Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Bình luận · 7 Lượt xem

Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Nghề không còn hot nữa

Chúng vui đùa mà không hề biết đến nỗi lo của chủ nhân khi giá đà điểu đang xuống thấp kỷ lục. Ông Phùng Thế Tài là người tiên phong nuôi đà điểu ở thôn Phú Yên, xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội), sau đó có 6 hộ học theo, tổng đàn khoảng 1.000 con nhưng giờ chỉ còn 2 hộ là ông và ông Lực với tổng đàn khoảng 200 con (riêng ông Tài hơn 100 con).

Thức ăn của đà điểu giai đoạn đầu là cám công nghiệp, giai đoạn sau là rau cỏ thái nhỏ trộn cùng cám gạo, ngô, thóc. Một khu vườn rộng được quây lưới B40, rải cát làm sân chơi vì đà điều có nguồn gốc từ sa mạc, cần thường xuyên tắm cát để làm sạch cơ thể, loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da. Ông Tài chỉ nuôi đà điểu thương phẩm, tức mua giống rồi chăm 8 – 10 tháng, khi đạt trọng lượng 80 – 100kg là xuất bán, còn nuôi đẻ đã có cơ sở khác và phải đợi đến 2 năm tuổi.

“Từ năm ngoái tới giờ Trung Quốc họ không còn thu mua da và lông đà điểu nữa nhưng năm ngoái vẫn còn bán được giá 85.000đ/kg hơi, nay chỉ 72.000đ/kg trong khi giá giống mua vào vẫn cao, ở mức 1,5 triệu đồng/con. Tôi liên kết với cơ sở Tú Hường để tiêu thụ còn bán được như thế, chứ các hộ khác chỉ bán được 70.000đ/kg, hòa được vốn là còn may.

Mọi năm mùa giáp hạt của đà điểu vào tháng 9, giá bán lên tới 100 - 110.000đ/kg hơi nhưng nay chỉ 90.000đ/kg. Thời cao điểm nhất, năm 2022, 2023 tôi nuôi 250 con, lãi mỗi năm được 300 - 400 triệu đồng, nay rút xuống chỉ còn 100 con vì không lãi nữa, thậm chí âm vốn bởi dịch bệnh, bởi hao hụt”, ông Tài than thở.

Đàn đà điểu nhà ông Phùng Thế Tài. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đàn đà điểu nhà ông Phùng Thế Tài. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ở xã Vân Hòa - nơi đặt Trạm Nghiên cứu Chăn nuôi đà điểu Ba Vì có khoảng 20 cơ sở giết mổ, trong đó cơ sở Tú Hường mà ông Tài liên kết là quy mô nhất. Anh Phan Ngọc Tú vào nghề nuôi đà điểu từ năm 1997, lúc còn là công nhân của Viện Chăn nuôi và đơn vị khi ấy được cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn gửi tặng cho ít giống. Sau đó, thấy hướng đi thích hợp anh đã tự mở cơ sở nuôi đà điểu thương phẩm tại nhà vào năm 2016.

“Đà điểu lúc đó còn là đối tượng mới nên được nhiều người tìm mua, giá bán thịt 250 - 270.000đ/kg nên mổ mỗi con cũng được lãi khoảng 1,5 triệu đồng. Quan trọng hơn, lúc đó mỗi bộ da bán được 2 - 3 triệu đồng nên mổ đà điểu dù vừa bán vừa cho thịt thì vẫn lãi được bộ da. Thời đỉnh điểm, từ 2016 - 2018 mỗi năm tôi giết mổ 700 - 1.000 con, trong đó tự nuôi 100 - 200 con, còn lại liên kết với bà con, tính ra trung bình mỗi tháng mổ 80 - 100 con, giờ chỉ còn 10 con”, anh Tú cho biết.

Hiện cơ sở Tú Hường chỉ có hai công nhân cùng với vợ chồng anh Tú chăm sóc cho đàn đà điểu 150 con nhưng không nuôi từ lúc bóc trứng mà chỉ mua về lúc 8 tháng tuổi rồi nuôi vỗ thêm với chế độ ăn cám và rau cỏ để thịt đạt chất lượng. Cửa hàng thuê ở đường Hoàng Quốc Việt trong nội thành Hà Nội hiện anh đã phải trả lại vì không bán được dù sản phẩm có thương hiệu, được cơ quan chức năng chứng nhận chất lượng.

Ông Phùng Thế Tài lo nghĩ về đầu ra cho con đà điểu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phùng Thế Tài lo nghĩ về đầu ra cho con đà điểu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những lý do thoái trào

Sự thoái trào của nghề nuôi đà điểu theo anh Tú có nhiều yếu tố. Thứ nhất là sự hiếu kỳ với một loại thịt mới không còn nữa dù hàm lượng các chất dinh dưỡng trong thịt đà điểu cao nhưng ăn lại nhạt và không thơm, ngon bằng thịt bò. Thứ hai là tỷ lệ thành thịt rất ít, chưa được 30%, chỉ xấp xỉ bằng một ½ so với trâu bò, trong khi đó cân hơi của bò hiện có giá 70 - 80.000đ/kg, ngang với đà điểu nên lãi suất của người giết mổ đà điểu rất thấp.

Thứ ba là hệ thống du lịch 3 năm gần đây gần như tê liệt hẳn. Trước, khách đến Ba Vì mua 3 - 5kg thịt đà điểu vừa ăn vừa làm quà biếu là bình thường nhưng nay vì kinh tế kém chỉ dám mua vài lạng. Thứ tư là đình đám kém. Trước, đám cưới trong vùng làm 200 - 300 mâm nhưng nay chỉ còn làm vài chục mâm nên tiêu thụ ít đi. Thứ năm là do da, lông đà điểu trước bán được sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nay không mua nữa nên da bán cho thị trường nội địa giá rất thấp, còn lông thì không bán được.

Thứ sáu là do hệ thống nuôi đà điểu kiểu công nghiệp ở trong Nam chủ yếu lấy da để xuất khẩu nên không chú trọng đến chất lượng thịt. Giá bán thịt rất thấp, cộng chiết khấu cho đại lý rất cao để họ chấp nhận bán thịt đà điểu đông lạnh miền Nam thay vì thịt đà điểu tươi miền Bắc đã kéo giá chung của cả nước xuống theo.

“Khi một người bập vào thịt đà điểu nuôi kiểu công nghiệp ở miền Nam là cả đời ám ảnh không muốn mua, không muốn ăn lại thịt đà điểu nữa, dù là nuôi kiểu dân dã ở miền Bắc. Thêm vào đó, phải nói thật là thịt đà điểu cũng không quá đặc sắc mà lại đắt nên với điều kiện kinh tế bây giờ của dân thì có miếng thịt lợn là tốt rồi, thịt đà điểu hay thịt bò có cũng được mà không có cũng được”, anh Tú phân tích.  

Cận cảnh đà điểu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh đà điểu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đó là những nguyên nhân khách quan, còn chủ quan theo anh Tú là do trên địa bàn khi nuôi lợn, gà bị dịch nhiều người đã chuyển sang nuôi đà điểu nên cung vượt cầu. Mọi năm khoảng tháng 11, 12 tốc độ tiêu thụ thịt đà điểu tăng nhanh nhưng năm nay chưa thấy tín hiệu khả quan nào nên cơ sở của anh hoạt động cầm chừng, chỉ đủ trả lương công nhân.

Cũng tương tự như anh Tú, anh Nguyễn Văn Trung ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì trước đây tổ chức chăn nuôi, giết mổ đà điểu khép kín, tiêu thụ mỗi ngày vài trăm kg thịt tươi và giò nhưng nay chỉ được vài chục kg với giá bán 250 - 270.000đ/kg. Anh giải thích: “Chăn nuôi đà điểu của cả miền Bắc này khi muốn tiêu thụ đều quay về Ba Vì hết. Tôi liên kết với bà con không ký hợp đồng gì mà ai nuôi thì đến mua, giết mổ rồi chế biến.

Nuôi đà điểu rất phù hợp các kiểu quy mô, ít đất, ít vốn thì nuôi vài ba con cũng được, còn nhiều đất, nhiều vốn thì nuôi cả trăm con. Nhưng kỹ thuật thuộc da của Việt Nam còn kém, chỉ sơ chế, thuộc thô rồi xuất khẩu cho các nước nên ô nhiễm môi trường thì ta chịu, còn lợi nhuận chủ yếu ở phía họ hưởng.

Tuy thế, xưa bán lông đà điểu đủ tiền công mổ, còn lãi ở chỗ bán da được 1,5 - 2 triệu đồng/bộ, nhưng nay chỉ bán được 700.000đ/bộ mà trước đó, từ đầu năm đến tháng 10 chỉ được 400.000đ/bộ. Mọi năm khi vào dịp Tết mỗi cơ sở giết mổ chừng 200 - 300 con đà điểu nên tầm này đã phải chuẩn bị nguồn hàng rồi, nhưng năm nay tình hình im ắng lắm”.

Trước đây trên địa bàn huyện Ba Vì, TP Hà Nội tổng đàn đà điểu vào khoảng 10.000 con, được nuôi tập trung ở các xã như Tản Lĩnh, Vân Hòa, Ba Trại... nhưng giờ chỉ còn khoảng 2.000 - 2.500 con và vẫn đang có xu hướng giảm tiếp.

Bình luận