát triển trồng hoa địa phương. Ảnh: Linh Linh.

Với kỹ thuật trồng hoa, chiết ghép cành đỉnh cao, người dân Mê Linh đang thử nghiệm chuyển giao kỹ thuật và thuê đất ở các vùng lân cận để phát triển trồng hoa địa phương. Ảnh: Linh Linh.

Hai năm trở lại đây, dơn trở thành thành chủ lực của huyện trong mỗi độ Tết đến nhờ xu hướng trưng bày truyền thống đang bắt đầu phổ biến trở lại. Các cành dơn nở dần từ dưới lên trên, nên ngay cả khi một số bông phía dưới bắt đầu tàn, những bông phía trên vẫn tiếp tục nở, có thể kéo dài thời gian thưởng thức cho người chơi hoa. Với người trồng, hoa dơn dễ trồng hơn hoa hồng và ít bị sâu bệnh, phát triển tốt trong môi trường có ánh sáng và thoáng mát.

Đây là một hướng đi “thời vụ” cho mỗi dịp lễ Tết, song với mục tiêu phát triển bền vững, làng hoa Mê Linh cũng tính đến những phương án dài hơi hơn. Với kỹ thuật trồng hoa, chiết ghép cành đỉnh cao, người dân Mê Linh đang thử nghiệm chuyển giao kỹ thuật và thuê đất ở các vùng lân cận để phát triển trồng hoa địa phương. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ, số hóa nhằm bắt kịp xu thế thay đổi từng ngày của thị trường.

Bình luận