Công nhận tiến bộ kỹ thuật quy trình canh tác giống nho rượu NH02-97

Bình luận · 14 Lượt xem

Quy trình nhân giống và kỹ thuật canh tác giống nho NH02-97 của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố vừa được Bộ NN-PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật mới.

Ninh Thuận được biết đến là thủ phủ của cây nho và chủ yếu trồng các giống nho ăn tươi. Gần đây, nhu cầu nho nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến rượu vang trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận là rất lớn.

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố) đã nghiên cứu và chuyển giao nhiều giống nho chuyên sản xuất nguyên liệu để phục vụ cho chế biến vang đỏ gồm NH02-90, NH02-97, NH02-137; vang trắng gồm NH02-37,  NH02-66.

Giống nho NH02-97 (Syrah 471/R140) có khả năng thích nghi tốt với điều kiện vùng Nam Trung bộ, sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu cao với các đối tượng bệnh hại, năng suất bình quân đạt 12 - 16 tấn/ha/vụ, khai thác 2 vụ/năm, độ Brix cao (> 18 độ Brix), hàm lượng acid citric dao động từ 5 - 8g/lít, dịch quả nho có màu đỏ rất đẹp, chất lượng phù hợp cho sản xuất rượu vang đỏ theo tiêu chuẩn chất lượng cao.

Giống nho rượu NH02-97 đã được Viện Nha Hố công bố giống lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt 2018 và Nghị định số 94/2019/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác và đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới tại Quyết định số 290/QĐ-TT-CNN ngày 24/6/2024.

Với việc quy trình canh tác giống nho rượu NH02-97 vừa được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới, sẽ là cơ sở để hướng dẫn, chuyển giao và nhân rộng diện tích trồng nho làm nguyên liệu chế biến vang nói chung và giống nho rượu NH02-97 nói riêng vào sản xuất.

Qua đó, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu để cung ứng sản phẩm quả nho đạt tiêu chuẩn chất lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến vang và từng bước cạnh tranh với các sản phẩm rượu vang ngoại nhập, qua đó nâng tầm rượu vang sản xuất trong nước.

Quy trình canh tác giống nho rượu NH02-97 vừa được Bộ NN-PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật mới là cơ sở để hướng dẫn, chuyển giao và nhân rộng diện tích trồng nho làm nguyên liệu chế biến vang. Ảnh: Phan Công Kiên.

Quy trình canh tác giống nho rượu NH02-97 vừa được Bộ NN-PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật mới là cơ sở để hướng dẫn, chuyển giao và nhân rộng diện tích trồng nho làm nguyên liệu chế biến vang. Ảnh: Phan Công Kiên.

Nhiều giải pháp canh tác nho đã được áp dụng có hiệu quả như nâng cao chất lượng cây giống, tưới nước tiết kiệm, sử dụng cân đối dinh dưỡng, giảm sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật phù hợp theo từng điều kiện canh tác và thu hoạch quả nho đúng độ chín. Các giải pháp này đã được đánh giá rất cao từ bà con nông dân tham gia thực hiện.

Thời gian qua, các mô hình canh tác nho rượu NH02-97 đã giúp ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng quả nho khi thu hoạch, qua đó giúp cải thiện được chất lượng vang sản xuất từ nguyên liệu trồng tại Ninh Thuận. Đồng thời cũng góp phần tăng thu nhập của người dân trồng nho rượu và cũng chính là giải pháp để ổn định và phát triển canh tác nho nói chung và nho nguyên liệu chế biến vang tại địa phương.

Quy trình được công nhận là tiến bộ kỹ thuật và khuyến cáo áp dụng tại Ninh Thuận cũng như các địa phương lân cận sẽ thuận lợi trong việc phổ biến, nhân rộng giúp bà con trồng nho nguyên liệu chế biến rượu vang hưởng lợi, ổn định năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích, hướng đến một nền nông nghiệp thông minh, hiệu quả, an toàn và bền vững.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố

Bình luận