Dân vùng biên mê nông nghiệp sạch: [Bài 4] Phòng trừ hiệu quả sinh vật hại sầu riêng bằng giải pháp sinh học

Bình luận · 23 Lượt xem

Nông dân Bù Đốp ngày càng chú trọng sử dụng giải pháp sinh học để phòng trừ sinh vật gây hại trên cây sầu riêng nhằm bảo vệ sức khỏe cây trồng và môi trường.

Những năm gần đây, sầu riêng trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao, thậm chí cao nhất trong các loại cây ăn quả. Thay vì chạy theo sản lượng như trước đây, nhiều nhà vườn đã chọn phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững.

Vườn sầu riêng áp dụng giải pháp sinh học trong canh tác của gia đình anh Huy. Ảnh: Trần Trung.

Vườn sầu riêng áp dụng giải pháp sinh học trong canh tác của gia đình anh Huy. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Với diện tích đất đỏ bazan màu mỡ, địa hình dốc thoải phù hợp với đặc tính phát triển của cây sầu riêng, nhiều nông dân Bình Phước nói chung, huyện biên giới Bù Đốp nói riêng đã chọn cây trồng này làm cây chủ lực để phát triển kinh tế.

Thay vì sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học một cách vô tội vạ, đúc kết bài học từ việc từng phát triển nóng cây hồ tiêu - một thời được xem là “vàng đen” của địa phương, bà con ở Bù Đốp đã chú trọng hơn đến các giải pháp sinh học trong canh tác sầu riêng, hướng tới phát triển bền vững.

Dưới sự hỗ trợ tích cực từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, vườn sầu riêng 2ha của anh Phạm Bá Huy ở ấp Tân Phước, xã Tân Tiến được xem là mô hình sầu riêng kiểu mẫu, đã và đang được nhân rộng.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp tập huấn canh tác sầu riêng bằng giải pháp sinh học tại vườn anh Huy. Ảnh: Trần Trung.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp tập huấn canh tác sầu riêng bằng giải pháp sinh học tại vườn anh Huy. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Theo chân cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đến thăm vườn của anh Huy, chúng tôi thực sự mãn nhãn bởi màu xanh của những rừng cao su, điều, tiêu bạt ngàn xen lẫn vườn sầu riêng xanh ngát, đang chuẩn bị ra hoa, kết quả. Đây là minh chứng cho nỗ lực thay đổi phương thức sản xuất của gia đình anh Huy và nhiều người dân nơi đây.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn, anh Huy vui vẻ chia sẻ quy trình canh tác để tạo ra những quả sầu riêng sạch, đảm bảo sức khỏe cho người trồng và người tiêu dùng.

Theo anh Huy, sầu riêng không phải là cây dễ trồng, nhưng nếu có giải pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, việc canh tác sẽ mang lại kết quả tốt. Hai bệnh phổ biến và khó trị nhất trên cây sầu riêng là bệnh thối thân xì mủ do nấm Phytophthora gây ra và sâu đục thân do xén tóc gây hại.

Anh Huy chia sẻ bí quyết tự ủ đạm cá để bón cho vườn sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

Anh Huy chia sẻ bí quyết tự ủ đạm cá để bón cho vườn sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

Bài liên quan

Thay vì dùng thuốc BVTV hóa học, ngay từ khi xuống giống, anh Huy đã chú trọng xử lý đất bằng chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng, tăng cường bón lót phân chuồng để tạo nền tảng cho vi sinh vật có lợi phát triển.

Vườn trồng được thiết kế thoát nước tốt. Trong quá trình cây phát triển, anh tận dụng cá tạp tại địa phương ủ thành đạm cá để bón cho cây, định kỳ trước và sau thu hoạch tưới vi sinh và chế phẩm sinh học giúp đất khỏe, cây kháng bệnh tốt.

Đối với xén tóc, đây là loài côn trùng khi trưởng thành thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn vào đầu mùa mưa, thức ăn chủ yếu là mật, phấn hoa hoặc các phần non của đọt cây. Con cái đẻ trứng tại chảng ba của cây, các vết nứt hoặc vết thương trên thân cây. Ấu trùng sau khi nở bắt đầu hoạt động dưới bề mặt vỏ cây, chui vào trong thân và cành cây, đục thành các đường hầm quanh co không đều nhau, ăn các mô mềm tại đây.

Khi đủ lớn, chúng chui ra ngoài đường hầm và làm nhộng ngay dưới vỏ cây. Ấu trùng gây hại không thải phân ra ngoài đường hầm nên rất khó phát hiện. Để tiêu diệt loài gây hại này, anh Huy đã áp dụng giải pháp bẫy đèn, tiêu diệt những con xén tóc trưởng thành trước khi chúng sinh sôi nảy nở.

Bẫy xén tóc bằng đèn được xem giải pháp tối ưu phòng trừ sâu đục thân mà anh Huy đang áp dụng. Ảnh: Trần Trung.

Bẫy xén tóc bằng đèn được xem giải pháp tối ưu phòng trừ sâu đục thân mà anh Huy đang áp dụng. Ảnh: Trần Trung.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đánh giá, giải pháp sinh học trong phòng trừ dịch hại trên cây sầu riêng có tiềm năng lớn, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nông sản an toàn. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, cần kết hợp các giải pháp sinh học với các phương pháp can thiệp khác, đồng thời cần đào tạo và hỗ trợ nông dân sử dụng các biện pháp này.

“Giải pháp sinh học không chỉ mang lại lợi ích cho cây trồng, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó góp phần phát triển cây sầu riêng bền vững,” Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc nhấn mạnh.

Bình luận