Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Bình luận · 9 Lượt xem

Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.

Thị trường thủy sản dịp Tết tại Trà Vinh năm nay khởi sắc hơn năm trước, bởi giá tôm và cua - hai mặt hàng thủy sản chủ lực của tỉnh đang ở mức cao. Từ đó nhu cầu mua hoa chưng Tết của bà con cũng tăng theo. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi đã gây nhiều khó khăn cho việc trồng và chăm sóc hoa kiểng.

Ông Trần Văn Hào, Chủ nhiệm Tổ hợp tác hoa kiểng ấp Vĩnh Yên (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) chia sẻ, hơn 20 năm kinh nghiệm làm nghề, đây là lần đầu tiên ông gặp tình trạng cúc mâm xôi nở hoa muộn với khoảng 1.000 chậu bị ảnh hưởng.

“Do cơn mưa trái mùa hồi đầu tháng khiến cây bị dư nước, thối nhánh, gió mạnh làm gãy ngang thân. Những cây cứu kịp cũng bị hỏng nụ, dẫn đến nở hoa chậm”, ông Hào nói.

Theo Chủ nhiệm Tổ hợp tác hoa kiểng ấp Vĩnh Yên, địa bàn hiện có hơn 40 hộ dân tham gia sản xuất hoa với tổng số lượng khoảng 300.000 chậu. Các loại hoa phổ biến được trồng tại đây gồm cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Tiger, cúc vạn thọ, cát tường, ti-co, cúc ban mai, hướng dương... được tiêu thụ trong tỉnh và bỏ mối cho một số tỉnh lân cận như Bến Tre, TP.HCM, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Qua thống kê của chính quyền địa phương, sản lượng hoa năm nay tăng thêm khoảng 2.700 chậu so với năm trước.

Ông Hào cho biết, số lượng trồng tăng chủ yếu là hoa vạn thọ vì đây là giống dễ trồng, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và ít rủi ro. Ngoài ra, ông còn thử nghiệm thành công giống cúc mới, được thương lái đặt cọc trước với giá 220.000 đồng/chậu, nhờ vậy đã bù lại cho số hoa nở muộn.

“Chi phí đầu tư cao do giá nước tưới hiện nay đắt, trung bình mỗi tháng phải chi khoảng 1,2 triệu đồng cho 2.000 chậu. Tôi mong các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ bà con giảm chi phí sản xuất, nhất là giá nước”, ông Hào bày tỏ.

Giống cúc mới của bà con ở làng nghề Long Đức có giá 220 ngàn đồng/chậu. Ảnh: Hồ Thảo.

Giống cúc mới của bà con ở làng nghề Long Đức có giá 220 ngàn đồng/chậu. Ảnh: Hồ Thảo.

Lão nông Nguyễn Văn Linh, người trồng hoa kiểng ở phường 4, thành phố Trà Vinh chia sẻ, năm nay gia đình ông suýt mất Tết do cơn mưa bất chợt vào cuối tháng trước đã khiến 2.900 chậu hoa các loại như hướng dương, mồng gà và vạn thọ bị ngập nước.

Rất may, chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ bằng cách xả cống để nước thoát nhanh, giúp giảm thiệt hại. Dù vậy, ông Linh vẫn bị hao hụt một phần hoa kiểng nhưng ở mức không quá nghiêm trọng.

Ông Linh cho biết, ngoài thời tiết thất thường, giá vật tư năm nay cũng tăng. Cụ thể, chậu hoa tăng thêm 200 đồng mỗi cái, mùn cưa tăng 5.000 đồng mỗi bao và hạt giống tăng trung bình 10.000 đồng mỗi gói. Chưa kể giá các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng khoảng 10%.

“Những năm trước, tôi bán vạn thọ với giá khoảng 40.000 đồng/chậu, lãi được 10.000 đồng mỗi chậu. Năm nay tôi buộc phải tăng giá lên khoảng 10% thì mới có thể giữ được lợi nhuận”, ông Linh chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Ý, Chủ tịch Hội Nông dân phường 4, thành phố Trà Vinh cho biết thời tiết năm nay không thuận lợi, ảnh hưởng đến khoảng 20% sản lượng hoa kiểng trên địa bàn. Nhiều loại hoa nở chậm, đặc biệt là do những cơn mưa trái mùa khiến toàn bộ khu vực làng nghề phường 4 bị ngập úng.

Hội Nông dân thành phố Trà Vinh đến thăm hỏi bà con trồng hoa Tết. Ảnh: Hồ Thảo.

Hội Nông dân thành phố Trà Vinh đến thăm hỏi bà con trồng hoa Tết. Ảnh: Hồ Thảo.

"Ngay khi nhận được tin báo từ người dân, chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được khoảng 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân thuộc Tổ hợp tác trồng hoa Tết. Do đó làng nghề đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường", ông Ý nói.

Theo ông Ý, để hỗ trợ người dân tiêu thụ hoa trong dịp Tết, Hội Nông dân phường 4 đã phối hợp với phường 1 phân lô bán hoa cho 7 hộ dân. Đồng thời, Hội cũng đề xuất UBND phường ưu tiên phân lô tại chợ đầu mối cho các hộ trồng hoa tại địa phương trước, sau đó mới dành phần cho các tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố Trà Vinh đã hỗ trợ 11 hội viên vay vốn với tổng số tiền 220 triệu đồng, trong khi tỉnh cũng cho vay thêm 300 triệu đồng cho 10 hộ dân khác. Ngoài ra, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh khác để giúp bà con nâng cao kỹ thuật trồng hoa, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bình luận