Lợi thế sinh thái giúp chè Thái Nguyên ngon nhất nước

Bình luận · 19 Lượt xem

Nhờ lợi thế sinh thái và đẩy mạnh chuyển đối số, Thái Nguyên luôn giữ vững thương hiệu 'đệ nhất danh trà'.

Thái Nguyên là địa phương có diện tích chè lớn nhất nước (22.400ha), mỗi năm cho thu hoạch trên 267.000 tấn búp tươi (53.000 tấn chè khô), ước giá trị sản lượng đạt 12.300 tỷ đồng. Các huyện trồng nhiều chè nhất của tỉnh này gồm Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên và Phú Lương.

Bà Nguyễn Thị Ngà (trái) - Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên trên đồi chè hữu cơ. Ảnh: Hải Tiến.

Bà Nguyễn Thị Ngà (trái) - Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên trên đồi chè hữu cơ. Ảnh: Hải Tiến.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cho hay, cây chè được trồng ở đây trên 100 năm, chất lượng chè luôn được coi là ngon nhất nước, được người tiêu dùng ví là "Nhất Thái (Thái Nguyên), nhì Tuyên (Tuyên Quang), tam Yên (Yên Bái), tứ Phú (Phú Thọ)", hoặc "Chè Thái, gái Tuyên"...

Vào những năm kinh tế nước ta còn bao cấp, chè Thái Nguyên chỉ sản xuất theo kế hoạch, bán sang Trung Quốc, Liên Xô (cũ) và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa (cũ). Từ khi chuyển sang hạch toán theo cơ chế thị trường (năm 1986), người trồng chè Thái Nguyên chỉ bán ra thị trường quốc tế được khoảng 10% sản lượng, còn lại tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Trong cơn bão số 3 mạnh hiếm có xảy ra hồi tháng 9/2024, Thái Nguyên là một trong số các tỉnh bị thiệt hại nhẹ bởi địa phương này nằm trong vùng trung du phía Đông Bắc bộ, có địa hình cao trung bình chừng 300m so với mặt nước biển, phía tây có dãy núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chắn gió, hướng đông được bao bọc bởi dãy núi vòng cung Đông Triều (Quảng Ninh). Thời tiết, khí hậu ở đây ít mưa bão lớn; nhiệt độ không khí trung bình/năm khá thấp, dao động xung quang ngưỡng 20 - 23 độ C; bức xạ nhiệt mặt trời cũng thấp; độ ẩm không khí bình quân cao; đất trồng chè chủ yếu gồm đồi dốc, có tầng canh tác dày và tơi xốp.

Đặc biệt trong lòng đất Thái Nguyên khá giàu khoáng sản sắt và mangan, tạo cho đất trồng và nước ngầm của địa phương nhiều loại vi lượng quý hiếm không thể thay thế. Đây là những điều kiện rất thích hợp cho cây chè tạo năng suất và chất lượng cao.

Búp chè lá tím quý hiếm như thuốc Nam được trồng tại HTX Chè Khe Cốc (huyện Phú Lương). Ảnh: Hải Tiến.

Búp chè lá tím quý hiếm như thuốc Nam được trồng tại HTX Chè Khe Cốc (huyện Phú Lương). Ảnh: Hải Tiến.

TS Hoàng Thị Thuỷ (Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Nguyên) cho biết, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, từ vài năm nay, các cấp chính quyền và ngành chuyên môn trong tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất chè như tích cực xúc tiến thương mại, lập mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu, đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, hỗ trợ chứng nhận VietGAP, mở rộng quy mô diện tích trồng chè, đổi mới cơ cấu giống, đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, thu hái và chế biến chè theo hướng tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

Kết quả đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã phát triển được 80ha chè hữu cơ, gần 18.000ha chè VietGAP, hướng VietGAP hoặc an toàn. Vùng chè Tân Cương được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó có 149 sản phẩm chè được công nhận OCOP 3 sao và 5 sao; nhãn hiệu “Chè Thái Nguyên” được 6 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bảo hộ (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Đài Loan). Năm 2023, toàn tỉnh xuất khẩu được trên 5.000 tấn chè sang Trung Đông, Bắc Mỹ, Đông Âu và một số nước châu Á với giá 1.500 - 2.000 USD/tấn. Tại thị trường trong nước, chè Thái Nguyên cũng bán được giá từ 200.000 - 7.000.000 đồng/kg (tuỳ loại).

Cán bộ huyện Định Hoá cùng các chuyên gia người Hàn Quốc chứng kiến công trình nhà xưởng, diện máy chế biến chè do Hàn Quốc hỗ trợ cho HTX Nông nghiệp Phú Thịnh (xã Phú Đình, huyện Định Hoá) . Ảnh: Hải Tiến.

Cán bộ huyện Định Hoá cùng các chuyên gia người Hàn Quốc chứng kiến công trình nhà xưởng, diện máy chế biến chè do Hàn Quốc hỗ trợ cho HTX Nông nghiệp Phú Thịnh (xã Phú Đình, huyện Định Hoá) . Ảnh: Hải Tiến.

Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chè Khe Cốc (huyện Phú Lương) cho biết, mỗi năm HTX ký được hợp đồng xuất 150 tấn chè sang Ba Lan nhưng chưa năm nào đáp ứng đủ yêu cầu số lượng cho đối tác, mặc dù HTX đã mở rộng diện tích trồng tới 80ha chè hữu cơ và VietGAP.

Theo ông Khiêm, để sản xuất các loại chè này, HTX phải dùng mật ong và trứng gà để chăm bón và phải thu hái từ sáng sớm khi cây chè còn đọng hơi sương, búp chè cũng phải hái ngắn hơn bình thường, sau mang về sao suốt nên đối tác mua 1 lần sinh ra "nghiện" vì pha nước uống rất ngon, màu vàng ánh xanh, vị tiền chát hậu ngọt, hương thơm dịu kéo dài.     

Bà Trần Thị Nguyệt, cán bộ địa chính - thống kê xã Phú Đình (huyện Định Hoá) cho biết trên địa bàn xã có HTX Nông nghiệp Phú Thịnh được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất chè, bao gồm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, lập mã số vùng trồng, kết nối sản phẩm với các sàn thương mại điện tử quốc gia. Đặc biệt, nước bạn còn hỗ trợ xây dựng nhà xưởng và dây chuyền điện máy chế biến, công suất 300kg chè khô/ngày và giúp bê tông hoá giao thông trên các nương chè. Nhờ vậy, các loại chè sản xuất tại Phú Đình đã tăng cao chất lượng, tăng giá bán từ 20 - 25% so với năm 2023.

Chè tôm nõn tươi và khô. Ảnh: Hải Tiến.

Chè tôm nõn tươi và khô. Ảnh: Hải Tiến.

Cũng theo bà Nguyệt, cây chè có ưu điểm chỉ cần trồng 1 lần sẽ cho thu hoạch liên tục 30 - 50 năm (tuỳ giống), khi đã bước vào thời kỳ kinh doanh thì gần như tháng nào cũng cho thu hái nên được coi là cây giúp nhà nông xoá đói, làm giàu bền vững, nếu sản xuất tốt người dân có thể dành một phần lợi nhuận hàng tháng cho đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí như cán bộ viên chức nhà nước.

Tiềm năng nâng cao giá trị từ cây chè còn rất lớn, ngoài mở rộng sản xuất gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng còn cho phép khai thác các phụ phẩm của cây chè để tạo ra các sản phẩm tinh dầu trà, cao trà, sữa tắm trà, kem đánh răng chè xanh và dung dịch vệ sinh từ trà…

Để đạt được các mục tiêu này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành trung ương và địa phương, phổ cập công nghệ sấy và nghiền bột Matcha (Nhật Bản), công nghệ chế biến cao trà, máy chế biến và đóng gói hồng trà (Trung Quốc), hệ thống chiết xuất tinh dầu quả chè.

Trong canh tác, cần được cung ứng phân bón hữu cơ sinh học dạng nano, màng sinh học che phủ giữ ẩm đất vườn chè, hệ thống tưới phun mưa tự động, thiết bị bay phun thuốc và dưỡng chất cho vườn chè cùng với truy xuất xuất xứ sản phẩm theo công nghệ Blockchain...

"5 địa danh sản xuất chè xanh ngon nhất Thái Nguyên bao gồm Tân Cương (TP Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ), Tức Tranh (huyện Phú Lương) và Phúc Thuận (TP Phổ Yên)", bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cho biết.

Bình luận