'Dân công nghệ' bỏ phố về quê khởi nghiệp với đặc sản Hải Phòng

Bình luận · 15 Lượt xem

TPO - Mỗi lần đi qua cánh đồng sực mùi thuốc trừ sâu, anh Nguyễn Sỹ Thắng (SN 1997) sục sôi ý chí, từ bỏ công việc ổn định ở phố, quyết tâm về quê khởi nghiệp với mô hình trồng na bở theo hướng nông nghiệp sạch.

Anh Nguyễn Sỹ Thắng là một trong 36 thanh niên nông thôn tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2024. Đây là giải thưởng cao quý của T.Ư Đoàn nhằm tôn vinh những thanh niên tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp.

"Dân công nghệ" bỏ phố về quê khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên tại xã Liên Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng), sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Thắng lựa chọn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin. Tốt nghiệp Học viện Quản lý giáo dục vào năm 2019, anh đi làm đúng ngành ở một số doanh nghiệp với thu nhập khá ổn định.

Trong thời gian đi học, anh thường tranh thủ ngày nghỉ để về nhà phụ giúp gia đình làm nông nghiệp. Tại thời điểm đó, người dân xã Liên Khê đã chuyển đổi từ trồng lúa sang chuối Tết như nguồn thu nhập chính. Mặc dù na bở là cây ăn quả bản địa, nhưng việc trồng na chỉ mang tính tự cung tự cấp và bán trong Thủy Nguyên để kiếm thêm thu nhập.

Anh Thắng cho biết việc trồng chuối tiêu khá vất vả, đặc biệt vào mùa mưa bão, trong khi đó giá cả lại chỉ cao vào dịp Tết, khiến thu nhập của người dân không ổn định. Nhận thấy cây na rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, anh quyết định thử sức với loại cây bản địa này.

“Na bở là loại trái cây phổ biến tại nhiều tỉnh thành nhưng không phải ở đâu cũng trồng được. Thổ nhưỡng và khí trời tại Liên Khê tạo nên quả na rất thơm ngon, mang hương vị đặc trưng. Vì thế, tôi muốn khai thác lợi thế này để không chỉ phát huy được đặc sản địa phương, mà còn giúp người dân không còn bị động với nguồn thu từ chuối Tết nữa”, anh nói.

'Dân công nghệ' bỏ phố về quê khởi nghiệp với đặc sản Hải Phòng ảnh 1
Anh Thắng là người tiên phong phát triển mô hình trồng na bở Liên Khê theo hướng hữu cơ.
 

Tuy nhiên, việc khởi sự không hề dễ dàng bởi từ trước đến nay, người dân trong xã chủ yếu trồng na theo phương pháp truyền thống, sử dụng nhiều phân bón hóa học và thiếu các kỹ thuật chăm sóc đúng cách. Điều này không chỉ khiến đất đai dần bạc màu, ảnh hưởng đến sản xuất lâu dài mà còn khiến chất lượng quả na không đồng đều, khó cạnh tranh trên thị trường.

Nhận thức được những hạn chế này, anh và gia đình quyết định tiên phong chuyển đổi sang mô hình trồng na hữu cơ, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. “Mỗi lần đi qua cánh đồng sực mùi thuốc trừ sâu, tôi lại càng quyết tâm phát triển một mô hình na bở hữu cơ hoàn toàn để bảo vệ sức khỏe cho người dân làm nông”, chàng trai Hải Phòng nói.

 
 
 
 
 
 
 
 
  •  
  •  
  •  
  •  
'Dân công nghệ' bỏ phố về quê khởi nghiệp với đặc sản Hải Phòng ảnh 2

Anh Nguyễn Sỹ Thắng là 1 trong 36 thanh niên nông thôn tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2024.

 
 
 

"Vật lộn" mới làm được nông nghiệp sạch

Lúc này, để có phân bón hữu cơ, anh mở rộng trang trại nuôi gà để tận dụng chất thải bón cho na. Anh cũng tự chế thuốc trừ sâu sinh học từ tỏi, ớt, gừng để thử nghiệm. Kết quả, nhiều cây na bở bị đen lá, không quang hợp được dẫn đến rụng quả sớm. Nguyên nhân là bởi lúc này anh chưa biết cách điều chỉnh định lượng, khoảng cách và thời gian phun thuốc phù hợp.

Hằng năm, anh đều đặn đưa mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm để “nắn nót” từ từ sao cho số liệu thử nghiệm ngày càng chuẩn nhất. Năm 2017, vườn na bở nhà anh đã đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Thời gian đầu khởi nghiệp, nhiều lần anh Thắng cảm thấy áp lực và hoang mang với hàng loạt câu tự vấn: Liệu quả na mình làm ra có tốt không; Phân phối sản phẩm như thế nào; Na bở có tìm được chỗ đứng trên thị trường không? Bởi lúc này người tiêu dùng vẫn còn chuộng na dai, bước đầu thâm nhập thị trường chính ở Hà Nội của na bở Liên Khê khá chật vật.

Điều đáng mừng là sau 1 - 2 năm, khi nhận thấy rõ tiềm năng và hiệu quả kinh tế mà cây na mang lại, người dân trong xã đã đồng loạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không còn bám trụ với cây chuối Tết nữa mà tập trung phát triển na bở. Theo anh Thắng, một phần của thành công này là nhờ Hợp tác xã đã đóng vai trò như đầu mối bao tiêu sản phẩm, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Không phụ sức người, cây na ngày càng sai trĩu, quả to tròn, căng mọng, hương vị thơm ngọt đặc trưng. Nhờ na bở, thu nhập của người dân Liên Khê cải thiện đáng kể.

Về phía anh Thắng, từ 100 gốc ban đầu, gia đình anh đã nhân rộng lên gần 800 gốc, mang về doanh thu hàng năm lên đến 1 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng. Thành quả này đã được ghi nhận khi na bở Liên Khê vinh dự đạt chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2021, cũng chính lúc này anh quyết định dừng công việc ở Hà Nội để về quê hẳn.

'Dân công nghệ' bỏ phố về quê khởi nghiệp với đặc sản Hải Phòng ảnh 3

Anh Thắng đang ấp ủ ý tưởng chế biến na bở thành các sản phẩm khô như na sấy thăng hoa, na đóng hộp để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Anh Thắng chia sẻ, giai đoạn giãn cách xã hội do COVID-19 là “kỷ niệm” vất vả nhất trong quá trình trồng na đến nay. Lúc này, số lượng xe khách lên Hà Nội gần như hiếm hoi nên chi phí vận chuyển tăng cao khiến giá phân phối sản phẩm cũng bị đội lên đáng kể. Nhiều hôm, anh và gia đình phải đi cắt na vào 12 giờ đêm để kịp những chuyến xe lên Hà Nội vào sáng sớm. Bất cứ khi nào có xe, anh lập tức vượt 30km để chở na sang bến cho kịp thời gian khởi hành.

“Cái khó của nông sản hữu cơ là thời gian bảo quản. Vì không dùng bất kỳ hóa chất bảo quản nào nên na bở chín theo giờ, chỉ cần chậm một buổi thôi quả na sẽ không còn giữ được độ tươi ngon như ban đầu”, chàng trai trẻ nói.

Để khắc phục điều đó, anh Thắng đang ấp ủ ý tưởng chế biến na bở thành các sản phẩm khô như na sấy thăng hoa, na đóng hộp. Điều này sẽ giúp na bở Liên Khê có thể đến được với nhiều khách hàng hơn, không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Hiện tại, sản phẩm tươi của anh đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, chủ yếu ở miền Bắc và TPHCM, và mới đây đã xuất được 2 đơn sang Singapore.

Đối với anh Thắng, niềm tự hào lớn nhất là đã có thể đưa đặc sản của quê hương đến với nhiều người tiêu dùng hơn, qua đó mang lại giá trị kinh tế cho địa phương.

Anh Thắng tin rằng, thanh niên là lực lượng chủ chốt và quan trọng, quyết định sự phát triển của kinh tế đất nước. Do đó, lực lượng này cần hiểu rõ sứ mệnh tiên phong, sáng tạo, sẵn sàng nắm bắt cơ hội để khởi nghiệp và phát triển. “Khởi nghiệp nông nghiệp đòi hỏi người trẻ phải có niềm đam mê, nguồn động lực vững chắc. Bên cạnh đó, thanh niên cần trang bị cho mình sức bền để luôn sẵn sàng học hỏi và chấp nhận được sự vất vả, khó khăn”, anh nhấn mạnh.

Là Phó Bí thư đoàn xã Liên Khê, anh Thắng cho biết bản thân luôn khuyến khích thanh niên địa phương khởi nghiệp theo đam mê và sở thích, bên cạnh đó anh cũng sẵn sàng cung cấp cây giống cho bà con các tỉnh có nhu cầu học hỏi và nhân rộng mô hình.

Chia sẻ về dự định tương lai, chàng trai trẻ mong muốn có thể kết nối các thanh niên khởi nghiệp trên cả nước để cùng nhau chia sẻ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau phát triển, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị hơn nữa.

Bình luận