Biến thách thức thành lợi thế

Bình luận · 29 Lượt xem

Mưa lũ gây thiệt hại lớn đến ngành nông nghiệp Thái Nguyên nhưng cũng giúp bồi đắp phù sa giúp rửa chua phèn, bồi bổ dinh dưỡng cho đất để sản xuất vụ đông.

"Hà hơi tiếp sức" cho sản xuất vụ đông

Đợt mưa lũ sau bão số 3 khiến 4 sào lúa của gia đình bà Dương Thị Miền trú tại xóm Kén, xã Nga My, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) bị mất trắng. Sau khi nước rút, bà Miền bắt tay ngay vào dọn dẹp và vệ sinh đồng ruộng để xuống giống ngô vụ đông.

“Vụ đông này đầu tư rất lớn, nào thì tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật, công bơm nước... Mỗi sào tôi gieo 5 lạng ngô giống, hi vọng mỗi sào sẽ cho thu hoạch khoảng 1,7 tạ ngô hạt để bán kiếm thêm thu nhập, bù lỗ lại phần nào cho vụ mùa mất trắng”, bà Miền nói.

Theo cán bộ khuyến nông xã Nga My, giống ngô biến đổi gen được bà con trong xã đưa vào sản xuất trong vụ đông năm nay có khả năng chống đổ tốt, ngoài ra còn chống chịu tốt với nhiều loại sâu bệnh như đốm lá, sâu đục thân..., phù hợp trước điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa ít. Thời điểm khô hanh như hiện nay, bà con đang rất tích cực bổ sung nước tưới vào đồng ruộng.

Ông Dương Văn Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, nhờ các nguồn lực khác nhau, vụ đông 2024, địa phương triển khai hỗ trợ khoai tây giống và phân bón các loại cho các hộ nghèo.

“Xã tuyền truyền người dân tích cực canh tác cây vụ đông để đảm bảo lượng lương thực dịp cuối năm và bù đắp cho thiệt hại do bão số 3. Cùng với đó, tăng cường tu sửa, nạo vét kênh mương, đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất, nhất là nhu cầu nước tưới cho cây rau và ngô trên đất 2 lúa, đặc biệt là thời kỳ ngô trổ cờ, phun râu. Có phương án chủ động ứng phó khi xảy ra mưa lớn, lũ gây ngập úng”, ông Tiệp nhấn mạnh.

Cùng với cây ngô, nông dân huyện Phú Bình cũng tập trung canh tác nhiều loại rau màu. Ảnh: Quang Linh.

Cùng với cây ngô, nông dân huyện Phú Bình cũng tập trung canh tác nhiều loại rau màu. Ảnh: Quang Linh.

Để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất, nhất là đối với các hộ nghèo, huyện Phú Bình đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất cây vụ đông 2024. Từ các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, 271 hộ nghèo, cận nghèo tại các xã Nhã Lộng, Tân Kim, Bảo Lý, Đào Xá, Lương Phú, Thanh Ninh, Dương Thành và Tân Đức được hỗ trợ 23 tấn khoai tây giống.

Theo kế hoạch, diện tích gieo trồng cây vụ đông của tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 10.280ha. Trong đó 3.690ha ngô, 6.590ha rau màu các loại. Đến nay, các chỉ tiêu đều vượt so với kế hoạch đề ra. 

Lợi thế phù sa bồi đắp

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình nhận định, đợt lũ sau bão số 3 gây thiệt hại nặng nề đối với ngành nông nghiệp huyện Phú Bình, nhất là tại các khu vực sản xuất ven sông Cầu. Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực, lũ về mang lại nguồn phù sa quý giá cho đồng ruộng.

Tại huyện Phú Bình, cây ngô thường được sản xuất trên đất 2 vụ lúa và là một trong những cây vụ đông quan trọng của địa phương. Với phương trâm “sáng lúa, chiều ngô”, huyện Phú Bình đã thu hoạch nhanh gọn lúa mùa để trồng cây vụ đông đúng thời vụ, áp dụng cơ cấu giống phù hợp và tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật.

Cánh đồng ngô vụ đông tại xã Nga My, huyện Phú Bình. Ảnh: Quang Linh.

Cánh đồng ngô vụ đông tại xã Nga My, huyện Phú Bình. Ảnh: Quang Linh.

“Lũ tràn vào đồng ruộng giúp rửa chua phèn, bồi bổ dinh dưỡng cho đất canh tác bị bạc màu sau quá trình thâm canh tăng vụ. Do đó, ngày sau khi lũ rút, ngành nông nghiệp huyện Phú Bình đã phối hợp với các xã cùng người dân vệ sinh đồng ruộng, sớm bắt tay vào canh tác vụ đông để tận dụng nguồn phù sa màu mỡ”, ông Khiêm cho hay.

Trước bối cảnh thời tiết khô hanh, tiềm ẩn nguy cơ dịch hại bùng phát trên cây trồng vụ đông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình đã khuyến cáo bà con có kế hoạch tưới thường xuyên, đảm bảo cung cấp đủ nước cho đồng ruộng. Vừa qua, huyện Phú Bình đã tổ chức nhiều lớp tập huấn xử lý đất, phục hồi cây trồng bị thiệt hại sau khi lũ rút bằng các giải pháp an toàn, chế phẩm sinh học.

Theo đó, khuyến cáo bà con chọn trồng giống ngô chống chịu sâu đục thân, đốm lá, sâu keo mùa thu… Gieo trồng đúng thời vụ, không trồng rải rác để tránh tạo nguồn thức ăn cho sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác.

Trong trường hợp xuất hiện sâu bệnh hại, bà con cần thực hiện bắt sâu bằng tay, ngắt ổ trứng đem tiêu hủy. Khi mật độ sâu cao, cần báo cho cán bộ nông nghiệp để được hướng dẫn sử dụng thuốc phun hoặc rắc vào gốc cây ngô.

Nông dân dùng máy bơm bổ sung nước tưới khi thời tiết khô hanh. Ảnh: Quang Linh.

Nông dân dùng máy bơm bổ sung nước tưới khi thời tiết khô hanh. Ảnh: Quang Linh.

“Bà con cần bón cân đối N-P-K để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng. Thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với các xã, thị trấn thành lập các tổ trồng trọt và bảo vệ thực vật xuống đồng ruộng kiểm tra, hỗ trợ bà con phòng trừ sâu bệnh hại cây vụ đông. Cùng với đó, khuyến khích bà con sử dụng các loại phân hữu cơ, men vi sinh để cải tạo sức khoẻ đất”, ông Khiêm lưu ý.

Diện tích gieo trồng vượt kế hoạch

Theo ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên, sau khi lũ rút, cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp đã khẩn trương khắc phục hậu quả, thu hoạch vụ mùa, chuẩn bị diện tích canh tác, cải tạo đất để xuống giống cây vụ đông năm 2024 kịp thời vụ.

Đến nay, diện tích gieo trồng cây ngô vụ đông ước đạt 3.709/3.690ha, bằng 100,5% so với kế hoạch đề ra; diện tích gieo trồng rau các loại cũng vượt 3,1% so với kế hoạch, đạt 6.792/6.590ha.

"Các địa phương đều nhận thấy rõ tầm quan trọng của sản xuất vụ mùa gắn với vụ đông nên hầu hết đã xây dựng kế hoạch bố trí cơ cấu lúa mùa sớm trong khung thời vụ để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất cây vụ đông. Số lượng, chủng loại và cơ cấu giống cây trồng cung cấp cho vụ đông được chuẩn bị khá phong phú, đáp ứng đầy đủ nguồn cung, tạo điều kiện cho bà con nông dân lựa chọn", ông Nguyễn Tá cho biết.

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục duy trì các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông. Các phương thức hỗ trợ cũng được đổi mới, kịp thời và phù hợp để khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư phát triển sản xuất.

Trước bối cảnh thời tiết khô hanh, mưa ít từ tháng 10 tới nay, ông Tá lưu ý bà con cần thực hiện tốt khuyến cáo của ngành chức năng về dự tính, dự báo sâu bệnh định kỳ 7 ngày/lần trên tất cả các loại cây trồng. 

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam về sản xuất vụ đông 2024. Ảnh: Quang Linh.

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam về sản xuất vụ đông 2024. Ảnh: Quang Linh.

Đối với cây rau, hoa các loại, cần tăng cường quay vòng đối với rau thuộc nhóm rau thập tự để tăng số lứa, đồng thời bố trí cơ cấu giống rau ưa lạnh chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao.

Đối với cây chè, khuyến khích tăng đầu tư thâm canh, tăng diện tích áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tận dụng những vùng sản xuất chè chủ động được nguồn nước tưới để tăng diện tích chè vụ đông.

Đối với cây ăn quả, lựa chọn các cây có giá trị kinh tế cao để tập trung các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất như na rải vụ, ổi thâm canh, tập trung sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, áp dụng các biện pháp kỹ thuật  như bón phân hữu cơ, cắt tỉa cành, cắt tỉa quả, bọc quả... để cho năng suất, mẫu mã quả đẹp, chất lượng tốt.

Đặc biệt, bà con cần ưu tiên sử dụng các giống khoai tây có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng củ giống theo quy định, giống sạch bệnh.

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên đề nghị các địa phương từng bước quy hoạch các vùng sản xuất cây vụ đông, sản xuất tập trung theo từng cánh đồng, theo khu vực.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống kênh mương, hồ đập, xây dựng, củng cố thêm hệ thống thuỷ lợi tốt để chủ động tưới tiêu trên đồng ruộng, nhưng cần phải có kế hoạch chủ động trữ nước đệm ao, hồ, mương để có thể tưới cho diện tích cây vụ đông.

Bình luận