Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Bình luận · 30 Lượt xem

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Chia sẻ tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” diễn ra ngày 13/12, Ths. Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group cho biết, xuất khẩu dừa mở ra nhiều cơ hội và thách thức, phản ánh rõ tiềm năng phát triển của ngành hàng này tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... Song song với đó, cũng như những khó khăn cần giải quyết để ngành dừa Việt Nam thật sự vươn xa ở thị trường quốc tế.

Trung Quốc với dân số đông và xu hướng ưa chuộng các sản phẩm tự nhiên, là một thị trường tiêu thụ lớn cho dừa tươi, nước dừa, dầu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa.

Ông Phú cho rằng đây là một thuận lợi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, khi đã có các mã số vùng trồng và mã số đóng gói đáp ứng yêu cầu xuất khẩu số lượng lớn.

Vị trí địa lý gần gũi giữa Việt Nam và Trung Quốc giúp giảm chi phí vận chuyển, trong khi các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương. Thêm vào đó, nguồn cung dừa dồi dào từ Bến Tre và các tỉnh miền Tây đảm bảo khả năng cung ứng ổn định, đặc biệt khi Việt Nam đã xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc và Canada.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu dừa cũng đối mặt với nhiều thách thức. Các nước đang ngày càng nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu, từ kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm đến yêu cầu về bao bì và nhãn mác. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư cải tiến để đáp ứng yêu cầu khắt khe.

Bên cạnh đó, xuất khẩu dừa còn đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước như Thái Lan và Indonesia. Ngoài ra, ông Phú nêu thực trạng một số đơn vị tại Trung Quốc thuê các xưởng nhỏ không đảm bảo tiêu chuẩn để đóng gói, ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp đầu tư bài bản tại Việt Nam. Biến động chính sách nhập khẩu và nhu cầu thị trường cũng là những rủi ro lớn, trong khi chi phí logistic, đặc biệt là bảo quản dừa tươi, tiếp tục là một bài toán khó. Sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc cũng dễ dẫn đến rủi ro nếu có sự thay đổi chính sách bất ngờ từ phía nước này.

Th.s Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Minh Đãm. 

Th.s Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Kỹ thuật Vina T&T Group chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Minh Đãm. 

Để vượt qua khó khăn và tận dụng tối đa các cơ hội, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao kiểm soát chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm từ dừa như sữa dừa, kẹo dừa hay mỹ phẩm từ dừa, đồng thời phát triển các thị trường mới để giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Việc đầu tư vào marketing và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ cũng là yếu tố then chốt. Đề nghị các cơ quan địa phương cần rà soát lại các cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và mã số đóng gói để đảm bảo cạnh tranh công bằng. Ngoài ra, cần thống kê tình hình xuất khẩu dừa từ các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói một cách minh bạch để sử dụng đúng mục đích và tránh gian lận thương mại.

Vấn đề nổi cộm cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản. Nhiều tổ chức sau khi được cấp mã số không sử dụng đúng quy định mà bán lại hoặc cho thuê, gây sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Xuất hiện gian lận nguồn gốc sản phẩm, một số vùng trồng thu mua dừa từ địa phương khác nhưng sử dụng mã số vùng trồng không phù hợp, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm.

Ngoài ra, một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đã đăng ký, dẫn đến vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Những sai phạm này không chỉ làm mất uy tín quốc gia mà còn khiến các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, siết chặt kiểm soát hoặc thậm chí đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nông dân và doanh nghiệp chân chính.

Với những khó khăn trên, đại diện Vina T&T Group  cho rằng cần một số giải pháp để tăng cường giám sát bằng cách xây dựng hệ thống số hóa quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các hành vi gian lận để bảo vệ uy tín hàng nông sản Việt Nam, nâng cao nhận thức cho nông dân và doanh nghiệp về ý nghĩa và trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu quốc gia.

TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Minh Đãm. 

TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Minh Đãm. 

“Chỉ khi giải quyết triệt để các vấn đề này, ngành xuất khẩu dừa mới có thể phát triển bền vững và tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường Trung Quốc”, ông Phú nhận định.

Buộc phải tuân thủ các điều kiện khi tham gia chuỗi xuất khẩu Nhà báo Trần Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đối với việc gian lận mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, nếu như ngày trước còn có sự dè dặt thì nay cần phải làm gay gắt và chỉ đích danh vì đây là hành vi “vi phạm pháp luật”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu.

TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ từ góc độ kỹ thuật, việc mở cửa cho một loại nông sản sang các nước cần trải qua một thời gian dài đàm phán, ví dụ với quả xoài xuất khẩu đi Hoa Kỳ phải mất đến 10 năm.

Bà Hiền khẳng định đây là nỗ lực của cả một hệ thống. Như vậy, việc tham gia chuỗi xuất khẩu đòi hỏi doanh nghiệp, nông dân buộc phải tuân thủ các điều kiện của nhà nhập khẩu, thậm chí phải làm tốt hơn, theo bà Hiền. Vấn đề vùng trồng, cơ sở đóng gói là vấn đề được các nhà quản lý, nhà k hoa học quan tâm. Việc được cấp mã số chỉ là sự khởi đầu nhưng quan trọng hơn cả là duy trì được thương hiệu của cá nhân công ty, vùng trồng và hình ảnh nông sản Việt Nam.

“Trong quá trình tham gia xuất khẩu, nếu doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, phía nhà nhập khẩu có thể tăng cường các rào cản, thậm chí dừng nhập khẩu”, bà Hiền nêu.

Bình luận