Khoa học công nghệ là chìa khóa kiểm soát dịch bệnh động vật

Bình luận · 16 Lượt xem

Theo Cục Thú y, cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ số nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, giảm sử dụng kháng sinh.

Những năm qua, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực thú y đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, gia tăng thu nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển.

11 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 475,5 triệu USD. Ảnh minh họa.

11 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 475,5 triệu USD. Ảnh minh họa.

Theo Bộ NN-PTNT, 11 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD (tăng 23,2%). Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 475,5 triệu USD, (tăng 4,4%).

Theo Cục Thú y, sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất thuốc thú y và vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi là chìa khóa quan trọng để Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ chăn nuôi thế giới.  

Hiện nay, Việt Nam có 90 cơ sản xuất thuốc thú y và 10 cơ sở sản xuất vacxin đạt chuẩn GMP của WHO, với khoảng 200 loại vacxin được nghiên cứu và đăng ký sản xuất, đưa vào lưu hành mỗi năm, đáp ứng được 80% nhu cầu trong nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng vacxin đã sản xuất, nhập khẩu gồm cúm gia cầm 296 triệu liều; lở mồm long móng hơn 31 triệu liều; tai xanh hơn 17 triệu liều; dại hơn 4 triệu liều; viêm da nổi cục 539.000 liều.

Số lượng vacxin dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong 6 tháng cuối năm gồm cúm gia cầm 320 triệu liều; lở mồm long móng hơn 13 triệu liều; tai xanh hơn 18 triệu liều; dại gần 6 triệu liều; viêm da nổi cục 320.000 liều.

Đặc biệt đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong 100 năm qua đã có hơn 4.000 nghiên cứu trên thế giới nhưng chưa thể cho ra loại vacxin hiệu quả. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ NN-PTNT, sự chung tay của các nhà khoa học trong và ngoài nước, doanh nghiệp, vacxin dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên thế giới mang thương hiệu Việt Nam đã ra đời.

Đến nay, vacxin dịch tả lợn châu Phi ASF AVAC LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới đón nhận và sử dụng như Philippines, Indonesia, Ấn Độ…

Bên cạnh đó, để bổ trợ cho các hoạt động cảnh báo sớm, hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam - VAHIS của Cục Thú y đã đi vào hoạt động từ ngày 28/8/2018 với ưu điểm có thể truy cập trực tuyến, kiểm tra báo cáo ngay lập tức, chỉ có 1 hệ thống được sử dụng để lưu trữ dữ liệu và chi phí thấp.

Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, để tiếp tục gặt hái những thành tựu trong chiến lược phát triển và đổi mới sáng tạo ngành thú y, ngoài việc phát triển vacxin, công nghệ sinh học cũng cần được ứng dụng mạnh mẽ trong các lĩnh vực của ngành như kiểm soát kháng sinh, chẩn đoán xét nghiệm, quản lý dịch bệnh…

Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vacxin, thuốc thú y sẽ giúp công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi đạt hiệu quả. Ảnh: Trung Quân.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vacxin, thuốc thú y sẽ giúp công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi đạt hiệu quả. Ảnh: Trung Quân.

Việt Nam là một trong các thị trường tiêu thụ sản phẩm động vật lớn nhất thế giới. Đồng thời, thường xuyên đối mặt với nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh từ các nước, đòi hỏi hệ thống thú y phải liên tục cập nhật và nâng cấp các phương pháp chẩn đoán và phòng bệnh.

Trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, ứng dụng công nghệ số nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, giảm sử dụng kháng sinh. Nghiên cứu dịch tễ học, mô hình mô phỏng, dự báo dịch bệnh, dịch tễ học phân tử các bệnh nguy hiểm. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ gen để phát triển các loại vacxin thế hệ mới, cải tiến vacxin cũ bằng phương pháp sinh học phân tử...

Bình luận