Trại gà rừng nghìn con 12 năm chưa từng bị dịch

Bình luận · 17 Lượt xem

Đã 12 năm nay, trại gà nghìn con của vợ chồng anh Lê Đỗ Chinh chưa hề nhiễm bệnh nhờ cách chăn nuôi khoa học, an toàn dịch bệnh.

Trại gà rừng nghìn con đầu tiên tại Thanh Hóa

Dù là trai phố, thế nhưng Lê Đỗ Chinh (34 tuổi, phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa) lại chọn hướng đi chẳng giống ai. Chinh từng học chuyên ngành quản trị kinh doanh và có công việc ổn định sau khi ra trường, nhưng chàng trai trẻ vẫn quyết định bỏ phố về quê để… nuôi gà. 

Chinh là không thích phụ thuộc và thuộc tuýp người thích tìm hiểu, khám phá. Bởi vậy, ngay từ thời sinh viên, cậu đã rong ruổi khắp nơi, tìm kiếm các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với quy mô nông hộ. Có lần Chinh tấm tắc mãi vì lần đầu được thử món gà rừng tại Đắk Lắk. Chàng trai trẻ thấy tiếc vì gà rừng là món ăn nhiều dinh dưỡng nhưng không được gây nuôi và nhân rộng. 

Dân làng cũng thử nghiệm nuôi gà rừng nhưng chưa một lần thành thành công. Nhận thấy giống gà rừng tai trắng thịt thơm, ngon, nhiều dinh dưỡng, nên Chinh nảy ra ý tưởng thuần hóa chúng. Vậy nhưng, từ ý tưởng đến khi bắt tay vào việc không hề dễ dàng với chàng trai trẻ. Năm 2012, Chinh quyết định vay vốn để đầu tư trang trại, mua con giống và thử nghiệm nuôi tại thành phố Thanh Hóa. Tuy nhiên, gà nuôi được một thời gian ngắn chết sạch. 

“Gà rừng có bản tính hoang dã và rất nhát nên không hợp với môi trường nuôi nhốt. Bởi vậy, khi gặp người lạ, chúng sẽ nhảy loạn xạ và dễ bị tổn thương khi đâm vào vật cứng. Bên cạnh đó, gà rừng thường ăn các loại côn trùng ngoài tự nhiên, nên khi nuôi nhốt và cho ăn thức ăn như gà nhà gà rừng bỏ ăn, dẫn đến còi cọc và hao hụt đầu con. Hơn nữa, gà rừng khi sinh sản thường giấu trứng và việc ấp nở cũng khác nhiều so với gà nhà nên tỷ lệ thành đàn thấp”, Chinh chia sẻ.

Suốt từ năm 2012 đến 2016, Chinh thất bại liên tục trong việc thuần hóa gà rừng. Sau mỗi lần như vậy, cậu rút ra nhiều bài học cho mình và dành nhiều thời gian để nghiên cứu tập tính, cơ chế sinh học từ đó xây dựng chế độ ăn uống một cách khoa học theo từng giai đoạn phát triển của gà, đồng thời tìm ra công thức thành công trong việc gây nuôi gà rừng. 

“Ban đầu tôi mua hàng tấn dưa hấu, nuôi giun quế và mua sâu để làm thức ăn cho gà, thế nhưng chi phí thức ăn khá tốn kém, khiến hiệu quả chăn nuôi không cao. Để tiết kiệm chi phí, tôi tiến hành phối trộn các loại thức ăn tự nhiên (giun, cám gạo, lúa…) đảm bảo dinh dưỡng, giúp gà phát triển khỏe mạnh. Khi gà làm quen và tiêu hóa tốt loại thức ăn này thì việc thuần hóa trong quá trình nuôi nhốt sẽ dễ dàng hơn”, Chinh cho biết.

Gà rừng tai trắng có hàm lượng dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Ảnh: Quốc Toản.

Gà rừng tai trắng có hàm lượng dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Ảnh: Quốc Toản.

Tại trang trại, Chinh bố trí nuôi nhốt gà rừng ở độ tuổi khác nhau theo từng khu vực riêng biệt. Gà rừng thường sống theo đàn và ngủ trên cành cây, nên tại mỗi khu nuôi đều phải có cây cối che chắn. Tuy nhiên, theo chàng trai trẻ, việc nhân đàn gà rừng là thách thức không nhỏ trong buổi đầu khởi nghiệp.

“Trong tự nhiên, sau khi gà con được ấp nở, chúng sẽ theo mẹ đi kiếm ăn. Tuy nhiên, để thuần hóa gà rừng phải thay đổi bản năng sinh tồn của chúng. Trong môi trường nuôi nhốt, nếu thức ăn không phù hợp thì cả gà mẹ và gà con đều bỏ ăn dẫn đến còi cọc và chết. Do đó để thay đổi tập tính hoang dã của gà rừng, tôi cho gà tre ấp trứng gà rừng và nhờ gà tre nuôi gà rừng. Gà mẹ (gà tre) ăn thức ăn gì gà rừng con sẽ ăn theo như vậy”, Chinh chia sẻ.

Theo Chinh, gà rừng nuôi khó, nhưng tiêu thụ rất dễ: “Tôi thường bán gà rừng thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Mỗi lần bán hàng, tôi đều đăng video mô tả chi tiết sản phẩm (độ tuổi, cân nặng của gà) để khách hàng nắm bắt thông tin và đặt hàng. Việc bán bán hàng trên mạng xã hội rất thuận lợi giúp tiết kiệm thời gian và chi phí để quảng cáo sản phẩm”.

Ngoài ra, Chinh còn viết sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà rừng, đồng thời sẵn sàng giải đáp thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho những người có cùng đam mê, muốn thử nghiệm nuôi giống gà rừng quý hiếm này.​

Gà rừng thường sống theo đàn và ngủ trên cây. Ảnh: Quốc Toản.

Gà rừng thường sống theo đàn và ngủ trên cây. Ảnh: Quốc Toản.

12 năm nuôi gà chưa hề bị dịch 

Theo kinh nghiệm của Chinh, để nuôi thành công gà rừng, người nuôi phải nắm chắc từng đoạn sinh trưởng và phát triển của gà để phòng, trị bệnh phù hợp. Khác với gà nhà, gà rừng có khả năng miễn dịch cao nên ít rủi ro dịch bệnh, nhưng không cho phép nông dân chủ quan. Vào mùa mưa gà dễ bị các bệnh về hô hấp nên Chinh thường chú trọng tới việc phòng bệnh cho gà bằng việc giữ gìn chuồng trại sạch sẽ, tiêm ngừa và cách ly gà bị bệnh để tránh lây lan trong đàn.

“Để đàn gà an toàn dịch bệnh phải lưu ý nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nền chuồng nuôi phải đổ cát, trấu khô và phun chế phẩm sinh học định kỳ hằng tháng và thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ để khử mùi, khử khuẩn, tránh mầm bệnh.

Đối với việc phòng bệnh bằng vacxin cần lưu ý, gà rừng từ 1 - 42 ngày tuổi phải bổ sung 3 loại thuốc để phòng bệnh tiêu chảy, thương hàn, cầu trùng. Với gà lớn, định kỳ bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng của vật nuôi. Đối với gà con phải nuôi úm ở chuồng cao để tránh rắn, chuột. Mùa đông phải dùng đèn sưởi ấm cho gà", Chinh chia sẻ.

Cũng theo chủ trang trại, gà rừng là loài nhút nhát, bản chất hoang dã lớn, rất khó thuần hóa, dễ bị bệnh stress (áp lực, căng thẳng) nên cần có khu nuôi yên tĩnh và sạch sẽ. “Gà rừng có đặc tính sống theo đàn từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Do đó, khi tách đàn quá sớm, chúng sẽ bỏ ăn và chết dần. Bên cạnh đó, để chữa bệnh căng thẳng, sợ hãi của gà, tôi thường thả gà vào khu nuôi nhốt rộng rãi, cho gà ăn đủ chất dinh dưỡng và ít tiếp xúc với gà”, Chinh cho biết

Tại gà rừng của Lê Đỗ Chinh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Quốc Toản.

Tại gà rừng của Lê Đỗ Chinh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo Chinh, dù gà rừng có sức đề kháng tốt hơn gà ta, thế nhưng do đặc tính ăn, ngủ ngoài trời nên gà rừng dễ mắc bệnh hen. Với bệnh này, gà sẽ không chết nhanh, nhưng lâu dần sẽ gầy gò, ốm yếu. Do đó, bên cạnh việc giữ gìn môi trường sạch sẽ, khi phát hiện gà có bệnh (thông qua mẫu phân) cần phải sử dụng kháng sinh kịp thời để tránh tình trạng hao hụt đàn do gà chết.

Ngoài ra, gà rừng thường cắn mổ nhau khi nhốt chung trong không gian chật hẹp. Nguyên nhân là do gà thiếu dinh dưỡng và khoáng chất. Điều này sẽ khiến gà bị tổn thương, ngoại hình xấu, sức đề kháng kém do vết thương nhiễm khuẩn. Do đó, quá trình nuôi, người chăn nuôi cần liên tục bổ sung hỗ hợp dinh dưỡng như aminovita, khoáng premix, Zinmix - A15 và tăng cường cho gà các chất sơ, rau, cỏ, quả.

Hiện nay, trại gà rừng tai trắng hơn 2.000 con của Lê Đỗ Chinh được đánh giá là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả cao tại tỉnh Thanh Hóa. Trung bình mỗi tháng, Chinh xuất bán 250-300 con gà. Sau khi trừ chi phí,mỗi năm, chủ trại gà rừng thu lãi từ 500-600 triệu đồng/năm.

Theo chủ trang trại, gà rừng tai trắng là giống có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, không tốn nhiều chi phí thức ăn. Trung bình, mỗi con gà rừng trưởng thành chỉ nặng hơn 1kg, đổi lại thịt rất chắc và thơm ngon nên được khách hàng khá ưa chuộng. Dù Chinh liên tục mở rộng diện tích chuồng trại và số lượng nuôi trong thời gian gần đây nhưng gà rừng thương phẩm vẫn không đủ nguồn cung cho thị trường.

Bình luận