Sáp nhập các đơn vị ngành nông nghiệp không giúp giảm đầu mối

Bình luận · 241 Lượt xem

Ông Lê Minh Đạo, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh thừa nhận, việc sáp nhập các đơn vị của ngành nông nghiệp cấp huyện vào Trung tâm không giúp làm giảm đầu mối.

Ông Lê Minh Đạo, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TN.

Ông Lê Minh Đạo, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TN.

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải loạt bài: “Hệ quả từ những Nghị quyết mĩ miều câu chữ”, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh Lê Minh Đạo đã có những chia sẻ về bất cập và lộ trình tổ chức lại hệ thống thú y cấp huyện theo các quy định của pháp luật.

Thưa ông, mục tiêu cao nhất khi sáp nhập 3 đơn vị: Trạm Thú y, Trạm BVTV, Trung tâm Ứng dụng KHKT vào Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện là giảm đầu mối và tiến tới các đơn vị này tự chủ về tài chính, nhưng đã qua 12 năm, chưa đơn vị nào tự chủ được, ông có đánh giá gì về vấn đề này?

Việc thực hiện chuyển các trạm trên vào Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện được Hà Tĩnh triển khai thực hiện từ năm 2012 theo Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh.

Bài liên quan

Theo đó, nội dung này chỉ chuyển quyền quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ BVTV, Thú y về UBND cấp huyện để tăng cường phân cấp, tạo chủ động cho cấp huyện trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trạm BVTV, Trạm Thú y không phải là đơn vị độc lập, mà chỉ là tổ chức bên trong tương đương cấp phòng thuộc Chi cục Thú y, Chi cục BVTV nên việc chuyển Trạm BVTV, Trạm Thú y vào Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện không làm giảm đầu mối.

Sau khi kiện toàn mô hình nêu trên, công tác quản lý, chỉ đạo được tăng cường, nâng cao trách nhiệm, thẩm quyền cho UBND cấp huyện và việc phối hợp giữa các Sở, ban, ngành với UBND cấp huyện trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động quản lý nhà nước.

Liên quan đến việc tự chủ tài chính, các đơn vị đang thực hiện theo quy định về định mức kinh tế kỹ thuật thuộc lĩnh vực này do Bộ NN-PTNT xây dựng. Ngoài ra, việc tự chủ còn phụ thuộc vào thực tiễn và kết quả hoạt động của Trung tâm theo từng giai đoạn, sự năng động, sáng tạo của người đứng đầu…

Qua theo dõi của chúng tôi, hoạt động của các Trung tâm những năm qua còn gặp nhiều khó khăn nên việc tự chủ hạn chế.

Tháng 3/2017, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh trong Văn bản số 1716/BNN-TCCB: “Việc chuyển các Trạm BVTV, Trạm Thú y về huyện quản lý và tổ chức lại thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện (đơn vị sự nghiệp công lập) là trái với quy định pháp luật, có thể dẫn đến lẫn lộn giữa quản lý hành chính nhà nước chuyên ngành với cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đang được xã hội hóa…".

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, việc sáp nhập Trạm BVTV, Trạm Thú y vào Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện không làm giảm đầu mối. Ảnh: VK.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, việc sáp nhập Trạm BVTV, Trạm Thú y vào Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện không làm giảm đầu mối. Ảnh: VK.

Hiện, nhiều địa phương, trong đó có Hà Tĩnh đang có ý định khôi phục lại hệ thống thú y tách khỏi Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện theo đúng Luật Thú y. Như vậy, Trung tâm chỉ còn chức năng trồng trọt, BVTV, khuyến nông, điều đó đồng nghĩa sau câu chuyện tự chủ tài chính không đạt thì câu chuyện giảm đầu mối cũng không còn nữa?

Như trả lời ở trên, Trạm Thú ý, Trạm BVTV không phải là đơn vị độc lập mà là tổ chức bên trong thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục BVTV, do đó, trường hợp khôi phục lại hệ thống thú y tách ra khỏi Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện theo đúng Luật Thú y cũng không làm tăng đầu mối. Lúc này, sẽ thực hiện chuyển các Trạm Thú y về Chi cục Chăn nuôi và Thú y trực thuộc Sở NN-PTNT.

Thực tế việc sáp nhập Trung tâm hiện nay là theo Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, trong khi theo Luật Thú y, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật có những chỗ chưa đúng, theo ông có phải việc sáp nhập một phần vì "áp lực" hay không?

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Trung ương là chủ trương đúng đắn nhằm sắp xếp tinh gọn bộ máy, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị.

Bài liên quan

Từ chủ trương của Trung ương, Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh. Đây là kết quả của sự thống nhất, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát, quyết liệt, sáng tạo của UBND tỉnh tại thời điểm đó.

Quá trình triển khai bài bản, đảm bảo theo đúng kế hoạch. Công tác chỉ đạo, điều hành được cụ thể bằng các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, đầy đủ.

Nghị quyết 18, 19 của Trung ương ban hành năm 2017, trong khi đó, việc thực hiện sắp xếp các Trạm Thú y, Trạm BVTV tại Hà Tĩnh được thực hiện từ năm 2012 nên nhận định “vì áp lực từ Nghị quyết” là không đúng.

Hà Tĩnh cần sớm tổ chức lại lực lượng thú y cấp huyện nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: TN.

Hà Tĩnh cần sớm tổ chức lại lực lượng thú y cấp huyện nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: TN.

Trong lịch sử đã rất nhiều lần hệ thống ngành nông nghiệp cấp huyện “khắc nhập, khắc xuất” rồi, nhưng kết quả đều không đạt như mong đợi, theo ông làm sao để trong tương lai chúng ta tránh phải xáo trộn thêm một lần nữa như câu chuyện sáp nhập vừa qua?

Từ năm 2012 đến nay hệ thống ngành nông nghiệp cấp huyện trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản ổn định, không có sự xáo trộn. Trường hợp tổ chức lại hệ thống thú y theo Luật Thú y và Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ thì tổ chức thú y sẽ được thực hiện đảm bảo đúng quy định về tổ chức và hoạt động.

Việc xin bổ sung biên chế công chức khi tổ chức lại là bất khả thi, thiết nghĩ Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn cụ thể, thậm chí tính đến phương án điều chỉnh nhiệm vụ để viên chức thực hiện một số nhiệm vụ hiện nay đang giao cho công chức đảm nhiệm. Ảnh: VK.

Việc xin bổ sung biên chế công chức khi tổ chức lại là bất khả thi, thiết nghĩ Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn cụ thể, thậm chí tính đến phương án điều chỉnh nhiệm vụ để viên chức thực hiện một số nhiệm vụ hiện nay đang giao cho công chức đảm nhiệm. Ảnh: VK.

Vậy, khó khăn của Hà Tĩnh trong việc tổ chức lại lực lượng thú y là gì và lộ trình đặt ra cho việc tổ chức lại như thế nào, thưa ông?

Bây giờ khó nhất là việc bố trí biên chế thực hiện nhiệm vụ, bởi theo các quy định hiện hành thì hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại địa phương là tổ chức hành chính, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về thú y. Vì vậy, người thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các tổ chức hành chính phải là công chức.

Bài liên quan

Tại thời điểm chuyển giao các Trạm Thú y về Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện (năm 2012) biên chế làm nhiệm vụ tại các Trạm Thú y là biên chế viên chức và hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 Trạm Thú y cấp huyện, đội ngũ làm nhiệm vụ tại Trạm là viên chức.

Trường hợp chuyển 13 Trạm Thú y về Chi cục Chăn nuôi và Thú y không thể thực hiện việc tiếp nhận số viên chức hiện có vào làm công chức của Chi cục Chăn nuôi và Thú y do hiện nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã bố trí đủ số lượng công chức theo biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Hơn nữa, Kết luận của Bộ Chính trị giao đến năm 2026 tỉnh Hà Tĩnh phải thực hiện giảm 113 biên chế công chức so với năm 2021. Vì vậy, với số lượng biên chế được Trung ương giao cho tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, việc giao bổ sung biên chế công chức cho các Trạm Thú y khi chuyển về Chi cục Chăn nuôi và Thú y không thực hiện được.

Vừa qua, Sở Nội vụ đã có văn bản xin ý kiến Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ nhằm tháo gỡ khó khăn của địa phương. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ lại đề nghị Tỉnh ủy báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, bởi hiện nay Ban Tổ chức Trung ương quản lý biên chế.

Sau khi có ý kiến của Trung ương, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Bình luận