Nơi xem trồng rừng cũng phải thâm canh như lúa

Bình luận · 251 Lượt xem

Không chỉ cây nông nghiệp mà cây lâm nghiệp cũng phải bón phân mới nhanh lớn, sớm thu hoạch, năng suất, chất lượng đạt gỗ cao...

Nhờ thâm canh tốt nên cây lâm nghiệp ở xã Vân Thủy luôn có năng suất, chất lượng cao, nhanh cho thu hoạch. Ảnh: Mai Linh.

Nhờ thâm canh tốt nên cây lâm nghiệp ở xã Vân Thủy luôn có năng suất, chất lượng cao, nhanh cho thu hoạch. Ảnh: Mai Linh.

Xã Vân Thủy (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) có phong trào trồng rừng rất phát triển, với độ che phủ rừng hiện đạt trên 75%. Hiện nay, người trồng rừng ở đây đã chú trọng áp dụng các giải pháp kỹ thuật, đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, rút ngắn chu kỳ khai thác rừng.

Bà Nông Thị Phân ở Bản Dù (xã Vân Thủy) cho biết, không chỉ cây nông nghiệp mà cây lâm nghiệp cũng phải bón phân mới nhanh lớn, sớm thu hoạch, năng suất, chất lượng đạt gỗ cao. Với 5ha bạch đàn và keo lai, mỗi năm gia đình bà bón từ 3 - 4 tấn NPK các loại. Trong đó, bón lót (trước trồng 30 ngày) 0,5kg/hố, năm thứ 2 cây còn nhỏ thì bón thúc 0,5kg/gốc, sang năm thứ 3 cây lớn phải bón 1kg NPK/gốc (chia 2 lần). Từ năm thứ 4 trở đi, gia đình bà dừng bón phân để chắc cây, tăng chất lượng gỗ, cho thu hoạch cây từ năm thứ 5.

“Nếu không bón phân, bạch đàn trồng 7 - 8 năm mới được thu hoạch gỗ, thông 12 năm mới cho nhựa, năng suất, chất lượng gỗ từ rừng có bón phân cũng cao hơn gấp bội. Rừng thông bón phân đầy đủ thì 9-10 năm đã cho chích nhựa kinh doanh, chu kỳ khai thác nhựa kinh doanh cũng kéo dài hơn 7 năm. Ngược lại nếu không chăm bón, cây thông chỉ cho nhựa được 5 năm”, bà Phân chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Hoàng Văn Vĩnh ở xã Vân Thủy có 10ha rừng cũng cho biết, ngoài bón đủ phân, còn phải chọn trồng giống tốt, cắt tỉa kịp thời, cơ cấu luân canh hợp lý. Ví dụ, rừng keo phải chọn trồng giống keo lai nuôi cấy mô; trồng bạch đàn nên chọn giống bạch đàn lai Cự Vĩ DH32-29; rừng thông chọn giống thông Mã Vĩ. Tốt nhất nên trồng luân canh rừng keo với bạch đàn, vì bạch đàn là cây khai thác đất (rất phàm ăn), keo là cây bồi dục đất do rễ có nhiều nốt sần tự tổng hợp được dinh dưỡng từ không khí bổ dung cho đất.

Chú ý, phải trồng bạch đàn trên đất thịt, tầng canh tác dày, giàu dinh dưỡng mới cho năng suất gỗ cao. Cây keo nuôi cây mô trong 3 năm đầu sẽ phát sinh nhiều cành nhánh, cần cắt tỉa kịp thời, đúng kỹ thuật để cây tập trung dinh dưỡng nuôi thân chính, tăng năng suất, chất lượng gỗ, tăng cao giá trị thu nhập.

“Giống keo nuôi cấy mô trẻ về tuổi sinh lý, bộ rễ khỏe, sau trồng đạt tỷ lệ sống cao, chống chịu sâu bệnh và chống đổ ngã tốt. Mặt khác, do nuôi cấy mô, cây giống không có 2 thân như giâm hom nên giảm thiểu công cắt tỉa, tỷ lệ gỗ loại 1 đạt cao, rút ngắn được chu kỳ trồng kinh doanh rừng từ 10 - 12 năm xuống còn 7 - 8 năm hoặc sớm hơn, tuỳ mục đích lấy gỗ“, ông Hoàng Văn Vĩnh chia sẻ.

Bình luận