Mất mùa, rớt giá, người trồng sắn ở Gia Lai lỗ nặng

Bình luận · 20 Lượt xem

Vụ sắn năm nay, không ít hộ trồng sắn ở tỉnh Gia Lai đang canh cánh nỗi lo thiệt đơn thiệt kép do sắn mất mùa, giá lại giảm sâu.

Giá thấp, năng suất thấp

Xã biên giới Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) hiện có khoảng 400ha trồng sắn. Từ tháng 10 đến nay, người trồng sắn nơi đây bắt đầu thu hoạch sắn lỡ vụ (sắn trồng 2 năm). Ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu cho biết trên địa bàn xã có 5 cơ sở thu mua sắn nên rất thuận lợi cho người dân tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Nhưng vì giá sắn tươi hiện xuống quá thấp nên nhiều hộ không thu hoạch vì sợ lỗ.

Gia đình ông Triệu Chằn Nần (thôn Pắc Pó, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) thuê 5ha đất trồng sắn với giá 12- 15 triệu đồng/ha. Thời điểm này năm ngoái, sắn tươi được thương lái thu mua với mức 3.200 - 3.400 đồng/kg tùy theo độ tinh bột. Năm nay, giá sắn tươi chỉ còn 1.700 - 2.000 đồng/kg.

Nhiều hộ dân trồng sắn ở xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) đang lo thất thu do sắn mất mùa, mất giá. Ảnh: ĐL. 

Nhiều hộ dân trồng sắn ở xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) đang lo thất thu do sắn mất mùa, mất giá. Ảnh: ĐL. 

Từ đầu tháng 10/2024 đến nay, gia đình ông đã thu hoạch được 2ha, sau khi trừ tạp chất còn được 39 tấn, bán xô với giá 1.700 đồng/kg. Trừ chi phí thuê đất, nhân công thu hoạch và vốn đầu tư phân bón, gia đình ông Nần lỗ gần 20 triệu đồng.

“Tôi quyết định không thu hoạch 3ha sắn còn lại với hi vọng sau Tết Nguyên Đán giá sắn tươi có thể tăng thêm đôi chút, mong vớt vát chút vốn và công đầu tư chăm sóc”, ông Nần nói.

Ở khu vực đông nam tỉnh Gia Lai, người trồng sắn nơi đây cũng đang gặp khó, khi mà từ nhiều tháng nay giá sắn trên thị trường liên tục giảm. Năm nay, gia đình chị R’com H’Re (buôn Mi Hoan, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) đầu tư hơn 20 triệu đồng mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trồng 2ha sắn với hi vọng sẽ có nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Song, giá sắn tươi hiện giảm chỉ còn 1.800 đồng/kg. Không những vậy, thời tiết diễn biến bất thường khiến cây sắn xuất hiện một số bệnh như khảm lá, rệp sáp bột hồng... nên dự kiến chỉ thu được khoảng 45 tấn sắn tươi, giảm 5 tấn so với năm 2023.

“Giá sắn tươi giảm, giá nhân công thu hoạch 170 - 200 ngàn đồng/người/ngày, tôi buộc phải huy động các thành viên trong gia đình cũng như đổi công với bà con trong làng để tiết kiệm chi phí, hi vọng vớt vát chút vốn đầu tư”, chị H’Re nói.

Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện cho biết: Toàn huyện có khoảng 4.000ha sắn đang bắt đầu thu hoạch. Năm nay giá sắn thấp hơn năm ngoái hơn 1.000 đồng/kg. Không những vậy, nắng nóng kéo dài dẫn đến năng suất cũng thấp hơn năm ngoái 5 - 7 tấn/ha. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng giống sắn cũ nên năng suất không cao, cộng với giá sắn giảm như thời điểm này nên không có lợi nhuận.

Huyện Krông Pa là địa phương có diện tích trồng sắn lớn nhất tỉnh Gia Lai. Vụ sắn năm 2024, toàn huyện có  21.180ha sắn. Hiện bà con đã thu hoạch được gần 3.000ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha, đây là diện tích mà bà con thu hoạch sắn non, tranh thủ lấy đất để trồng dưa hấu và thuốc lá cho kịp thời vụ.

Chia sẻ với người trồng sắn

Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích sắn lớn nhất cả nước với hơn 80 ngàn ha. Năm 2023, giá sắn tăng cao giúp nông dân có lợi nhuận 25 - 30 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất 1.000 tấn thành phẩm/ngày nên rất thuận lợi cho bà con trong việc tiêu thụ sản phẩm, chưa kể sắn tươi được bán ra các địa phương khác. Tỷ lệ chế biến tinh bột sắn từ nguồn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đạt gần 50%.

Nông dân huyện Krông Pa thu hoạch sắn đầu vụ. Ảnh: ĐL. 

Nông dân huyện Krông Pa thu hoạch sắn đầu vụ. Ảnh: ĐL. 

Theo ông Lâm Đức Chính, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Khê, từ đầu vụ thu hoạch đến nay giá sắn nguyên liệu giảm mạnh, hiện chỉ còn 2.300 đồng/kg đối với sắn đạt 30 độ tinh bột, dưới 30 độ tinh bột thì dao động ở mức 1.800 - 2.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái hơn 1.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Chính, nguyên nhân giá sắn nguyên liệu giảm là do thị trường Trung Quốc chưa thu mua tinh bột của các nhà máy chế biến nên việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. “Riêng Nhà máy của chúng tôi, sản phẩm chế biến từ đầu vụ đến nay chưa tiêu thụ được, phải ký gửi tại các kho bãi ở Quy Nhơn. Dù khó khăn do thị trường sắn tươi giảm, song mỗi ngày Nhà máy vẫn thu mua khoảng 300 tấn sắn tươi cho người dân.

Trước mắt, Nhà máy sẽ thu mua toàn bộ sản lượng sắn cho bà con trong vùng nguyên liệu để cùng chia sẻ với bà con vượt qua khó khăn”, ông Chính nói.

Bên cạnh các cây trồng chủ lực khác, sắn cũng là cây đem lại thu nhập đáng kể cho nông dân Gia Lai. Với những địa phương như Phú Thiện, Ia Pa, An Khê, Krông Pa, sắn là nguồn thu nhập đáng kể, giúp không ít hộ dân thoát nghèo, thậm chí vươn lên khấm khá.

Bình luận