Giá đất ở đang rất cao nhưng mọi người biết về đất rất sơ sài

Bình luận · 18 Lượt xem

Theo PGS.TS Phạm Quang Hà – nguyên Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, nhiều người đang hiểu rất lơ mơ về đất.

Phải thay đổi tận gốc cách giáo dục về đất

Theo ông PGS.TS Phạm Quang Hà nhiều người đang hiểu rất lơ mơ về đất nên phải thay đổi cơ bản về nội dung đào tạo, thông tin về đất, giáo dục từ mầm non đến đại học. Sức khỏe đất là nội dung rất lớn liên quan đến tầm thế giới, loài người. Đất có nhiều chức năng: Thứ nhất là chức năng hành chính và lãnh thổ, tức là phải có đất mới sinh ra làng xã, sinh ra tổ quốc. Con người muốn sống được phải sống trên một mảnh đất nào đó. Những người sống ở trên sông, trên biển vẫn phải định cư ở một mảnh đất, nếu như định cư trong một làng bị xói lở hoặc một vùng đất bị ô nhiễm thì không an toàn.

PGS.TS Phạm Quang Hà. Ảnh: Dương Đình Tường.

PGS.TS Phạm Quang Hà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Thứ hai là chức năng dinh dưỡng, trồng cây nuôi sống con người rồi các con vật ăn cỏ ở trên đó và cả các sinh vật trong lòng đất. Nếu một vùng đất bị nhiễm độc, các sinh vật đất không phát triển được, đất sẽ chết hoặc có rất nhiều mầm bệnh.

Thứ ba là chức năng điều hòa vòng tuần hoàn nước, tức đất giúp hạn chế thủy phần. Chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh là một cuộc đấu tranh giữa người với đất và với thủy thần. Nếu quản lý đất rừng không tốt thì sẽ dẫn đến vòng tuần hoàn nước không tốt gây ra xói lở, sụt lún, lũ quét, lũ bùn. Việc này không chỉ gây ra ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều làng mạc, thành phố vì thế đã chìm sâu vào trong lòng đất.

Bài liên quan

Tất cả những vấn đề gì liên quan đến biến đổi khí hậu thì đều dẫn đến sự rối loạn về vòng tuần hoàn nước. Mưa với cường độ quá cao trong một thời gian ngắn, dồn dập trên phạm vi rộng hoặc hạn kéo dài nhiều tháng liên tục, hay cả năm không có lấy một giọt mưa... Khó có thể hình dùng những bất ổn nào sẽ xảy ra nếu những đập thủy điện bị vỡ hoặc bị khô hạn.

Thứ tư là duy trì vòng tuần hoàn carbon, đất giúp cố định carbon, giảm phát thải khí nhà kính. Chức năng này tạo ra mối quan hệ hữu cơ giữa đất, cây và khí hậu. “Đất vắng cây đất ngừng hơi thở, cây vắng đất cây sống với ai”. Tạo hóa có một phải ứng vĩ đại nhất là phản ứng quang hợp, giúp chuyển khí carbon và nước thành đường là nguồn năng lượng cho muôn loài. Mặt khác tạo ra oxy để muôn loài thở, duy trì và phát triển sự sống...

Sức khỏe đất đang là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Sức khỏe đất đang là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Bài liên quan

Thế giới bàn những chuyện lớn như thế và họ gọi đó là sức khoẻ đất. Sức khỏe đất là gì? Sức khỏe đất là đất ở trạng thái khỏe để đảm đương được các chức năng của mình. Nó giống như sức khoẻ của con người là anh phải đủ khỏe để làm được các chức năng thể thao, chức năng học tập, chức năng văn hoá và các chức năng sinh tồn khác.

Vừa rồi Liên đoàn các Hội Khoa học đất Đông và Nam Á gồm 16 quốc gia đã tổ chức hội nghị về chủ đề sức khỏe đất để phát triển bền vững tại Thái Nguyên. Rất nhiều nước năm nay sẽ kỷ niệm Ngày Đất thế giới (5/12) về chủ đề sức khỏe đất. Ngày 6/12 tại Cần Thơ, Đại học Cần Thơ cùng Hội Khoa học đất tổ chức Ngày Đất thế giới, trong đó có nội dung về đào tạo nguồn lực khoa học đất, bảo đảm sức khỏe đất để phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Hà cho rằng cần phải thay đổi nội dung đào tạo và truyền thông về đất: "Mọi người đều biết giá đất ở vừa rồi lên rất cao nhưng biết về đất rất sơ sài. Khi ta làm định giá đất, ta chưa tính đến các chức năng phổ quát của đất trong quy hoạch sử dụng đất. Thực chất mà nói khoa học đất đã phải nằm trong môn địa lý nhưng nó nặng về hành chính, về địa chất mà quên đi cái đất rất bình thường, rất gần gũi với con người.

Lấy mẫu đất để kiểm tra chất lượng.

Lấy mẫu đất để kiểm tra chất lượng.

Bài liên quan

Về cơ bản là mọi người không được học về đất, chưa được "xóa mù" về đất nên hiểu về đất rất lơ mơ. Không hiểu đất tốt là gì, không hiểu đất xấu là gì, không hiểu đất bờ xôi ruộng mật là gì. Đó là sự thiếu kiến thức đại chúng về đất.

Còn những kiến thức về khoa học đất có gì? Một giáo trình thổ nhưỡng cho sinh viên trong 4 năm chỉ học về vật lý đất, hóa học đất và một tí sinh học đất mà quên mất bốn chức năng chính của đất, chỉ dừng ở mỗi chức năng dinh dưỡng cây trồng. Bởi thế, phải thay đổi cơ bản về giáo dục khoa học đất, từ phổ thông cho đến đại học, đặc biệt ở chương trình đại học.

Và từ giáo dục mầm non, khi trẻ con tập đi bò trên đất thì phải có phương pháp giảng dạy cho các cháu làm quen. Phải tìm hiểu làm sao để trẻ em coi đất (cũng như nước và không khí) là một bộ phận phải sống hòa thuận, giống như cái giường, ngôi nhà, hàng xóm của mình chứ không phải chỉ là vấn đề dinh dưỡng cây trồng như Việt Nam đang quan tâm".

Giữ đất là làm khỏe đất chứ không phải là cất trong hòm

Ông Hà nói tiếp, thế giới người ta đang bàn chuyện phải thay đổi nền giáo dục về đất, trong đó gắn với đào tạo và truyền thông. Đào tạo mà không biết để làm gì, đào tạo cho ai là hỏng. Ngay như ở Việt Nam, đưa một ông ở đồng bằng lên miền núi quản lý, đưa một ông ở miền núi xuống đồng bằng hay về thành phố quản lý thường là thất bại.

Lấy mẫu côn trùng để nghiên cứu.

Lấy mẫu côn trùng để nghiên cứu.

Bài liên quan

Ngày xưa có chuyện một số bà con ở miền Bắc di dân vào miền Nam, đào đất phèn lên là hỏng vì canh tác đất phèn nó rất khác, đào lên là đưa chất chua lên, đưa chất độc lên thì cây sống làm sao được. Trong bài ca Vỡ đất có những câu: “Chúng ta đoàn áo vải. Sống cuộc đời rừng núi bấy nay. Ðồng xanh ta thiếu đất cày. Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng. Tháng ngày ta góp sức chung. Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây... Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Phá rừng mà trồng cây lương thực là không đúng, chỉ được vài vụ đầu, sau đó sẽ hỏng. Ở dưới đồng bằng chuyện cày xới đất là rất tốt vì để làm lúa nước nhưng trên miền núi lại không cần phải cày xới bởi càng cày xới càng làm cho đất xói mòn là hỏng. Chúng ta đã có kinh nghiệm và bài học về chuyện này, nhưng chúng ta vẫn chưa hành động đúng như truyền thống giữ đất giữ làng, giữ nước. Giữ đất tức là phải bảo đảm cho nó khỏe, mạnh để phát triển, chứ không phải là cất đi trong rương, trong hòm.

Nhà quản lý học về quản lý, học về quan hệ xã hội, học về triết học, học về tôn giáo, nhưng lại không học về đất ở các khía cạnh lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội, môi trường của vùng lãnh thổ mình đang quản lý.

Cho nên khoa học đất thế giới bây giờ đã đưa ra những giải thưởng như giải thưởng thông tin về đất đại chúng, giải thưởng đổi mới sáng tạo, giải thưởng về thông tin dành cho những ai giúp phổ biến rộng rãi nhất, dễ tiếp thu nhất về chức năng của đất, làm cho đất khỏe, đóng góp cho sự phát triển bền vững của nơi mình đang sống, trong khu vực và toàn cầu. Vừa rồi ở Việt Nam giải VinFuture năm 2022 cũng có 1 giải thưởng cho nhà khoa học đất về bài giảng thông tin đại chúng và các công trình làm đất thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bình luận