Nuôi tôm thâm canh tuần hoàn nước, năng suất 50 tấn/ha/vụ, giảm thiểu ô nhiễm

Bình luận · 29 Lượt xem

Mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước giúp người nuôi tôm tại Cà Mau tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau áp dụng quy trình tuần hoàn nước, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Đây được xem là giải pháp mới trong nuôi tôm siêu thâm canh được chính quyền địa phương khuyến cáo bà con nhân rộng.

Để mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thành công, yếu tố môi trường và nguồn nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, nguồn nước trước khi cấp vào ao đầm được bà con xử lý và phải thường xuyên thay nước, cấp bù đủ lượng nước trong ao đầm để tôm nuôi phát triển. Điều này cũng khiến chi phí xử lý nguồn nước khá tốn kém, chiếm tỷ lệ khoảng 30% tổng chi phí sản xuất. 

Nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh, anh Trần Thái Bảo (ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) đã áp dụng thành công quy trình nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn ít thay nước.

Với diện tích hơn 6.000m2, anh bố trí ao dèo theo hình thức ao nổi, ao nuôi tôm được xây dựng liền kề với diện tích chỉ khoảng 2.000m2, diện tích còn lại xây dựng hệ thống ao lắng tuần hoàn. Nguồn nước phục vụ cho tôm nuôi được xử lý duy nhất một lần để loại bỏ vi sinh, mầm bệnh.

Mô hình tuần hoàn nước giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình tuần hoàn nước giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận. Ảnh: Trọng Linh.

Hằng ngày, xi phông đầm tôm siêu thâm canh, nước thải được chảy qua hệ thống lọc tuần hoàn, dùng lưới giăng cá kết lại thành nhiều lớp giúp ngăn lại những chất lơ lửng và tự động chuyển đến ao nuôi cá xử lý. Sau khi nguồn nước chảy qua hệ thống lọc sẽ đến bể vi sinh, chủ yếu vi sinh có nguồn gốc tại địa phương và được kích hoạt bằng hệ thống oxy giúp vi sinh vật có lợi phát triển, loại bỏ mầm bệnh trong nước.

Với mô hình tuần hoàn nước, bà con nuôi tôm không phải tốn kém chi phí hóa chất (kể cả chế phẩm sinh học để xử lý) nhưng nguồn nước vẫn đảm bảo không chứa mầm bệnh để phục vụ cho tôm nuôi. Công đoạn cuối cùng, nguồn nước chảy qua ao rong mền và ao rong rau câu để nâng cao độ trong, cấp ngược lại cho ao đầm nuôi tôm siêu thâm canh.  

Anh Bảo chia sẻ: “Tôi nuôi vi sinh bản địa cho khu vực đầm tôm của gia đình, kích thích để vi sinh có lợi phát triển, sau đó nhân nuôi chúng. Vi sinh vật bản địa sau khi được nhân nuôi một lần sẽ sống mãi".

Quy trình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn giúp tôm nuôi phát triển nhanh, rút ngắn thời gian cho thu hoạch. Chỉ sau 90 ngày nuôi, tôm thẻ chân trắng nuôi siêu thâm canh đã cho thu hoạch đạt trọng lượng 20 con/kg và năng suất 50 tấn/ha/vụ.

Tương tự, hộ anh Trần Văn Phận (ấp Bào Bèo, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) năm 2023 đã chuyển sang quy trình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước. Với diện tích 1ha, trung bình mỗi vụ anh tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng tiền hóa chất xử lý nguồn nước. Hiệu quả kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với quy trình truyền thống và bảo vệ được môi trường trong nuôi tôm. 

Hệ thống tuần hoàn nước của các hộ nuôi tôm tại huyện Cái Nước. Ảnh: Trọng Linh.

Hệ thống tuần hoàn nước của các hộ nuôi tôm tại huyện Cái Nước. Ảnh: Trọng Linh.

Anh Phận chia sẻ, trước đây nuôi theo truyền thống bơm nước từ bên ngoài vào, nếu đúng khi nguồn nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn đến tôm nuôi khiến tôm bị dịch bệnh. Đối với mô hình nuôi tuần hoàn nước, nguồn nước không bị ô nhiễm, tôm dễ dàng thích nghi với môi trường nuôi, độ mặn ổn định hơn.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá: “Mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước hiện nay được nhiều hộ nuôi tôm áp dụng rất hiệu quả, chi phí đầu vào giảm nhiều, ưu điểm của mô hình này là hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền để các hộ nuôi thực hiện mô hình này nhằm đảm bảo môi trường và hạn chế chi phí đầu vào cho bà con, đồng thời nâng cao giá trị tôm nuôi”.

Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm khoảng 280.000ha, cho sản lượng tôm nuôi đạt trên 200.000 tấn/năm, chiếm gần 40% diện tích và 22% sản lượng tôm nuôi của cả nước, với 5 loại hình chủ yếu: Nuôi tôm công nghiệp (bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh), tôm – lúa, tôm – rừng, quảng canh cải tiến và quảng canh kết hợp.

Bình luận