Ngày 27/11, UBND TP.HCM phối hợp Hội Nông dân TP.HCM và các sở, ngành tổ chức chương trình lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân TP.HCM năm 2024 với chủ đề: “Vai trò của nông dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng đại diện các sở, ngành, Hội Nông dân các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Gặp khó khăn với những yếu tố quan trọng
Phát triển du lịch nông nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân, giúp nâng cao thu nhập và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch vẫn gặp không ít khó khăn.
Từ hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư, đến thiếu kỹ năng và kinh nghiệm trong hoạt động du lịch, tất cả đều là những rào cản lớn. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ còn chưa đồng bộ và phù hợp với từng địa phương, khiến nhiều mô hình du lịch nông nghiệp chưa thể phát triển bền vững.
Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (chuyên trồng rau công nghệ cao) cho biết trong thời gian qua, HTX đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng nhằm mang đến cho khách tham quan những trải nghiệm thực tế về nông nghiệp. Một trong những chương trình nổi bật là "Một ngày làm nông dân", nơi các em học sinh và gia đình có cơ hội tham gia trực tiếp vào các công việc đồng áng.
Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc
Tuy nhiên, HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc hiện đang gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, một yếu tố quan trọng để tạo ra trải nghiệm tốt cho du khách. Dù đã có sự đầu tư ban đầu từ nguồn tài chính của HTX, nhưng diện tích hiện tại chỉ khoảng 1.200m2, vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu phát triển một khu du lịch nông nghiệp hoàn chỉnh.
"Du lịch nông nghiệp không chỉ phụ thuộc vào một HTX hay trang trại riêng lẻ, mà cần sự kết nối giữa nhiều HTX và nông dân để tạo nên hệ sinh thái rộng lớn. Tuy nhiên, HTX Tuấn Ngọc hiện chưa thiết lập được các kênh liên kết với các HTX khác, khiến hoạt động du lịch tại đây bị hạn chế về quy mô và đa dạng", ông Ngọc chia sẻ.
Ông Ngọc hy vọng trong tương lai, HTX sẽ nhận được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, tài chính từ chính quyền, bao gồm các chương trình vay vốn, đào tạo và xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản.
Tương tự, đại điện HTX Thiềng Liềng (Cần Giờ, TP.HCM) kiến nghị lãnh đạo tại buổi đối thoại, như: Cần hỗ trợ HTX tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân sự. Có chính sách tốt cho việc đào tạo nguồn nhân sự trẻ có năng lực, có trình độ để tham gia vào hoạt động của các HTX. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho HTX có ngôi nhà chung nhằm trưng bày giới thiệu, quảng bá những sản phẩm OCOP và đặc trưng của huyện Cần Giờ.
Tăng thêm các tuyến đò (từ Tắc Xuất – Thiềng Liềng hoặc Tam Thôn Hiệp – Thiềng Liềng) cũng như tạo điều kiện bến bãi cho các phương tiện võ lãi để bà con trên ấp cũng như khách du lịch khi đến Thiềng Liềng thuận tiện hơn, giúp tăng lượng du khách đến Thiềng Liềng, đời sống của diêm dân ổn định hơn.
“Tôi mong được huy động và hỗ trợ mọi nguồn lực tài chính cho phát triển HTX. Ưu tiên bố trí các nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho HTX và bà con nông dân tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất”, đại điện HTX Thiềng Liềng cho hay.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Đạt Butter mong UBND TP.HCM hỗ trợ về nguồn lực, đặc biệt là vốn và kỹ thuật, để giúp doanh nghiệp và nông dân nâng cao năng lực sản xuất, quản lý năng lực tiếp thị tăng tiếp cận cho khách hàng mục tiêu được trải nghiệm trực tiếp thông qua các hoạt động du lịch trải nghiệm.
Còn ông Phan Văn Kèo, người đang triển khai mô hình du lịch nông thôn tại huyện Hóc Môn (TP.HCM), chia sẻ rằng vào năm 2013, ông đã nảy ra ý tưởng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp với mục đích giới thiệu và quảng bá hình ảnh 18 thôn Vườn Trầu đến với du khách.
Nông dân TP.HCM làm du lịch gặp khó khăn
Hiện tại, mô hình du lịch của ông Kèo thường xuyên thu hút các đoàn khách, đặc biệt là các em học sinh đến tham quan. Tuy nhiên, ông vẫn đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình triển khai và vận hành mô hình này.
Ông Kèo cho biết, mặc dù đã có quy định cho phép xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, nhưng diện tích được cấp phép vẫn còn quá hạn chế, không đủ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Thêm vào đó, nông dân cũng không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 1 đến 3ha cùng một lúc.
Ông Kèo đề xuất rằng Thành phố cần có một đề án phát triển du lịch riêng biệt cho nông dân ở 5 huyện ngoại thành. Theo đó, những người tham gia du lịch nông nghiệp nên được phép xây dựng các công trình phụ trợ bán kiên cố trên đất nông nghiệp với diện tích rộng hơn. Nếu cần thiết, nông dân sẽ phải cam kết đảm bảo chất lượng trong việc xây dựng các công trình này.
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và du lịch
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhận định Thành phố có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn. Nhiều du khách quốc tế ngạc nhiên trước những mảng xanh ở Cần Giờ giữa lòng đô thị công nghiệp hóa.
Ông Hòa nhấn mạnh, để phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và du lịch. Hiện du lịch nông thôn TP.HCM còn hạn chế về nguồn nhân lực, sản phẩm và tour tuyến chưa đa dạng. "Ngành du lịch rất cần sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp để thúc đẩy lĩnh vực này", ông Hòa chia sẻ.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM còn cho hay trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh phối hợp với các ngành, các cấp đề ra các hương trình hỗ trợ, khuyến khích người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch, từ đó giúp họ cải thiện thu nhập và bảo tồn nghề truyền thống. Tạo ra các kênh kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch và nông nghiệp, giúp các nhà nông không chỉ sản xuất mà còn có thể trở thành những nhà cung ứng dịch vụ do chính sản phẩm từ cộng đồng, từ nông nghiệp nông thôn.
Nhìn chung, để du lịch nông nghiệp từng bước khẳng định được vị thế của mình thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là việc định hướng phát triển phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, là cầu nối kết nối các chuyên gia, tổ chức, đơn vị tư vấn để xây dựng các sản phẩm đi đúng hướng.
“Đối với doanh nghiệp phải tăng cường phối hợp với chính quyền để đảm bảo đứng định hướng, xây dựng các sản phẩm đa dạng, hợp với xu thế thị trường khách; đối với chính quyền địa phương là tăng cường tạo điều kiện về hạ tầng, cơ chế, vận động nông dân tham gia làm du lịch gắn liền với công việc hằng ngày, phát huy được văn hóa, bản sắc của địa bàn sinh sống, mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thực nhất”, ông Lê Trương Hiền Hòa nói.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu Sở Du lịch Thành phố phối hợp với các bên liên quan để nâng cao chất lượng du lịch nông thôn. Nhiều huyện tại TP.HCM sở hữu những điểm đến hấp dẫn và các trải nghiệm thú vị nhưng chưa được nhiều du khách biết đến. Phương thức làm du lịch của nông dân còn mang tính nhỏ lẻ và đơn giản.
Du lịch nông nghiệp tại TP.HCM ngày càng phát triển
Ông Hoan gợi ý rằng hàng năm, các tour du lịch dành cho nông dân làm du lịch nông thôn nên được tổ chức, giúp họ vừa có cơ hội trải nghiệm, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm. Thậm chí, có thể đưa nông dân ra nước ngoài để tìm hiểu cách thức phát triển du lịch của những quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.