Để HTX phát huy hiệu quả trên đất nông nghiệp

Bình luận · 14 Lượt xem

Nhu cầu xây dựng nhà kho, cơ sở chế biến, sơ chế, lán trại… trên đất nông nghiệp là không hề nhỏ đối với các HTX. Hiện Luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ những khó khăn này nhưng rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ c

Kể từ khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, nhiều HTX hy vọng về những quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể trong việc có thể xây dựng một số công trình trên đất nông nghiệp để tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đứng ngồi không yên

Tuy nhiên, đến nay, ngoài việc các văn bản hướng dẫn cụ thể về thi hành Luật đất đai vẫn chưa được ban hành đầy đủ còn có sự vào cuộc chậm trễ, chưa thực sự tích cực của một số địa phương khiến không ít HTX “đứng ngồi không yên” vì những khó khăn trong đầu tư công trình trên đất nông nghiệp tưởng như được tháo gỡ nhưng lại chưa thực sự đi vào thực tiễn.

HTX nông nghiệp Công Sơn (Lạng Sơn) cho biết hiện tỉnh đã có quy định cho phép xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích xây dựng công trình phụ trợ không quá 5% tổng diện tích đất, tối đa không quá 5.000 m2. Nhưng việc triển khai tại xã vẫn chưa thực sự được diễn ra. Khi HTX đặt vấn đề với chính quyền địa phương vẫn nhận được những câu trả lời chưa rõ ràng về thủ tục.

Ngoài ra, đến thời điểm hiện nay, ở cấp độ tỉnh, thành phố, nhiều địa phương giống như Lạng Sơn đã có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể cho phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp như Lâm Đồng, TP HCM, Hải Dương… nhưng về phía các HTX vẫn thấy còn những khó khăn nhất định trong thực tiễn triển khai.

Cụ thể như tại TP HCM có quyết định quy định xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp về diện tích, còn quy định rõ là quy định này không áp dụng cho đất trồng lúa. Đi kèm với đó là những quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo công trình không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và hạ tầng khu vực.

-3173-1733393185.jpg

Nhu cầu xây dựng công trình phụ trợ là rất lớn với HTX.

Điều này được đại diện của tổ hợp tác trồng lúa xã Hưng Long (huyện Bình Chánh, TP HCM) cho rằng có thể cây lúa không phải là thế mạnh của thành phố,  nhưng xã Hưng Long vẫn đang phát triển cánh đồng lúa hữu cơ. Nếu địa phương sớm có chính sách cho phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất trồng lúa cũng sẽ phát huy giá trị của việc vừa sản xuất lúa, vừa làm du lịch nông nghiệp, giúp người dân gia tăng lợi nhuận trong nông nghiệp.

Đơn cử như trong quy định mức 1% tổng diện tích đất nông nghiệp, với diện tích xây dựng không vượt quá 50m² (TP HCM) hay tùy vào diện tích mà HTX có thể xây dựng công trình phụ trợ từ 25m2 đến không quá 100m2 (như ở Đồng Nai) được cho rằng là dù đã linh động hơn nhưng nhìn chung mới chỉ phù hợp với những mô hình sản xuất nhỏ. Còn với những HTX có diện tích sản xuất lớn, chuyên canh cánh đồng lớn với hàng trăm ha thì chưa thực sự phù hợp.

Theo bà Đặng Thúy Nga, Giám đốc HTX Xuân Định (Đồng Nai), nói là công trình phụ trợ nhưng cũng phải đáp ứng được những yêu cầu trong sản xuất từ chứa phân bón, máy móc, đồ dùng đến nhà sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Đó là chưa nói đến những HTX còn kết hợp làm du lịch nông nghiệp phải xây dựng các cơ sở đón tiếp khách trải nghiệm, nấu ăn, nghỉ ngơi… Nên nếu quy định không vượt quá 100m2 cho công trình phụ trợ là chưa thực sự hợp lý với những mô hình này.

Vẫn chưa mạnh dạn đầu tư

Rõ ràng nếu như việc xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp chưa cho phép trong Luật Đất đai 2013 thì nay điều này đã được quy định trong Luật Đất đai 2024. Đặc biệt, với quy định đất đa mục đích giúp HTX có đất nông nghiệp có thể nuôi thuỷ sản, chăn nuôi hay làm du lịch.

Nhưng thực trạng hiện nay cho thấy, mới chỉ có một số địa phương quan tâm, hỗ trợ HTX tiếp cận quy định mới này của Luật đất đai 2024. Bên cạnh đó, một số địa phương đã có quy định cụ thể hơn về việc hướng dẫn, thực hiện quy định về cho phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp nhưng rất chặt chẽ và có phần chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của một số HTX.

Theo giới chuyên gia, việc quy định chặt chẽ về cách thức xây dựng, diện tích, cấu trúc… của một số địa phương trong xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp là nhằm đảm bảo công trình không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và hạ tầng khu vực xung quanh.

Nhưng hiện nay, việc phát triển sản xuất trên quy mô lớn đang được ngành nông nghiệp khuyến khích nên nếu các quy định này quá chặt chẽ cũng dẫn tới tình trạng các HTX không mạnh dạn đầu tư nông nghiệp theo chiều sâu, chỉ làm tạm bợ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng không mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, khó xây dựng được lòng tin với khách hàng.

Sau hơn 4 tháng kể từ khi Luật Đất đai 2024 đi vào thực tiễn, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương vẫn rất chậm trễ.

Theo thống kê của bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã có 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Nhưng đến cuối tháng 10/2024, mới có 2 địa phương ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Vẫn có địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ phát công điện số 124/CĐ-TTg đôn đốc địa phương ban hành văn bản thi hành luật đất đai 2024 theo thẩm quyền trong tháng cuối năm 2024. Các HTX mong rằng sự quyết liệt của Chính phủ sẽ phần nào tháo gỡ được những khó khăn cho mô hình này trong tiếp cận Luật Đất đai trong đầu tư công trình phụ trợ, từ đó thúc đẩy HTX trong ngành nông nghiệp, du lịch nông nghiệp phát triển.

Huyền Trang

Bình luận