Dúi mốc dễ nuôi, lãi cao

Bình luận · 18 Lượt xem

Dúi mốc là loài gặm nhấm dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro dịch bệnh, nuôi không chiếm nhiều diện tích, trong khi đầu ra ổn định, giá trị cao.

Mấy năm nay, ông Đinh Văn Thiêm, ở thôn 1, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, cứ đều kiếm vài trăm triệu mỗi năm nhờ đàn dúi 300 con của gia đình.

Đến thăm khu nuôi dúi trong trang trại của gia đình ông Thiêm, chúng tôi thấy quy mô chuồng trại khá đơn giản, những dãy chuồng được chia thành từng ô hình chữ nhật, rộng 50cm2, dài 1m, vách chuồng cao 0,8m, được ghép gạch men trơn láng để phòng dúi leo ra ngoài, nền chuồng bê tông, rải đệm lót sinh học bằng trấu và rơm. Bên trong nhốt từ 5-10 con dúi. Có những ô nhốt đến 15 con.

“Năm 2018, tôi tình cờ xem được trên ti vi chiếu về mô hình nuôi dúi, thấy hay hay nên tìm hiểu mới biết, đã có nhiều người nuôi thành công. Tôi tìm đến mấy nơi nuôi dúi để xem cách họ làm. Thấy nuôi dúi có nhiều ưu điểm, đó là không cần nhiều vốn, chỉ cần vài chục m2 đất là có thể làm mấy dãy chuồng nuôi rồi. Loài này lại dễ nuôi, giá bán cao, đầu ra tốt. Sau khi cân nhắc, tôi về đầu tư dãy chuồng hết hơn chục triệu, rồi mua 30 cặp dúi giống về nuôi”, ông Thiêm kể.

Dúi sinh sản của ông Thiêm. 

Dúi sinh sản của ông Thiêm. 

“Thức ăn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của dúi. Lúc đầu tôi chỉ cho ăn thân tre non, mía, vì thế, nguồn dinh dưỡng có thể không đủ cho dúi. Sau khi tìm hiểu thêm, tôi về bổ sung nguồn thức ăn da dạng hơn, như cho ăn thêm chuối, măng tươi, bông lau, ngô, khoai, sắn. Nhờ vậy mà dúi phát triển nhanh hơn”, ông Thiêm cho biết.

Điều khiến ông Thiêm vui mừng nhất là khi thấy mấy con dúi cái trong lứa đầu mang bầu và sau đó sinh sản được hơn chục con dúi con. Lúc này, ông lại tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật nuôi dúi con, dúi sinh sản, phân biệt dúi đực, dúi cái để nhốt riêng.

Sau khi có chút kinh nghiệm, ông Thiêm mở rộng quy mô chuồng trại và tăng đàn. Đến nay, sau 5 năm nuôi dúi, tổng đàn dúi của ông Thiêm đã lên đến 300 con, trong đó có hơn 70 dúi cái, hơn chục con dúi đực giống, còn lại là dúi thương phẩm. Bản thân ông Thiêm cũng nắm khá chắc kỹ thuật nuôi loài gặm nhấm này, và tích luỹ đủ kinh nghiệm để chia sẻ với người mới.

Ông Thiêm cho biết, sau khi đã trừ chi phí, bình quân mỗi năm ông thu khoảng 250 triệu đồng từ đàn dúi. Thời điểm hiện tại, dúi giống của ông Thiêm có giá 1,5 triệu đồng/cặp. Dúi thịt giá 500 ngàn đồng/kg.

Ông Đinh Văn Thiêm: 'Con dúi dễ nuôi, giá trị kinh tế cao'. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Đinh Văn Thiêm: "Con dúi dễ nuôi, giá trị kinh tế cao". Ảnh: Hồng Thủy.

“So với các loài động vật khác thì dúi là một trong số những loài vật dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp. Nhưng, dễ nuôi thì người nuôi cũng phải có kiến thức cơ bản. Dúi là động vật hoang dã mới được thuần hóa gần đây, sức đề kháng mạnh, nên ít mắc dịch bệnh. Đây cũng là một trong những lý do nhiều người nuôi chia sẻ rằng nuôi dúi đơn giản.

Nhưng, dúi rất dễ mắc 2 loại bệnh là ngoài da và đường ruột, thường gặp nhất là bị tiêu chảy, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu chất dinh dưỡng. Nếu dúi bị bệnh ngoài da có thể dùng thuốc kháng sinh hoặc để dúi tự liếm, vết thương sẽ tự khỏi. Còn bệnh đường ruột, ngoài dùng thuốc điều trị tiêu chảy, cho dúi ăn thêm trái ổi xanh, rễ dừa cà rốt, rễ cau…

Để phòng bệnh cho dúi, thức ăn phải đảm bảo sạch, tươi, không để quá lâu. Chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát, định kỳ mỗi 2 tuần hoặc 20 ngày nên vệ sinh sát trùng, tẩy uế bên trong và xung quanh chuồng”, ông Thiêm chia sẻ kinh nghiệm.

“Trên địa bàn xã Đắk Búk So, hiện đang có hơn chục hộ nuôi dúi. Loài này dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, lại thấy rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết vùng này. Trong khi đó, thịt dúi được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán cao, đầu ra ổn định.

Vừa qua, Hội Nông dân huyện đã hướng dẫn Hội Nông dân xã Đắk Búk So lên kế hoạch thành lập hợp tác xã nuôi dúi, nhằm hỗ trợ thêm cho các hộ nuôi dúi trên địa bàn về kỹ thuật, đầu ra, vốn…”, bà Phan Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức chia sẻ.

Bình luận