Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Bình luận · 12 Lượt xem

Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Kích hoạt giải pháp phòng, chống dịch

Nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, phát triển sản xuất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Giang Thanh Khoa đã ký công văn yêu cầu các Sở, ban, ngành và các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh động vật, khống chế bệnh dịch tả heo Châu Phi, ngăn chặn nhập lậu gia súc trên tuyến biên giới.

Theo ghi nhận, vào thời điểm tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 11 ổ dịch tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày tại huyện Hòn Đất và U Minh Thượng. Trong khi đó, một số tỉnh giáp ranh cũng đang có dịch, có hiện tượng bán chạy heo bệnh hoặc nghi mắc bệnh.

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn, tăng đàn đón đầu thị trường cuối năng nhưng chuồng trại, điều kiện vệ sinh, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh hạn chế. Nhiều hộ chăn nuôi chưa mạnh dạn tiêm vắc xin dịch tả heo Châu Phi cho đàn heo do lo ngại chi phí phát sinh.

Phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh khu vực chăn nuôi, chuồng trại, bảo vệ đàn vật nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh khu vực chăn nuôi, chuồng trại, bảo vệ đàn vật nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Do đó, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở NN-PTNT thực hiện kích hoạt giải pháp trong tình huống đã có ổ dịch dịch tả heo châu Phi phát sinh theo kịch bản đã được phê duyệt.

Nắm sát tình hình, phối hợp với UBND huyện Hòn Đất, U Minh Thượng nhận định, xác định nguồn lây, đưa ra giải pháp phù hợp để sớm khống chế các ổ dịch, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan, thiệt hại trên địa bàn và lây lan sang địa phương khác.

Chỉ đạo rà soát tổng đàn, triển khai tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024. Đặc biệt là tiêm vacxin cúm gia cầm, bệnh dại, viêm da nổi cục, lở mồm long móng... tại địa phương có nguy cơ cao, vật nuôi hết thời gian miễn dịch, đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm.

Thường xuyên rà soát soát đàn vật nuôi để tiêm vét, tiêm bổ sung, giám sát lưu hành vi rút, đặc biệt đối với bệnh dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang bị, dụng cụ sẵn hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch.

Kiên Giang có tuyến biên giới đất liền giáp Campuchia dài gần 50km, có 2 cửa khẩu Hà Tiên và Giang Thành, với nhiều đường mòn, lối mở, luôn tiềm ẩn nguy cơ nhập lậu động vật, nhất là heo, trâu, bò. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang có tuyến biên giới đất liền giáp Campuchia dài gần 50km, có 2 cửa khẩu Hà Tiên và Giang Thành, với nhiều đường mòn, lối mở, luôn tiềm ẩn nguy cơ nhập lậu động vật, nhất là heo, trâu, bò. Ảnh: Trung Chánh.

Tăng cường quản lý tuyến biên giới

Tỉnh Kiên Giang có tuyến biên giới đất liền giáp Campuchia dài gần 50km, luôn tiềm ẩn nguy cơ nhập lậu động vật, nhất là heo, trâu, bò. Do đó, Sở NN-PTNT Kiên Giang chỉ đạo đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm dịch vận chuyển động vật từ bên ngoài, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh vào địa bàn tỉnh.

Các Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu tại các cửa khẩu Giang Thành, Hà Tiên phối hợp, đề nghị lực lượng Biên phòng, Hải quan chủ động nắm bắt tình hình, đối tượng để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hành vi mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp qua biên giới.

Ban Chỉ đạo 389 Kiên Giang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, không rõ nguồn gốc qua biên giới. Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật khi phát hiện các hành vi vi phạm.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường biện pháp kiểm soát, phối hợp đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên thị trường và vật tư đầu vào trong chăn nuôi.

Sở NN-PTNT Kiên Giang yêu cầu các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở, trang trại nuôi vỗ béo trâu, bò thu gom trên địa bàn, quản lý về nguồn gốc, tiêm phòng, an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trung Chánh.

Sở NN-PTNT Kiên Giang yêu cầu các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở, trang trại nuôi vỗ béo trâu, bò thu gom trên địa bàn, quản lý về nguồn gốc, tiêm phòng, an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trung Chánh.

Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ tuyến biên giới đất liền thuộc thành phố Hà Tiên, huyện Giang Thành. Trường hợp phát hiện, bắt giữ các lô hàng động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, vận chuyển trái phép vào nội địa phải tiêu hủy ngay.

Huyện Giang Thành và thành phố Hà Tiên phối hợp các đơn vị phòng, chống buôn lậu trên địa bàn đấu tranh, ngăn chặn, không để xảy ra hoạt động nhập lậu động vật, sản phẩm động vật vào nội địa qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực biên giới.

Tăng cường nắm bắt tình hình, kiểm tra hoạt động của các cơ sở, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi vỗ béo trâu, bò thu gom trên địa bàn, quản lý về nguồn gốc, tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, an toàn dịch bệnh.

Bình luận