7 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông sản tiệm cận 30 tỷ USD

Bình luận · 239 Lượt xem

Sau 7 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 29,13 tỷ USD với nhiều nhóm mặt hàng tăng giá trị như lúa, rau quả, hạt điều, cà phê...

Sau 7 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 29,13 tỷ USD. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau 7 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 29,13 tỷ USD. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, tháng 7, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 4,62 tỷ USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản đạt 2,32 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi đạt 45 triệu USD, tăng 35,6%; thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 15%; lâm sản đạt 1,24 tỷ USD, giảm 11%; đầu vào sản xuất đạt 210 triệu USD, tăng 12,7%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1%. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%.

Tuy nhiên, nhóm nông sản đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2 % (bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,23 tỷ USD, tăng 68,1%; gạo 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%).

Cũng trong 7 tháng đầu năm, về thị trường, giá trị xuất khẩu nông sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 14,06 tỷ USD, tăng 2,3%. Trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ.

Từ nay đến cuối năm, Bộ NN-PTNT xác định sẽ theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp.

Triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa và vụ thu đông năm 2023; đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung bộ.

Bên cạnh đó, nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi; chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Về chăn nuôi, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến giá cả.

Xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm. Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc thú y.

Trong lĩnh vực thủy sản, Bộ sẽ cường kiểm soát chất lượng giống thủy sản, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển.

Tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.

Riêng với lĩnh vực hợp tác quốc tế và mở cửa thị trường, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...

Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài

Bình luận