Tham dự có gần 60 đại biểu là đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh, thành, các chi cục kiểm ngư vùng ĐBSCL, UBND huyện Trần Văn Thời và bộ đội biên phòng, ngư dân tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu được trang bị kiến thức về cơ sở pháp lý, kết quả thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Việt Nam, hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và xây dựng đề án thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, trao đổi khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Kiên Giang và một số tỉnh ven biển miền Trung.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Quyền Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi Thủy sản (Cục Kiểm ngư) cho biết: Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 lần đầu tiên đã quy định đồng quản lý là phương thức quản lý. Trong đó, nhà nước chia sẻ quyền hạn và trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương và người dân thực hiện đồng quản lý đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Theo bà Dương, đến nay cả nước đã có 11 tỉnh, thành thực hiện đồng quản lý với diện tích khoảng 160.000ha biển và 2.000ha vùng nội địa, có 64 tổ chức cộng đồng, khoảng 300 hộ gia đình với 5.000 người tham gia. Định hướng tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, có 60 tỉnh thành thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên cơ sở hiện trạng của tài nguyên, nguồn lợi của nước ta hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, cấp thiết. Nguồn lợi thủy sản của nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều loài sắp cạn kiệt.
"Khoảng 15 năm về trước, nguồn lợi khai thác thủy sản chúng ta rất dồi dào, thậm chí có giai đoạn ngư dân địa phương nghĩ rằng sẽ không thể khai thác hết được nguồn lợi này. Tuy nhiên hơn 10 năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản bắt đầu suy giảm dần theo từng năm, đặt biệt những năm gần đây biểu hiện sự cạn kiệt rõ rệt.
Nghề khai thác thủy sản hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều thời điểm sau khi tính toán thì chủ tàu, thuyền trưởng không đi đánh bắt nữa do dịch vụ đầu vào tăng liên tục và không có dấu hiệu giảm từ nguyên liệu đến trang thiết bị đánh bắt, hậu cần..., trong khi giá cả thủy hải sản bấp bênh, ngư trường cạn kiệt. Nếu tiếp tục kéo dài thì nghề khai thác thủy sản không thể tồn tại được", ông Bằng lo ngại.
Năm 2024 được Bộ NN-PTNT xác định là năm tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam. Vì vậy, chương trình tập huấn lần này đóng vai trò quan trọng nhằm trang bị kiến thức, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác đồng quản lý tại khu vực ĐBSCL. Qua đó nhằm cụ thể hóa việc triển khai Luật Thủy sản với trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với sinh kế bền vững của cộng đồng, góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).