Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn

Bình luận · 18 Lượt xem

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội tích cực phối hợp với các địa phương hỗ trợ hợp tác xã, nông dân xây dựng, mở rộng những vùng sản xuất nông nghiệp an toàn tập trung, quy mô lớn.

Nhiều mô hình không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn hỗ trợ các cơ quan chức năng trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

san-xuat-nong-nghiep.jpg
Huyện Phúc Thọ quy hoạch vùng trồng bưởi chất lượng cao. Ảnh: Tùng Nguyễn

Nhiều vùng nông nghiệp tập trung cho giá trị cao

Đến nay, huyện Chương Mỹ đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như: Vùng sản xuất lúa; nuôi trồng thủy sản; trồng cây ăn quả; chăn nuôi tập trung, quy mô ngày càng tăng. Vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao đạt hơn 5.000ha, vùng cây ăn quả chuyên canh bưởi Diễn 800ha, vùng chăn nuôi tập trung đã phát triển được 582 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, bước đầu hình thành một số mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực (rau, gạo và sản phẩm chăn nuôi), góp phần nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp. Cùng với đó, huyện xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm: Bưởi Chương Mỹ, gạo hữu cơ Đồng Phú và gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ, rau an toàn Chúc Sơn, bưởi Nam Phương Tiến.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái, huyện đã hình thành các mô hình ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả tốt, như: Mô hình ứng dụng nuôi cấy mô và hệ thống điều hòa điều khiển nhiệt độ trong nhà kính sản xuất hoa lan hồ điệp tại xã Thụy Hương; mô hình sản xuất bưởi Diễn và mô hình sản xuất rau, quả công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập cao cho người dân 500-600 triệu đồng/ha/năm...

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng, Phúc Thọ có khoảng 480ha rau an toàn tập trung, 454ha hoa cây cảnh, 1.002ha cây ăn quả, 3.063ha lúa chất lượng cao (lúa thơm và lúa nếp). Nhiều nông sản đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, như: Bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, thịt lợn rừng của Công ty TNHH Nguyên Hưng, thịt lợn sinh học Phúc Thọ, rau an toàn Xuân Phú... Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, huyện còn hỗ trợ các hợp tác xã hình thành 8 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông nghiệp...

Hiện nay, việc xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung không những tạo điều kiện cho người dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố đang tiến hành chuyển đổi hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, gồm lúa chất lượng cao (hơn 15.600ha), rau an toàn (gần 3.000ha), cây ăn quả (gần 7.400ha)... Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương cho biết, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tập trung ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình thực tế của Hà Nội, đang khẳng định vị thế trên thị trường. Ngoài ra, Hà Nội cũng hình thành nhiều vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp an toàn, quy mô lớn đã thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, giúp họ tuân thủ quy trình kỹ thuật, mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao 10-15% so với sản xuất truyền thống...

Tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường

Đến nay, huyện Sóc Sơn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả kinh tế cao. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Ðỗ Minh Tuấn, thời gian tới, huyện sẽ phát triển, mở rộng các vùng, khu, trang trại chuyên canh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản theo chuỗi. Huyện sẽ xây dựng thương hiệu nông sản theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái nhằm sản xuất hàng hóa chất lượng tốt, tạo vành đai xanh cho Thủ đô, lấy nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao làm mục tiêu phấn đấu, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch trên địa bàn. Đồng thời, củng cố và đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, phát triển đa dạng hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, kinh tế hộ, kinh tế trang trại và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ; quản lý, phát triển sản xuất - tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố; mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn...

Ngoài ra, Hà Nội đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng tốt; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh; chuyển đổi diện tích sản xuất lúa tại vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; cơ cấu lại nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường... nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình mới; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới có năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế...

Bình luận