Rước nợ vì mua heo giống trên Zalo, TikTok

Bình luận · 9 Lượt xem

Việc mua heo giống không rõ nguồn gốc qua mạng đã khiến dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại kinh tế, nhiều người phải bỏ nghề vì nợ nần.

Tiền mất còn mang bệnh tức

Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 1.400 ổ dịch tả heo châu Phi tại 48 tỉnh, thành phố. Riêng tại Vĩnh Long, đến nay, đã phát hiện 7 ổ dịch với tổng số 131 con heo bị tiêu hủy, sản lượng thiệt hại hơn 5.900kg. Mới đây, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 2 ổ tại xã Hiếu Phụng (huyện Vũng Liêm) và xã Thuận An (thị xã Bình Minh).

Qua ghi nhận từ các hộ chăn nuôi, nguồn bệnh chủ yếu lây lan từ các loại heo mua bán trên mạng xã hội, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận tiêm vacxin phòng bệnh, do thương lái từ các địa phương khác cung cấp. Khi dịch bệnh bùng phát, người mua liên lạc thì các thương lái này không phản hồi hoặc khóa máy.

Ông Đồng Hoàng Minh, ngụ ấp Thuận Tiến A, xã Thuận An, thị xã Bình Binh chia sẻ, vào đầu tháng 12 trong lúc ngồi uống cà phê tại chợ, ông tình cờ được một người bạn mới quen giới thiệu đầu mối bán heo giống uy tín với giá rẻ.

Qua số điện thoại được cung cấp, ông Minh liên hệ và sau khi thỏa thuận, hai bên kết bạn Zalo. Người bán gửi video giới thiệu đàn heo giống với giá chỉ 1,6 triệu đồng/con (trọng lượng 20kg), thấp hơn từ 100.000-200.000 đồng so với giá heo giống tại các trang trại trong vùng. Nhận thấy đàn heo có ngoại hình tròn trịa, mắt sáng và háo ăn, ông Minh quyết định mua 7 con, được giao tận nhà.

“Người giao heo nói giọng miền ngoài và cam kết heo khỏe, không dịch bệnh, hỗ trợ kỹ thuật nuôi 24/24. Họ còn bảo nếu cần, sẽ cung cấp thêm thức ăn giá rẻ, giao tận nơi. Nhưng chỉ sau 5 ngày nuôi, heo bắt đầu bỏ ăn, chảy mũi, sốt và chết dần. Tôi liên lạc lại với người bán, số điện thoại đã không còn liên lạc được”, vợ ông Minh bức xúc kể.

Số heo bệnh chuẩn bị tiêu hủy tại hộ của ông Minh. Ảnh: Hồ Thảo.

Số heo bệnh chuẩn bị tiêu hủy tại hộ của ông Minh. Ảnh: Hồ Thảo.

Hiện tại, gia đình ông Minh phải phun xịt tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại mỗi ngày nhưng vẫn chưa dám tái đàn. “Có lẽ tôi phải tính chuyển nghề", ông Minh buồn bã nói.

Theo ông Minh do điều kiện kinh tế khó khăn với số heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy, gia đình ông Minh thiệt hại hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, mức hỗ trợ theo quy định chỉ là 38.000 đồng/kg, không đủ bù đắp phải vay mượn để trang trải.

Cùng cảnh ngộ, ông Lê Khoa Nam, (cùng địa phương) năm trước, khi lướt TikTok ông thấy một kênh giới thiệu heo giống “uy tín” với giá rẻ. Tin lời quảng cáo, ông đặt mua 20 con heo giống, mỗi con nặng 20kg với giá chỉ 1,2 triệu đồng/con, thấp hơn 400.000 đồng so với heo giống từ các trang trại uy tín.

Khi đàn heo được giao đến, chúng trông rất khỏe mặt lanh lợi, chạy tới chạy lui, da bóng, lông mượt mà và mắt mở to long lanh.... Tuy nhiên sau 10 ngày nuôi, đàn heo của ông Nam bắt đầu sốt, bỏ ăn, uể oải, thích nằm một chỗ và chết dần. Sự cố này khiến ông phải vay để trả tiền thức ăn và mua heo giống mới để tái đầu tư.

Theo ông Nam, việc người mua dễ mắc bẫy các đối tượng bán heo trên mạng do heo nhiễm bệnh không có triệu chứng ngay, nếu được tiêm thuốc bổ, trong vòng một tuần. Rút kinh nghiệm từ sự việc, ông Nam giờ chỉ mua heo giống từ các trang trại uy tín trong tỉnh, thuộc các công ty lớn, dù giá cao hơn.

“Heo ở các trang trại trong tỉnh được tiêm phòng mũi đầu tiên, có giấy chứng nhận đảm bảo không mắc dịch tả heo Châu Phi trong vòng 10 ngày. Nếu có vấn đề, nhân viên sẽ đến hỗ trợ ngay và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi chi tiết. Họ có địa chỉ rõ ràng nên tôi rất yên tâm”, ông Nam chia sẻ.

Ngành thú y Vĩnh Long khuyến cáo người nuôi nên lựa chọn các cơ sở uy tín để mua heo giống tránh gây thất thoát. Ảnh: Hồ Thảo.

Ngành thú y Vĩnh Long khuyến cáo người nuôi nên lựa chọn các cơ sở uy tín để mua heo giống tránh gây thất thoát. Ảnh: Hồ Thảo.

Tăng cường kiểm soát

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, khuyến cáo hiện đang là giai đoạn cao điểm các cơ sở chăn nuôi heo tái đàn và tăng đàn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2025. Nhu cầu mua bán và vận chuyển heo trong tỉnh đang tăng cao, đồng nghĩa với nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh ở heo, đặc biệt là dịch tả heo Châu Phi.

Heo nhập đàn cần có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và phải được nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn chính. Nếu có thể, nên áp dụng phương pháp nuôi cách ô, đảm bảo khoảng cách giữa các ô chuồng ít nhất 1m để hạn chế tiếp xúc giữa các đàn heo. Bà con cũng nên ưu tiên chọn mua heo giống từ các cơ sở uy tín và tuân thủ quy định về nuôi cách ly.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết: Có những đối tượng trên mạng lợi dụng tâm lý người mua ham rẻ, quảng cáo bán heo giống kèm theo thức ăn giá rẻ, khiến người nuôi dễ mắc bẫy. Khi xảy ra sự cố, nhiều người đã mất tiền và có thể rơi vào tình trạng nợ nần. Đối với những đối tượng cố tình buôn bán heo bệnh, gây bùng phát dịch, tùy mức độ có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long hiện đang tăng cường kiểm soát việc mua bán, vận chuyển và giết mổ động vật trên toàn tỉnh. Nhất là siết chặt việc nhập giống vật nuôi vào tỉnh, nhằm đảm bảo con giống có nguồn gốc rõ ràng, sức khỏe tốt và được phòng dịch theo quy định để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con.

Bình luận