Chuỗi nuôi đà điểu Ba Vì giúp nông dân đỡ khó khăn khi tiêu thụ

Bình luận · 16 Lượt xem

Mươi năm gần đây, huyện Ba Vì, TP Hà Nội nổi lên nghề chăn nuôi đà điểu giúp kinh tế của nhiều hộ trở thành khá giả và xuất hiện mô hình liên kết chuỗi.

Nay nghề này gặp khó thì những chuỗi chăn nuôi đã phần nào giúp đỡ được hộ nuôi đà điểu khi cơ sở sơ chế, chế biến đã tiêu thụ sản phẩm theo cam kết.

Ông Phùng Thế Tài ở thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì là người tiên phong trong nghề nuôi đà điểu trong vùng khi bắt đầu khởi nghiệp 9 năm trước, sau đó có 6 hộ khác học theo. Cao điểm nhất đàn đà điểu của thôn có 1.000 con, giờ chỉ còn 2 hộ trụ lại là ông Tài và ông Trần Văn Lực với tổng đàn xấp xỉ 200 con, riêng nhà ông Tài hơn 100 con.

Ông kể, chưa bao giờ giá đà điểu lại thấp đến thế, trước toàn hơn 80.000đ/kg hơi nhưng nay chỉ 72.000 đ/kg, mà đó là còn liên kết với cơ sở Tú Hường để tiêu thụ chứ các hộ khác chỉ bán được 70.000 đ/kg, trong khi giá giống mua vào để nuôi thương phẩm vẫn còn 1,5 triệu đồng/con nên tính cả tỷ lệ thất thoát, hòa vốn được là còn may. Thời cao điểm nhất, năm 2022, 2023 tôi nuôi 250 con, lãi được mỗi năm 300-400 triệu đồng, nay chỉ còn 100 con vì không còn mấy lãi nữa.

Anh Phan Ngọc Tú ở thôn Xuân Hòa, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì chính là đầu mối tiêu thụ trong chuỗi sản xuất đà điểu của ông Tài.

Theo anh, sự xuống giá của thịt đà điểu bởi nhiều yếu tố: Thứ nhất là sự hiếu kỳ với một loại thịt mới không còn nữa. Thứ hai là tỷ lệ thành thịt rất ít nên lãi suất của người giết mổ rất thấp. Thứ ba là ngành du lịch, dịch vụ 3 năm gần đây sức mua kém. Thứ tư là sự cạnh tranh của thịt đà điểu nuôi trong Nam kiểu công nghiệp chất lượng kém với thịt đà điểu nuôi ở Ba Vì kiểu chăn bán chăn thả, chất lượng cao hơn nhưng giá cũng cao hơn.

Hiện giá cân hơi trên dưới 75.000đ/kg, giá thịt, giá giò 250.000đ/kg. Với giá nuôi như trên gần như là không có lãi.  Trước đây mỗi tháng anh Tú mổ 100 con, giờ chỉ còn 10 con, đó là nhờ uy tín của một người làm chú trọng vào chất lượng, sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao.

Cũng tương tự như thế, anh Nguyễn Văn Trung ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì là một trong những đầu mối của chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến và kinh doanh thịt đà điểu trong vùng.

Trước đây anh theo mô hình chăn nuôi, giết mổ nhưng nay chỉ thu gom đà điểu của dân nuôi rồi đem về giết mổ: “Số lượng bà con chăn nuôi nhiều, nếu mà tôi nuôi thì sẽ không mua được sản phẩm cho bà con nên mới thôi. Ngành chăn nuôi đà điểu của cả miền Bắc khi muốn tiêu thụ đều quay về huyện Ba Vì, TP Hà Nội này hết. Ngành hàng đà điểu rất đặc thù, theo mùa, để tiêu thụ ổn định từ tháng 9, đặc biệt là dồn vào tháng 12, lượng bán rất mạnh, còn bình thường, mỗi ngày chỉ tiêu thụ được vài chục kg thịt tươi và giò đà điểu thôi”.

Thành phố Hà Nội đang khuyến khích hình thành các chuỗi từ sản xuất đến chế biến và ở những thời điểm khó khăn như hiện tại những người như anh Trung đóng vai trò quan trọng trong việc thu mua sản phẩm rồi sơ chế, chế biến, cung cấp thịt đà điểu tươi và giò đà điểu ra thị trường.

Cả hai sản phẩm thịt đà điểu tươi và giò đà điểu của anh đã tham gia vào chương trình OCOP năm 2021, được công nhận là 3 sao. Theo anh, con đà điểu dễ nuôi với nhiều loại quy mô. Ví dụ ít đất, ít vốn thì nuôi vài ba con, nhiều đất, nhiều vốn thì nuôi vài chục đến cả trăm con đều được. Hiện giá thịt đầu ra ổn định ở mức 270.000 đ/kg và cung cấp quanh Hà Nội ở dạng tươi sống, còn chuyển đi xa thì phải cấp đông, tuy nhiên lại không hợp thị hiếu lắm.

Cận cảnh đà điểu. Ảnh: NNVN.

Cận cảnh đà điểu. Ảnh: NNVN.

Trước đây bán thịt có thể bằng giá thành nhưng bán da, bán lông đem lợi nhuận không nhỏ cho những người sơ chế, chế biến như anh khi bán 1,5-2 triệu đồng/bộ da, bán 200.000 đ/kg lông sang Trung Quốc theo dạng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên hiện mỗi bộ da anh chỉ bán được 700.000 đ/bộ, nhưng đó chỉ là 1 tháng nay, còn từ đầu năm đến tháng 10 chỉ 400.000 đ/bộ và lông thì giờ không bán được nữa.

“Vào dịp Tết mỗi cửa hàng sơ chế giết mổ chừng 200-300 con đà điểu nên từ bây giờ chúng tôi đã phải chuẩn bị nguồn hàng, còn tháng thường mỗi tháng chỉ mươi con. Hiện giá bán hơi xuống còn 72.000đ/kg, nếu kỹ thuật nuôi tốt thì bằng với giá thành, còn không là lỗ”, anh Trung nói.

Một cán bộ huyện Ba Vì ước lượng, trước đây đàn đà điểu trên địa bàn khoảng 10.000 con, giờ chỉ còn khoảng 2.000-2.500 con. Để vực dậy nghề này, bên cạnh đầu tư cho việc nâng cao năng suất, chất lượng, phòng chống dịch bệnh, rất cần quảng bá chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến thịt đà điểu Ba Vì giống như sữa Ba Vì để cho nhiều người biết đến hơn nữa.

Bình luận