Cơ hội kết nối chuyển đổi số trong nông nghiệp giữa Tây Nguyên và TPHCM

Bình luận · 13 Lượt xem

Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số trong nông nghiệp, cơ hội kết nối công nghệ giữa Tây Nguyên và TPHCM” vừa diễn ra tại Kon Tum ngày 29/11.

Sự kiện do Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức, với sự tham gia của hơn 150 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, các viện, trường, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các quỹ đầu tư, các nhà phân phối và các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

CDS nong nghiep.jpg
Chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo thêm giá trị thặng dư cho nền kinh tế. Ảnh: Bình Minh

Theo thông tin tại hội thảo, TPHCM là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, nông nghiệp là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số. 

Kinh nghiệm của TPHCM cho thấy, muốn thành công thì chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải triển khai đồng bộ, toàn diện và nông dân phải là trung tâm chuyển đổi số. 

Giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển của đất nước.

Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số trong nông nghiệp, cơ hội kết nối công nghệ giữa Tây Nguyên và TPHCM” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn cho các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức có liên quan cùng trao đổi thảo luận và đề xuất các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số; tăng cường cơ hội hợp tác kết nối thị trường khoa học và công nghệ, sản phẩm giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên và TPHCM.

Bên cạnh đó, hội thảo còn tạo cơ hội cho các startup hướng đến phát triển, ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp; Đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thực tiễn cho thấy những thành công trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta những năm gần đây có rất nhiều đóng góp từ việc triển khai hệ thống giải pháp phát triển khoa học công nghệ tận dụng thành tựu của nền công nghiệp 4.0. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp chính là thúc đẩy doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc, từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; Sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bình luận