Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Bình luận · 5 Lượt xem

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.

1. Thời vụ

Trong công thức xen canh nghệ - lạc, nghệ được coi là cây trồng chính, cho thu nhập chính và nên trồng sau (vào tháng 3 âm lịch). Lạc là cây trồng phụ, cần gieo sớm ngay sau Tết Nguyên Đán hay xung quanh tiết Lập Xuân (khoảng ngày 5/2 dương lịch). Có một số nơi gieo lạc kết hợp với trồng nghệ ngay từ đầu tháng giêng nhưng vẫn phải tới tháng 3 củ nghệ mới mọc mầm nên cách làm này kém an toàn vì củ nghệ giống nằm lâu trong đất dễ bị sâu bệnh hại.

Ruộng nghệ trồng xen canh với cây lạc. Ảnh: Hải Tiến.

Ruộng nghệ trồng xen canh với cây lạc. Ảnh: Hải Tiến.

2. Chuẩn bị giống

Tuỳ theo mục đích sử dụng và nhu cầu thị trường để đưa vào trồng loại nghệ vàng hay đen, nhưng phổ biến nhất hiện nay vẫn là trồng giống nghệ vàng. Củ nghệ vàng có lớp vỏ ngoài màu vàng sáng, ruột vàng đỏ, sau chế biến tinh bột màu vàng rơm. Nghệ đen có vỏ củ màu tím nhạt, ruột màu trắng, khi chế chiến tinh bột chuyển màu trắng sạm.

Lượng giống nghệ trồng cho 1 sào (360m2) cần từ 250 - 300kg; lạc giống cần 8 - 10kg củ, nên trồng bằng giống lạc L14 hoặc L32. Cần chọn những củ nghệ giống to bằng bàn tay đính kèm một củ nhánh cấp 1 cùng 2 - 3 nhánh củ cấp 2 - 3, mỗi củ giống phải nặng từ 250 - 300g và phải chọn những củ sạch sâu bệnh, không bị trầy xước, bầm giập.

Trường hợp khan hiếm giống hoặc giá giống quá cao có thể trồng bằng một củ cái hoặc một củ nhánh cấp 1 hoặc 2 nhưng phải tăng cường phân bón và tích cực chăm sóc. Tuy nhiên, trồng bằng củ giống đạt chuẩn năng suất nghệ sẽ cao hơn rất đáng kể, giảm phân bón, ngoài ra tới giữa vụ (tháng 7 âm lịch) còn thu hồi được củ giống (củ giống lúc này có thể bị giảm 50% khối lượng nhưng vẫn có giá trị làm gia vị).

Củ nghệ giống tốt nhất. Ảnh: Hải Tiến.

Củ nghệ giống tốt nhất. Ảnh: Hải Tiến.

3. Chọn ruộng

Cây nghệ ưa chân đất cát pha hoặc thịt nhẹ giàu mùn, giàu dinh dưỡng, thuận tiện tưới tiêu, cần cày phơi ải ruộng, làm nhỏ đất, thu dọn sạch cỏ dại, lên luống rộng 1,2m, rãnh rộng 30m, xẻ rạch ngang mặt luống cách nhau 60cm, lót phân, phủ đất kín rồi gieo lạc trên các rạch đã lót phân, khóm cách khóm 50cm.

Sang tháng 3 âm lịch, cây lạc ra được 5 - 6 lá và cao chừng 20cm mới bổ hốc so le nanh sấu trên luống, lót phân, phủ đất kín, đặt củ nghệ trồng 2 hàng xen canh trong luống lạc, đảm bảo hốc cách hốc 60cm, hàng cách hàng 60cm, mật độ trồng 1.000 khóm/sào.

Đến tháng 6 âm lịch cây lạc sẽ cho thu hoạch, năng suất đạt 130 - 140kg củ tươi/sào. Khoảng đầu tháng 7, tiến hành bới nhẹ gốc nghệ thu hồi lại củ giống (củ vốn) đã trồng để bán hoặc chế biến làm bột gia vị nấu ăn.

Việc trồng lạc xen trong luống nghệ bên cạnh giúp tăng thu nhập còn giúp giữ ẩm đất, hạn chế cỏ dại phát triển, sau thu hoạch, vùi lấp thân, lá và gốc lạc vào gốc khóm nghệ thay cho phân bón hữu cơ. Đặc biệt, trong rễ lạc có rất nhiều nốt sần chứa đạm sinh học cố định từ khí trời giúp thúc đẩy cây nghệ sinh trưởng, phát triển cân đối, giảm đầu tư phân bón.

Sơ chế củ nghệ cái để bán cho cơ sở chế biến thuốc Đông y. Ảnh: Hải Tiến.

Sơ chế củ nghệ cái để bán cho cơ sở chế biến thuốc Đông y. Ảnh: Hải Tiến.

4. Phân bón/sào (360m2)

Bón lót 30kg lân Lâm Thao, 130 - 150kg tro bếp, 15 - 20kg vôi bột, trong đó vôi bột bón kết hợp với làm đất; lân và tro bếp cho vào rạch và hốc trước gieo/trồng lạc và nghệ.

Bón thúc cho cây nghệ vào các tháng 5; 7; 8 và 9 âm lịch, mỗi lần bón 30kg NPK 13-13-13+TE, riêng tháng 9 không bón NPK, chỉ bón 30kg Kaliclorua thúc cho cây nghệ tăng khả năng xuống củ, tăng năng suất, chất lượng. Trường hợp không có tro bếp có thể thay bằng 8 - 10kg Kaliclorua, nhưng tốt nhất tìm mua tro bếp bón cho cây nghệ, sau thu hoạch chất lượng củ sẽ tốt hơn, màu sắc tinh bột đẹp hơn.

Bón vôi giúp tăng năng suất lạc, đồng thời còn giúp khử nấm khuẩn trong đất, phòng bệnh thối củ. Lưu ý kết hợp thu hoạch lạc (tháng 6) với vùi thân, rễ lạc vào gốc nghệ và vun đất, nhổ bỏ cỏ dại. Khi thu hồi củ giống (tháng 7) kết hợp với bón NPK, vun gốc và làm cỏ. Không sợ lốp, đổ nghệ khi bón nhiều phân nhưng phải chăm bón cân đối, nên bón thêm 5kg đạm Urê/sào vào đầu tháng 5 để thúc cây sinh trưởng nhanh.

5. Chăm sóc

Vào mùa hanh khô (tháng 8 và 9 âm lịch), mỗi tháng một lần tưới rãnh hoặc tưới phun cho ẩm ruộng để củ nghệ tăng trọng nhanh. Về sâu bệnh, với các chân đất mới trồng nghệ cơ bản không cần phòng trừ sâu bệnh hại, nhưng những ruộng trồng nghệ nhiều năm liên tục sẽ xuất hiện một số đối tượng gây hại như bệnh thán thư, thối củ và sâu ăn nõn cây.

Để phòng bệnh thán thư, có thể sử dụng thuốc Ridomil Gold 68WG, Azotop 400SC hoặc Zineb - Bull 80WP. Để trừ sâu ăn nón lá, dùng thuốc Delfin 32WG hoặc SecSaigon 5SC; phòng thối củ bằng cách bón lót vôi bột trước trồng và khi bới gốc thu hồi củ vốn. Lưu ý, nếu sử dụng vôi bột phòng bệnh cho nghệ thì không dùng chế phẩm Trichoderma để tránh lãng phí vì vôi có tính sát khuẩn, sẽ giết chết hệ nấm phòng bệnh có trong chế phẩm Trichoderma.

Công đoạn lắng lọc tinh bột nghệ ở Chí Tân (Khoái Châu, Hưng Yên). Ảnh: Hải Tiến.

Công đoạn lắng lọc tinh bột nghệ ở Chí Tân (Khoái Châu, Hưng Yên). Ảnh: Hải Tiến.

6. Thu hoạch

Cây nghệ sau trồng 10 tháng sẽ cho thu hoạch củ (tháng 12 âm lịch), năng suất đạt 1,2 - 1,5 tấn/sào. Chọn lấy củ giống, rũ sạch đất, đóng trong bao nilon, để hở miệng tại những nơi thoáng mát để mùa vụ năm sau đem ra trồng. Số nghệ còn lại cần tách rời bụi củ rồi sơ chế, phân loại, nhặt sạch rễ và vảy, các củ nhánh dùng chế biến tinh bột, củ cái để riêng bán cho các nhà thuốc Đông y hoặc chế biến thành bột gia vị nấu ăn.

7. Chế biến tinh bột nghệ

Chế biến tinh bột nghệ tương tự chế biến bột sắn dây, tiến hành tuần tự theo các bước: Củ nghệ sau sơ chế đưa vào máy rửa sạch bụi đất và vỏ củ, chuyển qua máy nghiền mịn thành dung dịch và đổ vào túi màng lưới (chuyên dùng) để loại bỏ xơ bã, đưa sang các chậu lắng lọc từ 4 - 8h (tuỳ theo mùa đông hay mùa hè), khi thấy rõ trong chậu dung dịch nghệ có 2 phần phân biệt rõ rệt, phía dưới là tinh bột lắng đọng, bên trên gồm nước vẩn và màng tinh dầu, lúc này cần gạn chắt hết phần nước vẩn và váng dầu bên trên, sau đổ nước sạch mới vào, khuấy đảo đều... làm lặp lại cách này từ 3 - 5 lần, tới khi thấy phần nước bên trên trong suốt, không còn vẩn và váng dầu là đạt yêu cầu, cho sản phẩm bột nghệ tinh khiết dạng sền sệt.

Đem bột nghệ tinh khiết sấy trong lò điện hoặc phơi khô nơi thoáng mát sẽ được tinh bột nghệ khô kiệt kiểu vón cục, lấy ra chà xát thành tinh bột khô mịn, đóng bao theo quy cách, đính tem nhãn cơ sở sản xuất, đưa đi tiêu thụ.

Nên nhớ, việc gạn thay mới nước trong chậu phải tiến hành kịp thời, không kể ngày đêm ngay khi bột nghệ vừa lắng đọng phân biệt rõ, nếu để lâu hơn, tinh bột dễ bị chua, giảm chất lượng.

Áp dụng kỹ thuật trồng xen canh nghệ - lạc này, năm 2024, các nhà nông ở xã Chí Tân (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) đã đạt giá trị thu hoạch 750 triệu đồng/ha canh tác/năm, chưa tính thu nhập tăng cao sau chế biến thành bột nghệ, tinh bột nghệ và cucurmin.

Bình luận