Độc đáo trồng dâu tây treo tường

Bình luận · 7 Lượt xem

Đam mê làm nông nghiệp sạch, chàng kỹ sư máy tính Nguyễn Văn Quý đã mạnh dạn chuyển hướng, thành công với mô hình trồng dâu treo tường độc đáo đầu tiên ở Gia Lai.

Từ “sự cố low mood” tới ý tưởng độc đáo

Ở thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), hẳn khá nhiều người biết đến tiệm sửa chữa, xử lý sự cố máy tính mang tên Bách Khoa (địa chỉ ở 115 đường Phan Đình Phùng, thành phố Pleiku) bởi Bách Khoa khá nổi tiếng, uy tín trong việc sửa chữa máy tính từ năm 2004 và cho đến tận bây giờ. “Bác sỹ máy tính”, cũng là ông chủ tiệm Bách Khoa này là anh Nguyễn Văn Quý.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP.HCM vào năm 2004 chuyên ngành kỹ sư máy tính, anh Quý về mở tiệm, lấy tên của chính ngôi trường mà mình đã được đào tạo bài bản. “Nhiều năm miệt mài với công việc 'khô như ngói' này, tôi muốn có một không gian rộng rãi, có nhiều cây xanh để lấy lại cảm hứng sau thời điểm 'low mood' (mất cảm xúc, mất cảm hứng, buồn bực...)”, anh Quý nói.

Sau một thời gian tìm kiếm, cuối cùng anh Quý cũng sở hữu được một trang trại với diện tích hơn 2ha ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, cách trung tâm thành phố Pleiku chừng hơn 8km. Lúc này, trang trại đã có sẵn cà phê và sầu riêng, tuy nhiên từ cổng vào đến vườn cây là quãng đường khá dài với um tùm cỏ dại.

Thấy để đất trống lãng phí, anh Quý tham khảo khá nhiều ý kiến và mô hình, cuối cùng anh chọn cây dâu tây để trồng. “Ban đầu tôi chỉ trồng thành luống dưới đất như mọi nơi vẫn trồng. Song nhìn bức tường rào kiên cố nhưng khô cứng và đơn điệu, tôi nảy ra ý định cho dâu tây leo tường để vừa tận dụng không gian trống, vừa tạo cảnh quan khác biệt và độc đáo”, anh Quý cho hay.

Từ đó, những chiếc bầu xinh xắn được ươm hạt dâu tây và gắn vào những tấm bạt lớn cố định trên tường. Xong công đoạn gắn giá thể trồng dâu lên tường, anh mày mò lắp đặt hệ thống phun tưới tự động, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây.

Kites Farm (tên gọi trang trại của anh Quý) được chính thức ra đời, nằm khiêm tốn bên Tỉnh lộ 664 thuộc xã Ia Dêr. Bước qua cổng chính của Kites Farm là những những bầu dâu tây bám kín trên bức tường rào, tạo cảm giác xanh mát, lạ mắt và thú vị, không còn là bức tường khô cứng như ban đầu.

Và đây là mô hình trồng dâu tây cho leo tường đầu tiên ở Gia Lai.

Những quả dâu tây Hana đỏ mọng tại Kites Farm. Ảnh: Đăng Lâm.

Những quả dâu tây Hana đỏ mọng tại Kites Farm. Ảnh: Đăng Lâm.

Khi mô hình được hình thành, cũng là lúc không gian từ cổng chính đi vào thông thoáng hơn, sạch và đẹp hơn. Bây giờ, ngoài công việc ở tiệm Bách Khoa, anh Quý còn chuyên chú vào Kites Farm của riêng mình. “Cây dâu tây thực ra rất dễ trồng, khâu chăm sóc và thu hoạch cũng tương đối đơn giản, lại ít sâu bệnh. Từ đây, tôi bắt đầu trồng với mật độ dày hơn để tận dụng bức tường trống, tạo cảnh quan xanh mát, có sức sống. Trạng thái 'low mood' cũng dần tan biến”, anh Quý chia sẻ.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Tại Kites Farm, anh Quý chọn giống dâu Hana của Nhật Bản để trồng, bởi theo anh quả dâu giống Hana mang vị ngọt tự nhiên, hương thơm đặc trưng, hạt nhỏ nhưng quả lại to hơn những giống dâu khác, ăn rất ngon, đặc biệt rất hấp dẫn với khẩu vị của trẻ em.

Anh Quý cho biết, ban đầu chỉ trồng cho vui, với ý định che lấp khoảng tường rào thô ráp. Tuy nhiên vào khoảng tháng 5/2024, bạn bè của anh đưa đến một doanh nhân người Lào chuyên về nông nghiệp sạch. “Sau khi tham quan, hỏi han kỹ lưỡng về Kites Farm, vị khách này cảm thấy khá thú vị, đặt mua luôn 6.500 cây giống dâu Hana của trang trại. Vậy là từ ý tưởng ‘cho vui’ ban đầu, tôi quyết tâm tìm đến nguồn thu từ đây”, anh Quý vui vẻ nói.

Và cũng từ đây, anh Quý là người đầu tiên ở Gia Lai xuất khẩu cây giống dâu tây ra nước ngoài. Hiện anh có khá nhiều đơn đặt hàng mua giống dâu tây từ các tỉnh Kon Tum đến Lào Cai, Sơn La... Thậm chí có không ít nhà vườn ở Đà Lạt - nơi ban đầu anh lấy giống cũng đặt hàng mua giống dâu tây của anh.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu tây leo tường, anh Quý không hề dấu giếm mà cho biết, chi phí đầu tư ban đầu để trồng giống dâu Hana chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng/sào, bao gồm cây giống, bạt, hệ thống nước tưới... Khi thu hoạch, bình quân mỗi cây dâu sẽ cho khoảng 0,5 - 1kg quả/vụ. Giá bán quả dâu Hana thường cao hơn các giống khác bởi độ tỷ mỷ trong khâu chăm sóc do thời gian thu hoạch ngắn, và bởi quả dâu Hana ăn ngon hơn... Tùy vào độ lớn của quả mà có giá bán khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, loại quả lớn có giá dao động từ 350 - 400 ngàn đồng/kg, quả trung bình khoảng 220 - 250 ngàn đồng/kg, quả nhỏ hơn thì dùng để làm sinh tố với mức giá không cố định. Còn cây giống được bán với giá 5.000 đồng/cây.

Vườn dâu tây Hana tại Kites Farm đang được anh Quý tập trung chăm sóc chờ ra quả để đón khách tham quan. Ảnh: Đăng Lâm.

Vườn dâu tây Hana tại Kites Farm đang được anh Quý tập trung chăm sóc chờ ra quả để đón khách tham quan. Ảnh: Đăng Lâm.

“Với mức giá ổn định như hiện nay thì hàng năm tôi thu được lợi nhuận hàng trăm triệu đồng từ 1,6 sào dâu Hana hiện có”, anh Quý cho biết.

Một trong rất nhiều người có ấn tượng tốt với mô hình trồng dâu tây leo tường của anh Quý, đó là anh Đặng Gia Bảo ở 256, đường Tăng Bạt Hổ, thành phố Pleiku. Anh Bảo có nhận xét khá sâu sắc và thú vị với Kites Farm: “Xét về khía cạnh thẩm mỹ, chủ nhân của Kites Farm đã biến một bức tường khô cứng và đơn điệu trở nên mềm mại hơn, có điểm nhấn một cách hết sức tinh tế. Còn về hiệu quả kinh tế thì Kites Farm đã đem đến cho chủ nhân một nguồn thu đáng kể. Tường rào thì gần như nhà nào cũng có, nhưng để biến tường rào vừa đẹp mắt, lại có thu nhập tốt thì Kites Farm quả là... một mẫu mực!”.

Chưa dừng lại ở tiệm Bách Khoa và Kites Farm, từ năm 2023, anh Quý còn bố trí thời gian và công việc để mở Trung tâm Sun Art tại số 8 đường Lý Tự Trọng (phường Tây Sơn, thành phố Pleiku) chuyên dạy vẽ cho các cháu thiếu nhi với 5 giáo viên thường xuyên đứng lớp.

Chưa dừng lại ở việc chăm sóc vườn cà phê, sầu riêng hiện có, chăm sóc 1.000 cây cau mới trồng, chàng kỹ sư máy tính Nguyễn Văn Quý còn ấp ủ thêm một số dự án liên quan đến nông nghiệp, vừa thỏa mãn niềm đam mê nông nghiệp sạch của bản thân, vừa tạo công ăn việc làm cho người khác.

“Hiện Kites Farm đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 6 lao động thường xuyên. Tuy nhiên trước mắt, tôi sẽ tập trung vào 1,6 sào dâu tây Hana hiện có. Đặc biệt, tôi sẽ cố gắng lấp đầy những mảng tường thô ráp còn lại, vẫn bằng dâu tây Hana”, anh Quý nói.

Với mô hình độc đáo, ngoài những khách hàng tìm đến mua giống, mua quả dâu tây, còn có không ít người đến để tham quan học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, Kites Farm của anh Quý còn là điểm đến thú vị của khá đông bạn trẻ muốn tìm về một không gian trong lành và lãng mạn, tận hưởng vị thơm ngọt đầy quyến rũ và ma mỵ của quả dâu tây.

Bình luận