Hiệu quả nông nghiệp trải nghiệm ở HTX Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn

Bình luận · 3 Lượt xem

Nông nghiệp trải nghiệm là hướng phát triển mới, giúp tăng khả năng tương tác về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn (thị xã Duy Ti

Năm 2017, Nông trại Happy Farm (xã Trác Văn), có diện tích 1 ha, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm của nông trại từng bước tiếp cận với thị trường Hà Nội rộng lớn, nhưng đòi hỏi khắt khe về chất lượng qua các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, như: Bác Tôm, Home Mart…

Cùng với đó, nông sản của nông trại cũng cung cấp cho một số bếp ăn trường học, cửa hàng bán nông sản trên địa bàn thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý. Để tạo niềm tin cho khách hàng, nông trại liên kết với các chuỗi cửa hàng định kỳ hàng vụ đưa người tiêu dùng có nhu cầu về trải nghiệm, tham quan, trực tiếp tìm hiểu quá trình sản xuất. Nông trại Happy Farm chính là mô hình khởi đầu cho phát triển nông nghiệp trải nghiệm ở Trác Văn.

Ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn cho biết: Để phát triển sản xuất, ngay từ đầu Nông trại Happy Farm trước đây và HTX hiện nay đã lựa chọn hướng đi mới gắn sản xuất với trải nghiệm của khách hàng. Đây là hình thức trực quan sinh động, công khai quy trình sản xuất hữu cơ để người tiêu dùng tin tưởng hơn với các sản phẩm đưa ra thị trường...

Từ thành công bước đầu, diện tích sản xuất nông nghiệp trải nghiệm được mở rộng lên 3 ha và đã chuyển đổi từ nông trại sang thành lập HTX. Các loại rau, củ, quả được đưa vào sản xuất ở đây đa dạng hơn với nhiều giống mới để nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Một số giống rau nhập ngoại của Công ty TNHH Bejo Việt Nam cũng được lựa chọn sản xuất tại đây như: Cần tây, cải xoăn…

Cùng với đó, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ được duy trì qua việc sử dụng toàn bộ phân hữu cơ ủ men vi sinh, như: Phân bò, phân giun quế, phân cá, đậu tương… Trong quá trình sản xuất, bình quân mỗi tháng HTX Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn cung cấp khoảng 2 tấn rau, củ, quả hữu cơ ra thị trường (chủ yếu là thị trường thành phố Hà Nội).

Hiệu quả nông nghiệp trải nghiệm ở HTX Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn
Cây hoa hướng dương trồng tại vùng sản xuất của HTX Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn.

Hoạt động trải nghiệm được tăng cường, vào vụ rau chính những dịp nghỉ lễ hay cuối tuần HTX đều tổ chức đón khách hàng và cháu học sinh của một số trường học trong vùng đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu quy trình sản xuất. Tính bình quân, mỗi năm có trên 20 đoàn khách, với tổng số khoảng 300 - 400 lượt người về trải nghiệm; từ đó tạo thêm niềm tin cho khách hàng đối với chất lượng nông sản sản xuất tại HTX để họ yên tâm sử dụng. Khách có thể trực tiếp thu hái và mua sản phẩm rau, củ, quả… ngay tại ruộng.

Chị Nguyễn Thị Hương, phường Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên) khách hàng thường xuyên của HTX Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn chia sẻ: Tôi đã cùng gia đình và bạn bè về trải nghiệm, tìm hiểu cách trồng rau của HTX. Do vậy thấy rất tin tưởng và tôi đã thường xuyên mua rau hữu cơ tại đây về dùng cho gia đình, rất ít khi mua thêm từ bên ngoài…

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, từ năm 2023, HTX Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn mở thêm hướng sản xuất mới, bằng hình thức cho thuê lại gần 1ha trồng chủ yếu các loại cây cho giá trị cao, như: Dâu tây, hoa hướng dương, cúc, thược dược…Diện tích sản xuất này đang phát triển tập trung theo hướng nông nghiệp trải nghiệm. Vào mùa thu hoạch dâu tây, khách hàng có thể đến tận vườn tham quan, tự tay hái quả trên ruộng. Nhiều khách đến tận vườn để chụp ảnh và mua hoa hướng dương về chơi…

Theo chị Phạm Thị Ngọc Bé, người đang kết hợp sản xuất với HTX Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn: Nông nghiệp trải nghiệm giúp thu hút khách hàng rất tốt. Khách không chỉ có nhu cầu mua sản phẩm chất lượng, còn có thể lưu lại được hình ảnh đẹp của mình trên những luống hoa, dâu tây…. Tuy mới qua 1 năm áp dụng, mô hình đang cho thấy hướng đi đúng và hứa hẹn khả năng phát triển.

Mô hình nông nghiệp trải nghiệm của HTX Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn đã chứng minh hiệu quả. Các sản phẩm khi người tiêu dùng được trực tiếp biết quy trình sản xuất giúp thuận lợi hơn trong quá trình tiêu thụ. Diện tích sản xuất rau, củ, quả cho giá trị cao gấp 4 – 5 lần sản xuất truyền thống. Các loại cây trồng mới có thể cho thu gấp 7 – 8 lần. Như diện tích trồng dâu tây năm 2023 cho giá trị đạt đến 80 triệu đồng/sào. Ngày cao điểm dâu tây thu hoạch rộ đạt hơn 1 triệu đồng/sào… Cây hướng dương khai thác hoa đạt giá trị 8 triệu đồng/sào/vụ, lợi nhuận thu được lên đến 60%.

Từ hiệu quả của sản xuất nông nghiệp trải nghiệm tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn cho thấy tiềm năng, thế mạnh về phát triển loại hình sản xuất này, giúp nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người dân. Theo tìm hiểu của phóng viên, khả năng mở rộng mô hình nông nghiệp trải nghiệm trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều. Ngay tại xã Trác văn hiện nay đang có HTX rau hữu cơ Trác Văn có diện tích sản xuất 3 ha, vùng sản xuất nho hạ đen 2 ha...

Trên địa bàn thị xã Duy Tiên đang phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa theo hướng hữu cơ; vùng trồng sen, súng với các giống mới nhập ngoại cho thu hoa. Rộng hơn, tại tỉnh đã có các mô hình trồng rau, củ, quả (nho mẫu đơn, nho hạ đen)... đạt tiêu chuẩn Viet GAP, hữu cơ. Đây đều là các vùng sản xuất có nhiều tiềm năng phát triển theo hướng nông nghiệp trải nghiệm.   

 Mạnh Hùng

Bình luận