Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Bình luận · 16 Lượt xem

Tiếp cận Một sức khỏe yêu cầu sự đồng thuận giữa các Bộ, hỗ trợ tài trợ liên ngành và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu chung.

Thách thức trong phối hợp liên ngành

"Trong khi chính sách ở cấp trung ương có sự phối hợp tương đối tốt, nhiều địa phương vẫn gặp hạn chế", bà Nguyễn Tố Như, Giám đốc dự án USAID "Tăng cường năng lực địa phương trong dự phòng, giám sát và đáp ứng dịch bệnh," nói và cho biết thêm, một số tỉnh như Đồng Nai đã triển khai các kế hoạch hành động phối hợp giữa thú y và y tế, nhưng ở nhiều nơi khác, thông tin và dữ liệu chỉ được chia sẻ khi dịch bệnh đã bùng phát.

Bà Như nhấn mạnh rằng, để xây dựng một hệ thống chia sẻ dữ liệu liên ngành hiệu quả, cũng cần có sự đồng thuận từ hai bộ đồng chủ trì Khung đối tác, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT. Đồng thời, mô hình đội đáp ứng nhanh liên ngành cũng cần được thiết lập để nâng cao khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, chia sẻ sáng kiến Một sức khỏe đã nhận được sự quan tâm lớn ở cấp Trung ương, các nhà nghiên cứu và đối tác phát triển quốc tế. Tuy nhiên, tại địa phương, nhận thức về sáng kiến này còn hạn chế, và thực hành vẫn chưa được triển khai đồng bộ.

Thách thức lớn nhất là làm thế nào để các chính sách và hoạt động trong khuôn khổ các chương trình, dự án có thể đi vào đời sống thực tế, đặc biệt đối với nông dân, người tiêu dùng và chính quyền địa phương. Để giải quyết những bất cập này, cần có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa trung ương và địa phương, đồng thời thúc đẩy tài trợ liên ngành, xây dựng các cơ chế phối hợp hiệu quả và tổ chức truyền thông rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức và khả năng thực hiện ở mọi cấp độ.

Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Theo đại diện từ Ngân hàng Thế giới (WB), nội hàm Một sức khỏe cần tập trung giải quyết các vấn đề như gia tăng nhu cầu đạm động vật, nuôi nhốt động vật hoang dã, và biến đổi khí hậu, những tác nhân chính thúc đẩy bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Trong bối cảnh năm 2030 là thời điểm báo cáo đánh giá về kết quả mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Một sức khỏe không chỉ là một sáng kiến, mà cần trở thành ưu tiên quốc gia với các khung pháp lý ràng buộc mạnh mẽ hơn so với Thông tư 16 hiện tại, để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển.

Một sức khỏe không chỉ là một sáng kiến, mà cần trở thành ưu tiên quốc gia nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Kiều Chi.

Một sức khỏe không chỉ là một sáng kiến, mà cần trở thành ưu tiên quốc gia nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: Kiều Chi.

Cũng trong phiên thảo luận tại Diễn đàn cấp cao Một sức khỏe, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã đưa ra đánh giá kết quả từ các tổ chức trong nước quốc tế cho là phù hợp với khung được phê duyệt nhưng bước sang giai đoạn 2025-2030, sẽ cần cân nhắc một số đề xuất sau:

Một là, các tổ chức quốc tế đều xem việc lây truyền bệnh từ động vật sang người là vấn đề quan trọng. Cần xác định rõ nguồn gốc của các tác nhân gây bệnh, như vi khuẩn, virus, để đưa ra các giải pháp kỹ thuật và đánh giá rủi ro hiệu quả. Việc kết hợp các bộ Y tế, NN-PTNT và TN-MT sẽ giúp xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ, đồng thời đánh giá sự tiến hóa của dịch bệnh qua các giai đoạn, như đã thấy trong trường hợp cúm H5N1.

Hai là, các công tác điều phối là cần thiết, đặc biệt trong việc kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm vì vậy tính đến xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ, số hóa thông tin và tạo ra các công cụ truyền thông hữu ích để các cơ quan, tổ chức quốc tế và ban ngành có thể cập nhật kịp thời và hành động đúng.

Ba là, Chính phủ tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực và định hướng rõ ràng về sự phối hợp giữa các Bộ trong giai đoạn tới, cần phân rõ chức trách và nhiệm vụ để tối ưu hóa hiệu quả điều phối và quản lý.

Bình luận