Cây na sống khỏe trên núi đá nhờ tưới tự động

Bình luận · 22 Lượt xem

Địa hình núi đá ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, tưới nước, bón phân cho cây trồng. Phương án khắc phục trở ngại đó chính là hệ thống tưới tự động.

Tiết kiệm 50% lượng nước tưới

Huyện vùng cao Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên được thiên nhiên ưu ái ban tặng chất đất, khí hậu phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây ăn quả đặc sản, trong đó không thể không nhắc đến cây na. Cây na ở nơi đây đã có từ mấy chục năm nay, được bà con trong vùng trồng và chăm sóc qua nhiều thế hệ.

Theo kinh nghiệm của bà con, cây na được trồng trên sườn núi đá bao giờ cũng cho quả ngon, ngọt hơn na trồng dưới những vùng đất bằng phẳng. Tuy nhiên cũng vì thế mà việc chăm sóc cho cây trồng này trở nên khó khăn, vất vả hơn, nhất là công việc tưới nước.

Ông Kiều Thượng Chất lắp đặt, vận hành hệ thống tưới nước tự động cho vườn na. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Kiều Thượng Chất lắp đặt, vận hành hệ thống tưới nước tự động cho vườn na. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện đang trồng na theo quy trình VietGAP tại xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai), ông Kiều Thượng Chất cho biết, để có một vụ na thành công, đặc biệt là na trái vụ, một trong những yếu tố quyết định là phải chủ động được nước tưới. Tuy nhiên, với đặc thù địa hình núi đá dốc nên người dân không thể lắp đặt hệ thống tưới như những vườn cây bằng phẳng khác.

Để khắc phục trở ngại đó, được các cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ 40% kinh phí lắp đặt, vận hành, ông Chất đã đầu tư khoảng 80 triệu đồng để áp dụng hệ thống tưới tự động cho vườn na 2ha của mình. Theo đó, thay vì phải cầm vòi nước đi tưới cho từng gốc cây, ông Chất sẽ chỉ cần bật công tắc, hệ thống sẽ tự động tưới cho cả khu vườn.

“Việc áp dụng hệ thống tưới tự động đã giúp bà con tiết kiệm rất nhiều sức lao động. Trồng cây ăn quả mà phải gánh nước đi tưới sẽ mất rất nhiều công sức và thời gian, từ đó giá thành sản phẩm cũng sẽ bị đẩy lên cao. Thế nên nhờ có hệ thống tưới tự động, chi phí giảm đi rất nhiều nên lợi nhuận tăng cao”, ông Kiều Thượng Chất chia sẻ.

Hệ thống tưới tự động đã giúp bà con tiết kiệm rất nhiều thời gian cũng như chi phí, công lao động. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hệ thống tưới tự động đã giúp bà con tiết kiệm rất nhiều thời gian cũng như chi phí, công lao động. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, so với phương pháp tưới ngập truyền thống, việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả nói chung và cây na nói riêng sẽ giúp tiết kiệm 50% lượng nước tưới trong canh tác.

“Năng suất của cây trồng thường bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết và việc cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây không đủ hoặc không hiệu quả. Theo đó, ứng dụng tưới chính xác, tưới nhỏ giọt sẽ giúp tối ưu sinh trưởng và năng suất trong mọi điều kiện sản xuất”, ông Tuấn cho hay.

Cụ thể, với việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, cây ăn quả sẽ nhận được lượng nước và chất dinh dưỡng một cách chính xác vào từng thời điểm. Do đó các rủi ro liên quan đến những yếu tố khí hậu, thời tiết sẽ được khắc phục.

Hơn nữa, việc áp dụng các công cụ kỹ thuật số tiên tiến cũng cho phép người dân có thể quản lý nước tưới và dinh dưỡng bằng cách truy cập từ xa bằng thiết bị di động, máy tính bảng hoặc máy tính cho dù người trồng ở bất cứ đâu.

Bón phân qua hệ thống tưới tự động

Bên cạnh chức năng tưới nước, ông Kiều Thượng Chất đã tận dụng hệ thống tưới tự động để châm phân bón cho vườn cây ăn quả. Theo đó, ông chỉ cần lắp đặt thêm 1 thùng phuy để pha phân bón vào. Khi bật hệ thống tưới tự động, phân bón sẽ cùng với nước tưới đi đến từng gốc cây.

Nhờ được cung cấp nước và chất dinh dưỡng đầy đủ thông qua hệ thống tưới tự động nên cây na tại Võ Nhai khỏe mạnh, phát triển tốt. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhờ được cung cấp nước và chất dinh dưỡng đầy đủ thông qua hệ thống tưới tự động nên cây na tại Võ Nhai khỏe mạnh, phát triển tốt. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Địa hình núi đá nơi đây ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, bón phân cho cây trồng. Nếu trời mưa to, nước mưa sẽ cuốn trôi hết phân bón. Còn nếu mưa không đủ ẩm, phân bón sẽ bị bốc hơi đi mất, làm lãng phí và thiệt hại cho người dân. Thế nên giờ đây có hệ thống tưới tự động, chúng tôi đã có thể chủ động được việc bón phân mà không cần phụ thuộc vào thời tiết, phải chờ mưa như ngày trước”, ông Chất phấn khởi chia sẻ.

Thực tế cho thấy, nhờ có hệ thống tưới tự động, người dân đã có thể chủ động hơn trong việc bón phân cho cây trồng. Sau một ngày tưới phân, bà con sẽ tiếp tục bật hệ thống, tưới thêm 1 lượt nước trong để cung cấp độ ẩm, giúp phân bón ngấm dần xuống đất.

Việc chủ động nước tưới và phân bón sẽ làm đất khỏe mạnh, không bị khô. Đất được no nước và chất dinh dưỡng sẽ giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn, đặc biệt là ở địa hình núi đá như nơi đây.

Các tính toán kinh tế cho thấy tưới tự động là hệ thống bền vững nhất cho việc trồng cây lâu năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các tính toán kinh tế cho thấy tưới tự động là hệ thống bền vững nhất cho việc trồng cây lâu năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện nay, người dân đang ứng dụng nhiều loại phân bón như phân bón lá, phân bón nano, phân bón trung - vi lượng, phân bón hữu cơ dạng lỏng… Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đánh giá, trên cơ sở các hệ thống tưới tự động sẵn có của bà con nông dân, việc trang bị thêm hệ thống châm phân tự động đã góp phần giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Thông qua hệ thống tưới tự động, việc bón phân sẽ được triển khai đồng đều trên diện tích rộng hơn, từ đó phát huy được hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho bà con nông dân.

“Một trong những yếu tố mà người trồng cây ăn quả rất quan tân đó là chi phí sản suất. Công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước, lượng phân bón, công sức lao động và chi phí vận hành. Từ đó giúp người dân giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm cây trồng. Các tính toán kinh tế cho thấy tưới tự động là hệ thống bền vững nhất cho việc trồng cây lâu năm, mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn các phương pháp khác”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bình luận